“Bà đỡ” cho các mô hình phát triển nông nghiệp ở Nghệ An
Thứ hai - 31/07/2023 23:137090
Nghệ An là tỉnh đất rộng, dân đông; trong 21 đơn vị hành chính cấp huyện, có 11 huyện, thị xã miền núi, trong đó có 4 huyện nghèo đặc biệt khó khăn.
Vì vậy việc phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; các chương trình, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tiếp tục được triển khai, tạo phong trào, động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Mô hình chăn nuôi vịt bầu thương phẩm tại huyện Quỳ Hợp
Giữa trưa hè cuối tháng 7 trời nắng như lửa đốt, chúng tôi có mặt tại trang trại anh Nguyễn Hữu Thắng, xóm 2, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ngoài trời lúc này nhiệt độ đã lên đến hơn 40 độ C, song nhiệt độ trong các phân khu của trang trại vẫn luôn giữ ở mức 25 độ C đến 27 độ C nhờ giàn phun nước làm mát từ mái và các giàn mát thổi từ bốn phía. Trong tiếng nhạc du dương, đàn gà đang nằm ngủ say... Trước sự ngưỡng mộ, lẫn phần tò mò của chúng tôi, anh Thắng giải thích: “Gà ác (gà lông trắng, thịt và xương đen) là giống gà mang tính hoang dã nên thường cắn nhau, nếu con đầu đàn cất tiếng kêu thì cả đàn xáo trộn, vì vậy mở nhạc sẽ bảo hòa tiếng ồn, qua đó mức độ tăng trưởng cũng như quá trình đẻ trứng cũng tốt hơn. Đây là giống gà có nguồn gốc từ miền Nam, không chịu được nhiệt độ quá cao cũng như quá thấp, vì vậy về mùa nắng nóng phải lắp thêm hệ thống làm mát cho chuồng, về mùa đông phải lắp thêm các bóng sưởi ấm, bảo đảm nhiệt độ ổn định giữa các mùa thì gà mới phát triển tốt”. Anh Thắng chia sẻ, để có được sự thành công như ngày hôm nay, ngoài sự tìm tòi học hỏi của bản thân, có sự giúp đỡ rất lớn của các cơ quan chức năng địa phương như Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh... tùy theo chức năng của mình, họ tư vấn giúp đỡ anh hoàn thiện và phát triển mô hình. Được biết, đây là mô hình trang trại làm ăn hiệu quả, đang được nhiều tổ chức cá nhân về tham quan, học tập để nhân rộng.
Mô hình trồng cây hoa cúc áp dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn Led tại huyện Nam Đàn
Bằng các cách làm hiệu quả của các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tỉnh Nghệ An đang triển khai hàng chục mô hình chăn nuôi hiệu quả như: Nuôi gà H'Mông thương phẩm ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, hiện đang nhân rộng ở các xã khác trong huyện Kỳ Sơn và huyện Tương Dương; chăn nuôi dê sinh sản chất lượng cao ở huyện Tương Dương và đang nhân rộng ra các huyện miền núi; mô hình chăn nuôi gà bản địa thương phẩm ở huyện Quế Phong và hiện đang được nhân rộng ở các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương... Ngoài các mô hình chăn nuôi, các mô hình trồng trọt cũng được các cấp quan tâm nhân rộng hiệu quả như: Mô hình trồng nho Thái áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở huyện Quỳ Hợp, sau 2 năm trồng hiện đang đánh giá để nhân rộng; mô hình trồng bưởi da xanh ở huyện Nghi Lộc; mô hình trồng thâm canh chuối tiêu hồng theo hướng hữu cơ ở huyện Yên Thành...; nhiều mô hình đã được nhân rộng hiệu quả giúp người dân có thu nhập ổn định từ sản xuất hàng hóa hộ dân cư. Ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Nghệ An cho biết: Trong những năm qua, hằng năm Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng được hơn 30 chương trình, dự án và 12 đến 15 chương trình, dự án của Trung ương triển khai. Đối với những chương trình, dự án triển khai theo kế hoạch, chúng tôi tổ chức khảo sát địa bàn phù hợp để triển khai trình diễn. Khi mô hình dự án đạt kết quả đề ra thì tổ chức tập huấn theo dạng cầm tay chỉ việc cho cán bộ thôn bản và đến từng người dân để nhân rộng mô hình, dự án. Đối với các mô hình do người dân phát triển thì nghiên cứu, giúp đỡ họ ứng dụng khoa học kỹ thuật để mở rộng phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình cũng như làm trung gian tìm đầu ra cho các sản phẩm. Từ những cách làm hiệu quả trên đã giúp ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An trong những năm qua luôn đứng tốp đầu cả nước về mức độ tăng trưởng. Bá Nguyễn – Báo Quân đội nhân dân