Nghệ An: Chính sách về hoạt động Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã mang lại nhiều hiệu quả
Thứ ba - 20/06/2023 06:324920
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước và dân số đông thứ 4 cả nước, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 6 trường đại học, 13 trường cao đẳng và nhiều cơ sở đào tạo nghề, số lượng doanh nghiệp nhiều, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường KH&CN trong đó nguồn cung được xuất phát từ các viện, trường và nguồn cầu xuất phát từ nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặt khác thực tế sản xuất đòi hỏi cần phải có một “cú hích” trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao.
Ngày 22/7/2020 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND Quy định vềmột số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 14/01/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, mức hỗ trợ 30% tổng đầu tư của dự án, với số tiền được hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/1 dự án (Hỗ trợ sau đầu tư) đối với các huyện miền núi điều kiện khó khăn (Ký Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu)và đối với các huyện còn lại không quá 700 triệu đồng, bước đầu đã mang laị kết quả.
Theo báo cáo của Sở KH&CN tại Hội nghị thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo phía Bắc và Bắc Trung Bộ cho thấy từ khi thực hiện chính sách đến nay, đã hỗ trợ 11 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, với tổng số tiền hỗ trợ là 7,784 triệu đồng.Hỗ trợ về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (bao gồm các nội dung: áp dụng HTQLCL tiên tiến, hợp chuẩn. mã số mã vạch) cho 108 doanh nghiệp với tổng kinh phí là 1,625 tỷ đồng.
Hỗ trợ về sở hữu trí tuệ: Đăng kí bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu: mức hỗ trợ từ 10 triệu đến 30 triệu/ 1 văn bằng bảo hộ và hộ trợ mua, chuyển giao tài sản trí tuệ để thương mại hóa không quá 30% giá trị hợp đồng chuyển nhượng (không quá 1 tỷ đồng). Hỗ trợ 222 văn bằng, với tổng kinh phí đã hỗ trợ là 4,396 tỷ đồng. Kết quả: đến hết tháng 12/2022 trên địa bàn tỉnh đã có 3.484 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa (tăng 111,9% so với năm 2021). Cục sở hữu trí tuệ đã cấp 1.695 văn bằng bảo hộ, trong đó có 1593 nhãn hiệu, 76 kiểu dáng công nghiệp, 16 giải pháp hữu ích và 10 sáng chế cho các cá nhân và doanh nghiệp. Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các địa phương đăng ký bảo hộ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho trên 50 sản phẩm đặc sản, đặc trưng mang tên địa danh theo hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhân.
Đăng ký bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý: Nghệ An đã có 2 sản phẩm được bảo hộ là “Cam Vinh” “Gừng Kỳ Sơn” và đang hỗ trợ để đăng ký 4 chỉ dẫn địa lý: “Trám Thanh Chương”, “Trà hoa vàng Miền Tây Nghệ An”, “Tương Nam Đàn”, “Gạo Khẩu Cẩm Xẳng”. Chỉ dẫn địa lý cam “Vinh” đã được cấp bổ sung cho giống cam V2 và mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý cho cam “Vinh”. Thăm mô hình Ứng dụng vi sinh xử lý nước nuôi cá lóc taị hộ anh Thoả xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu
Riêng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025 với mức hỗ trợ 60% kinh phí mua chế phẩm sinh học Compost Maker và các phụ gia để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, hỗ trợ 100% kinh phí mua chế phẩm Biogreen để xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất trồng rau. Thời gian qua đã hỗ trợ được 8.880.500.000 đồng trong đó hỗ trợ sản xuất phân hữu cơ vi sinh là 5.500.200.000 đồng và xử lý thuốc bảo vệ thực vật là 3.380.300.000 đồng.
\Mô hình trồng rau không tồn dư thuốc BVTV của chị Trần Thị Thương xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu
Các chương trình, dự án được hỗ trợ bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, năng suất, chất lượng sản phẩm của mô hình tăng lên rõ rệt. Một số mô hình đã được nhân rộng ra nhiều địa bàn và đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chế biến quả trám đen, trồng cây Sâm Thổ Hào, nhân giống và trồng bưởi cát ngạn, chuỗi giá trị sản xuất lúa Japonika J02 trên địa bàn các huyện miền tây… đến nay đã mở rộng ra nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. Mặt tích cực nhất trong ứng dụng tiến bộ KH - CN vào sản xuất là công nghệ cao được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, chế biến sau thu hoạch, sản xuất sạch, an toàn và thân thiện với môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Qua đó, người dân vùng triển khai dự án có ý thức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu địa phương, nhất là vùng nông thôn miền núi khu vực miền tây Nghệ An.
Tuy nhiên, để Chương trình đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Sở KH và CN Nghệ An kiến nghị: Cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý trung ương và cơ quan quản lý địa phương, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án; ban hành cơ chế phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án về KH - CN với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn để tập trung nguồn tài chính cũng như đội ngũ kỹ thuật viên trên cùng địa bàn; cần có cơ chế hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và áp dụng tiến bộ KH - CN để phát triển cây, con đặc sản. Ðồng thời, cần hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ KH - CN phát triển các vùng nguyên liệu lớn và tập trung cho công nghiệp chế biến; ưu tiên đầu tư phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, có giá trị và tiềm năng thương mại, tạo thành các sản phẩm hàng hóa lớn cho địa phương; khai thác thế mạnh các thủy vực lớn, phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Bên cạnh đó, Trung ương cần hỗ trợ tỉnh các công nghệ tiên tiến trong sản xuất, bảo quản và chế biến đối với một số sản phẩm chủ lực, như: chè, lạc, lúa gạo, cam, đại gia súc, hải sản…/.