Thứ bảy, 16/11/2024, 20:15

Biogas đa năng Vị Nông – Tiềm năng ứng dụng

Thứ hai - 10/07/2023 21:40 972 0
Nghệ An là tỉnh có ngành chăn nuôi khá phát triển thuộc tốp đầu cả nước, tính đến cuối năm 2022 với tổng đàn trâu, bò ước đạt 788.000 con; trong đó, đàn trâu 268.000 con; đàn bò 520.000 con (bò sữa, bê sữa 79.960 con; bò, bê lai khoảng 400.000 con chiếm 76,92% tổng đàn bò); đàn lợn ước đạt 1.100 nghìn con (trên 850 lợn đực ngoại, 40.000 nái ngoại); gia cầm ước đạt 33.046 nghìn con.
Biogas đa năng Vị Nông – Tiềm năng ứng dụng
Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu chiếm tỉ lệ cao trên 80%, phương thức chăn nuôi dựa vào phương pháp truyền thống, kinh nghiệm là chính nên thực tế bên cạnh những thành công thì cũng để lại nhiều hệ lụy trong công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh, nhất là báo động về sự ô nhiễm môi trường từ nguồn chất thải, nước thải chăn nuôi gây nên. Nguyên nhân là do các cơ sở chăn nuôi, các hộ gia đình chưa tuân thủ đúng quy trình thực hành chăn nuôi tốt, đảm bảo an toàn sinh học. Do vậy, muốn chăn nuôi vừa tiếp tục phát triển, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường thì cần quan tâm, chú trọng đến nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp về giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi được áp dụng bởi công nghệ khí sinh học (biogas) được xem là tối ưu hiện nay, đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, hiệu quả cao. Công nghệ này xử lý chất thải từ bản thân gia súc, gia cầm như: phân, nước tiểu, vảy da và nguồn nước từ quá trình tắm cho gia súc, vệ sinh chuồng trại hoặc các chất thải khác trong chăn nuôi,…. Bản chất của công nghệ là các chất thải hữu cơ như phân, nước thải gia súc gia cầm thường được lên men và phân huỷ bởi tác động của các vi sinh vật mà mắt thường không thể nhìn thấy. Quá trình này nếu diễn ra trong môi trường kỵ khí sẽ sinh ra một lượng khí gọi là biogas. Nó là hỗn hợp gồm nhiều chất khí, trong đó chủ yếu là khí metan (CH4) và khí cacbonic (CO2).
Hiện nay có rất nhiều dạng công nghệ biogas đang được người chăn nuôi áp dụng như: túi nilon, bể compozit, bể biogas Vacvina cải tiến, bể xây vòm cầu nắp cố định KT1, KT2 thiết kế của Viện Năng lượng, .. Với mỗi loại công nghệ đều có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng phải khẳng định về bản chất và công năng giống nhau. Đặc biệt, loại công nghệ “Thiết bị sản xuất khí sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp, sinh khối và rác thải sinh hoạt hữu cơ” được cấp bằng độc quyền sáng chế số 20468 theo Quyết định 1885/QĐ-SHTT ngày 08/01/2019 của Cục sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ và Quyết định 322//QĐ-CN-MTCN ngày 20/10/2020 của Cục Chăn nuôi về việc công nhận tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực chăn nuôi “Thiết bị biogas đa năng Vị nông xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi và phế phụ phẩm nông nghiệp” của tác giả Nguyễn Hồng Sơn – Trung tâm khuyến viên và dịch vụ nghề vườn Việt Nam (Trung tâm vị nông - TVN) là dạng bể biogas sáng chế với nhiều tính ưu việt, khác biệt, khắc phục được một số hạn chế của các dạng công nghệ biogas khác mà người chăn nuôi đang áp dụng. Thiết bị biogas đa năng Vị nông có nhiều tính ưu việt, sáng tạo căn bản và khác biệt như: Hoạt động theo nguyên lý hoàn lưu; Cụm cửa nạp đa năng; Gắn nối được hệ thống hố xí vào cửa nạp; Buồng lên men kỵ khí toàn phần động; Hệ thống phá váng cưỡng bức; Quản trị tốt thời gian lưu; Xây dựng kích thước tuỳ ý phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nạp,..vv.

bioga
Ghi nhận từ một số điểm sáng chế, khác biệt của thiết bị biogas đa năng vị nông; Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh cho phép thực hiện “Ứng dụng sáng chế biogas đa năng vị nông xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi và rác thải hữu cơ tại tỉnh Nghệ An” theo quyết định số 2799/QĐ-UBND ngày 25/7/2019 tại huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An. Sau gần 3 năm thực hiện, kết quả đã đào tạo được 25 thợ xây kỹ thuật; Xây dựng được 33 bể biogas với tổng thể tích 347m3 tại 4 xã: Thanh Hoà (13 hầm), Cát Văn (9 hầm); Thanh Lâm (5 hầm); Phong thịnh (6 hầm). Qua đánh giá các công trình được xây dựng đều hoạt động tốt, cho sản lượng khí đảm bảo theo thiết kế và xử lý được chất thải chăn nuôi, rác hữu cơ đạt yêu cầu được các cấp chính quyền, nông dân ghi nhận và tiếp nhận công nghệ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm khuyến viên và dịch vụ nghề vườn Việt Nam chia sẻ: để được cấp thẩm quyền công nhận và người chăn nuôi tin tưởng áp dụng thiết bị biogas đa năng vị nông, chúng tôi đã phải phân tích đánh giá các mẫu hầm biogas quy mô nhỏ hiện có đang áp dụng trên thực tế để tìm ra những nhược điểm, tồn tại của các loại thiết bị đó như tình trạng hoạt động không liên tục, không quản trị được thời gian lưu cơ chất trong bể phân huỷ, phá váng khó khăn, kén chọn nguyên liệu nạp vào hầm, năng suất khí thấp, vận hành phức tạp, .. Chính từ những trăn trở đó chúng tôi cải tạo, sáng chế đảm bảo sự khác biệt để khắc phục tình trạng hạn chế của các loại thiết bị biogas mà nông dân đang lựa chọn áp dụng. Qua thực tế gần 3 năm thử nghiệm áp dụng sáng chế thiết bị biogas đa năng vị nông tại huyện Thanh Chương qua đã được Sở Khoa học công nghệ và môi trường, nông dân ứng dụng loại thiết bị này ghi nhận đánh giá cao về công năng và hiệu quả đem lại. Không những xử lý cơ bản triệt để chất thải chăn nuôi, rác thải hữu cơ mà còn tái sinh được nguồn chất đốt rẻ, sạch, tiết kiệm được từ 3 - 4 triệu đồng/năm/công trình nhờ việc sử dụng khí sinh học thay thế cho củi đốt, than, gas hoá lỏng công nghiệp và các loại chất đốt truyền thống khác hoặc dùng để thắp sáng, chạy máy phát điện phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, bên cạnh đó còn cung cấp nguồn phụ phẩm phục vụ cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và nhiều lợi ích khác.

bio
Từ những kết quả bước đầu đạt được khi ứng dụng biogas đa năng vị nông để xử lý chất thải chăn nuôi và rác thải hữu cơ tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã khẳng định được sáng chế thiết bị biogas đa năng vị nông có tính khoa học, cơ sở thực tiễn rất cao, chắc chắn trở thành 1 dạng công nghệ biogas với nhiều ưu điểm vượt trội để người chăn nuôi lựa chọn, đón nhận ứng dụng trong thời gian tới, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, rác thải hữu cơ gây nên, giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đà thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh, sạch đẹp./.
   
    

                                                                                                        Cao Tuấn - Trung tâm Khuyến nông
                                                                                    Nguồn: Tập san Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây