Thứ hai, 20/01/2025, 23:51

Để nuôi trồng thủy sản mặn lợ ven biển Nghệ An sớm bứt phá

Thứ hai - 01/04/2024 05:19 1.144 0
Từ năm 2017 lại đây, mỗi năm sản lượng thủy sản Nghệ An đạt từ 250-270 ngàn tấn, trong đó nuôi trồng chiếm khoảng 1/4, còn lại khoảng ¾ sản lượng là khai thác. Tuy vậy, theo Chiến lược phát triển thủy sản quốc 2022- 2030 và tầm nhìn 2045 và Chương trình phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2023-2030 phải giảm tỷ trong khai thác và tăng sản lượng nuôi trồng. Để thực hiện mục tiêu trên, nuôi trồng thủy sản Nghệ An phải làm gì để bứt phá?Nuôi mặn lợ, nghề khai phá tiềm năng mặt nước
Để nuôi trồng thủy sản mặn lợ ven biển Nghệ An sớm bứt phá
Với chiều dài 82 km bờ biển, diện tích vùng biển ven bờ lên tới gần 8.000 km2; 5 cửa lạch kèm theo đó khoảng gần 2.000 ha mặt nước thủy nội địa, Nghệ An là một trong những tỉnh có tiềm năng nuôi mặn lợ khá phong phú, đa dạng. Trên thực tế, Nghệ An là một trong những tỉnh sớm nhất miền Bắc đưa tôm sú vào nuôi thâm canh khi từ năm 2000, người dân Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) đã cải tạo ao đầm dọc sông Mơ để nuôi tôm sú. Chỉ sau vài năm thắng lợi, từ vài chục ha ban đầu, diện tích nuôi tôm được mở rộng ra Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Hòa (TP Vinh).
Ông Nguyễn Hồng Cương – một trong những chủ nuôi tôm đầu tiên tại Quỳnh Dỵ (Tx Hoàng Mai) cho biết: thời gian đầu nuôi tôm sú khá thuận lợi và nghề “làm chơi ăn thật” vì chi phí ít mà năng suất bình quân 3-5 tấn/ha, lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, do con tôm sú nuôi khá dài (7-9 tháng) nên sau khi một số mô hình nuôi tôm thẻ thành công, ông cũng như nhiều chủ đầm chuyển sang nuôi tôm thẻ. Từ khi chuyển sang nuôi tôm thẻ, mặc dù giá thấp hơn nhưng lại kinh tế hơn vì thời gian nuôi ngắn (từ 90-100 ngày) nên giảm thiểu được nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh.

 
       Mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao chuẩn VietGap của ông Nguyễn Cường tại xóm 9, xã Diễn Trung, Diễn Châu

Toàn tỉnh hiện có 1.200 ha nuôi tôm thâm canh, nếu mỗi năm sản xuất 2 vụ thì diện tích nuôi là 2.400 ha. Từ năm 2020 đến nay, do liên tiếp xảy ra dịch bệnh nên nhiều vùng ao đã bị bỏ hoang. Nhận thấy lợi thế này, một số chủ hộ có điều kiện đã xin thuê lại ao đầm đầu tư lại để nuôi công nghệ cao. Theo Phòng quản lý công nghệ, Sở Nông nghiệp & PTNT: Nghệ An hiện có gần 460 ha tôm nuôi trong nhà màng, nhà lưới, trong đó 420 ha nuôi công nghệ cao quy trình 5 bước.
                           Nuôi cá mô hình lồng bè tại bến cá Nghi Tân, Tx Cửa Lò

Ngoài nuôi tôm, bà con các xã phương ven biển ở Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Nghi Lộc, Cửa Lò tận dụng diện tích mặt nước mặn lợi vùng cửa lạch ven biển đầu tư các mô hình nuôi cá lồng bè, nuôi ngao biển và nuôi hàu sữa. So với đầu tư nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng bè hay nuôi ngao bãi triều có lợi thế là tận dụng được nguồn thức ăn là các loại cá tạp khai thác và sinh vật phù du nên chi phí rẻ. Hiện toàn tỉnh còn khoảng 80 lồng bè nuôi tại vùng cửa lạch ven biển ở Hoàng Mai, Nghi Lộc và trên 200 ha ngao ở vùng bãi dọc Quỳnh Lưu và Nghi Thiết (Nghi Lộc).

 
                                                Ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch ngao biển tại Quỳnh Lưu

Ông Nguyễn Đức Lâm- Chủ tịch UBND phường
Nghi Tân, Tx Cửa Lò chia sẻ: mấy năm lại đây, nghề khai thác ngày càng kém hiệu quả nên kết hợp với tuyên truyền chống khai thác vi phạm IUU, địa phương khuyến khích bà con chuyển sang nuôi cá lồng bè. Mỗi gia đình chỉ cần 4- 5 lồng và nếu may mắn, mỗi lồng (20 m2) lãi được vài chục triệu đồng là nguồn động viên lớn. Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hoàng- chủ mô hình ngao biển hơn 25 năm tại thôn Tân Xuân, xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) cho biết: cũng như nuôi cá lồng, nuôi ngao biển không phải mất chi phí thức ăn nhưng để thả con giống và nuôi thành công thì phải hiểu địa hình, thời tiết và con nước để thả giống. Rút kinh nghiệm, phải thả giống thành nhiều lứa và  sau 18 tháng thả giống, nếu năng suất đạt 20 tấn/ha thì, sau khi trừ cho phí lãi khoảng 100 triệu đồng, nếu nuôi trên 5 ha thì lãng cao hơn.
Cùng với nghề nuôi trồng, Nghệ An còn có thể mạnh về sản xuất tôm giống và một số giống mặn lợ khác. Tuy nhiên, dấu ấn nổi bật nhất vẫn là sản xuất tôm giống với công suất khoảng 4 tỷ con giống/năm, trong đó lớn nhất là Tập đoàn Việt - Úc tại xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) công suất sản xuất gần 2 tỷ con, tiếp theo là Công ty Nam Miền Trung, Công ty Tuấn Hải…
Gỡ vướng đế nuôi trồng mặn lợ Nghệ An bứt phá
Tại buổi góp ý vào Đề án nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2024-2030 cuối tháng 12/2023, đại diện Chi cục thủy sản – Kiểm ngư Nghệ An chia sẻ: để thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, trong khi duy trì mức sản lượng khai thác hải sản từ 250-270 ngàn tấn là khả thi thì mục tiêu tăng sản lượng nuôi trồng từ 65 ngàn tấn hiện nay lên 90 ngàn tấn vào năm 2025 và 120 ngàn tấn vào năm 2030 là đầy thách thức.
Thực tế cũng cho thấy, nghề nuôi mặn lợ ở Nghệ An khá đa dạng nhưng để phát triển bứt phá theo hướng dựa vào sản lượng nuôi trồng là chính là rất khó. Nguyên nhân là do hạ tầng các vùng nuôi thủy nội địa thì đầu tư chưa đồng bộ, môi trường nuôi bị suy thoái nhiễm nặng đã đành thì diện tích ao đầm, bãi triều ven biển không thể tăng thêm và không thể đầu tư nuôi quy mô lớn như các tỉnh.
Đơn cử, đối với mô hình nuôi lồng bè, ngoài khó khăn khách quan là vùng biển ven bờ của tỉnh là vùng biển mở, khó nuôi lồng bè quy mô lớn; các bãi triều ven biển để nuôi ngao thì nhỏ hẹp thì nghề nuôi lồng bè và bãi triệu ven biển Nghệ An còn vướng về quy hoạch và thủ tục thuê đất. Tìm hiểu tại các địa phương cho thấy, mặc dù nuôi lồng bè ven sông, cửa lạch đang được động viên khuyến khích nhưng do chưa có quy hoạch nên bà con mạnh ai người ấy làm, khá tự phát.
Anh Trần Ngọc Hoàng chủ đầm ngao ven biển ở Quỳnh Thuận cho biết: nuôi ngao ngoài khu vực bãi triều ven biển khác với nuôi thủy sản trên bờ, phải thuận theo hải lưu và thủy triều. Nếu mô hình nuôi bãi bồi quy mô nuôi lớn, trên 20 ha theo quy mô doanh nghiệp như gia đình ông và có bản vẽ thiết kế cùng với đó là tư vấn, thuyết minh đánh giá tác động môi trường DTM là chấp nhận được. Tuy vậy, việc yêu cầu các hộ nuôi 1-2 ha cũng phải làm thủ tục trên mới được thuê đất là không thực tế và thiếu tính khả thi.
Trên thực tế, với lợi thế vùng biển ben bờ lớn, Nghệ An từng có mô hình nuôi cá lồng bè tại khu vực đảo Ngư do bà con phường Nghi Hải (Tx Cửa Lò) đầu tư. Tuy nhiên, do thường xuyên chịu tác động của mưa bão, sóng lớn đánh chìm hoặc vỡ lồng bè khiến bà con thiệt hại năng và chỉ làm vài năm. Vì vậy, để tăng giá trị nuôi trồng thủy sản mặn lợ, chỉ còn cách đầu tư hạ tầng để nuôi tôm công nghệ cao.
Thực tế các hộ đầu tư lại đầm để nuôi công nghệ cao theo quy trình 5 bước đã chứng minh hướng đi đúng. Theo đó, cùng với kiểm soát đầu vào là giống chất lượng, phải đầu tư hệ thống ao đầm bài bản, ngoài ao nuôi, chia thành nhiều bể và thả tôm nhiều lứa. Bên cạnh đó, phải bố trí diện tích để làm ao lắng lọc, xử lý nước đạt chuẩn mới đưa vào ao nuôi….
Mô hình của ông Nguyễn Cường – xóm 9 xã Diễn Trung là một một ví dụ. Trong 6 ha ở 2 khu vực, ông chia thành nuôi công nghệ cao 3 ha và 3 ha nuôi VietGap thông thường. Khu vực nuôi tôm công nghệ cao ông làm 7 bể trải bạt, mỗi diện tích khoảng 500 m2, còn lại ông làm 4 ao lắng lọc. Trong 7 bể, ông đầu tư 3 bể có mái che để nuôi ương tôm lúc còn nhỏ và bể ngoài trời nuôi tôm lớn hơn. Nhờ cách nuôi gối vụ nên gần tháng nào, mô hình cũng có tôm xuất bán ra thị trường.
Tương tự mô hình tôm công nghệ cao của ông Thái Bá Khang tại thôn Thọ Nhân, xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu. Trong số gần 10 ha, ông thiếu kế 21 bể nuôi, mỗi bể khoảng 500 m2, còn lại diện tích bố trí các ao lắng xử lý nước. Tại đây, tôm cũng được nuôi tôm theo quy trình 5 bước. Ông Thái Bá Khang cho biết: đầu tư nuôi công nghệ cao kinh phí ban đầu khá lớn (gần 15 tỷ đồng) nhưng bù lại an toàn và hiệu quả hơn. So với trước đây, mỗi năm tối đa chỉ nuôi được 2 vụ nhưng nay thì không kể thời vụ. Sau 2 năm triển khai, với 18 bể nuôi, sản lượng tôm đạt gần 20 tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thu hoạch thêm 1 vụ tôm nữa với 5 bể và khoảng 5 tấn tôm.
Ông Nguyễn Xuân Dinh- Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Từ thành công của mô hình của ông Khang và trước đó là 1 số mô hình ở Quỳnh Bảng,, Quỳnh Lưu đang khuyến khích các chủ đầm có điều kiện đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Hiện tại, đã có 1 số chủ đầm thuê lại ao đầm ở Quỳnh Minh, Quỳnh Yên, Quỳnh Thuận để đầu tư nuôi công nghệ cao và huyện rất ủng hộ hướng đi này.
Hiện nay, để hạn chế rủi ro do dịch bệnh, thay vì đào ao sâu âm dưới lòng đất để nuôi và thiết kế diện tích từ 2.000 đến 5.000 m2/ao như trước đây, các chủ đầm cải tạo thành nhiều bể và thiết kế ao nuôi bán âm bán dương; tôm giống mới nhập về còn nhỏ thì ương dèo trong bể bê tông, lớn hơn mới đưa ra bể lớn hơn diện tích mỗi bể từ 500-1.000 m2; phía trên đầu tư giàn mát, quạt gió hoặc tháp nón che mát giảm nhiệt về mùa hè và quây kín gió vào mùa đông nên khá an toàn.
Bên cạnh đó, mặc dù chưa áp dụng được hoàn toàn mô hình nuôi công nghệ cao 5 bước những các chủ đầm đã đầu tư đưa nước từ biển vào, đầu tư trải bạt làm ao lắng; cải tạo, thiết kế diện tích nhỏ hơn và dùng bạt lót đáy ao nuôi thay vì nền đất như trước đây. Nhờ vậy sau nhiều lần thất bại, vụ tôm năm 2023 vừa qua tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai đẫ có hộ thành công và hiệu quả hơn…
Ông Trần Xuân Học- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Nghệ An hiện có nuôi tôm công nghệ cao là 420 ha, từ nay đến năm 2030 nếu tăng diện tích nuôi tôm công nghệ cao thì chắc chắn sản lượng tôm sẽ tăng lên. Sắp tới, cùng với Đề án nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ đập, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề. Vì thế, sở sẽ tham mưu có các chính sách hỗ trợ phù hợp để nhân rộng các mô hình nuôi mặn lợ, trong đó nhất là nuôi tôm; khảo sát để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến phát triển nghề nuôi trồng ven biển.
Box: Nhằm phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGap, từ năm 2020, Sở Nông nghiệp & PTNT đã khảo sát 5- 6 vùng nuôi, theo đó vùng nuôi có diện tích tập trung từ 200 ha trở lên sẽ được ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng. Năm 2021, tỉnh đã đầu tư trên 60 tỷ đồng dẫn nước biển vào phục vụ nuôi Quỳnh Bảng và đang tìm nguồn để đầu tư một số vùng nuôi khác./.
                                                                                     Nguyễn Hải – Báo Nghệ An - nguồn TSKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây