Thứ hai, 20/01/2025, 23:56

Hiệu quả mô hình: “Nuôi cá Vược thương phẩm trong lồng”

Thứ tư - 03/07/2024 03:49 3.257 0
Cá Vược (Lates calcarifer), là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, ít dịch bệnh, dễ thích nghi với môi trường sống và có thể nuôi ở cả khu vực ao đầm nước ngọt, mặn hoặc lợ. Đây là loài cá chủ yếu phát triển vùng nuôi nước mặn, lợ nhưng để đa dạng hóa đối tượng nuôi đã thuần hóa và nuôi tại các vùng nước ngọt như ao, hồ đập,…
Hiệu quả mô hình: “Nuôi cá Vược thương phẩm trong lồng”
Trong môi trường tự nhiên, loài này đẻ trứng quanh năm nhưng mùa sinh sản chủ yếu vào tầm tháng 4, tháng 5. Là loài cá sinh trưởng và phát triển nhanh. Không chỉ có ưu điểm vượt trội về tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao. Cá Vược còn là một trong những loài có giá trị kinh tế cao, được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Do có giá trị thương phẩm khá cao nên cá Vược trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn cho các cơ sở nuôi thủy sản cả quy mô nhỏ và quy mô lớn.
Để khẳng định hiệu quả cũng như giá trị kinh tế của loài cá này, năm 2023 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quế Phong triển khai mô hình “Nuôi cá Vược thương phẩm trong lồng” tại bản Na Chảo – Piềng Văn, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong. Với quy mô 180m3 tại 01 hộ, kinh phí hơn 199 triệu đồng, sau 09 tháng nuôi cho thấy cá khỏe mạnh, tăng trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng. Anh Hà Đình Pháp hộ tham gia mô hình cho biết: "Tham gia mô hình tôi được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn, vật tư đúng như mô hình cam kết ban đầu. Đây là năm đầu tiên nuôi cá thương phẩm áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tôi thấy cá phát triển đồng đều, sinh trưởng phát triển tốt”.
Lãnh đạo TTKN kiểm tra và đánh giá mô hình cá Vược
Do có sự đầu tư tích cực về thức ăn và chọn lựa con giống tốt, đảm bảo chất lượng, con giống được kiểm dịch không mang mầm bệnh; hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật nên trong quá trình nuôi cá sinh trưởng nhanh không xảy ra dịch bệnh. Định kỳ 15 ngày/lần kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá bằng cách đo chiều dài và cân trọng lượng. Hộ nuôi thường xuyên kiểm tra các chỉ số môi trường nuôi như nhiệt độ, PH, lượng ôxy hoà tan trong môi trường nuôi… Lượng cho ăn trong 2 tháng đầu từ 5 – 7% trọng lượng thân, từ tháng thứ 3 trở đi cho ăn từ 2 – 3% trọng lượng thân. Khi cho ăn cố định giờ cho ăn, hàm lượng đạm và cỡ thức ăn thay đổi theo từng giai đoạn. Định kỳ hàng tháng kiểm tra trọng lượng cá và điều chỉnh lượng thức ăn cho các lần kế tiếp. Định kỳ 2 lần/1 tháng bổ sung vitamin C để tăng khả năng hấp thụ thức ăn, tăng sức đề kháng cho cá. Sau 09 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 1 – 1,2kg/con; cá hầu như không bị bệnh, trong khi những đợt nuôi thông thường không áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới thì hay bị nhiễm bệnh, chậm lớn. Với giá bán bình quân 110.000đ/1kg, ước tính cho thu nhập sau khi đã trừ chi phí đạt trên 100 triệu đồng/ mô hình, tăng 35% so với nuôi thông thường.
Thành công từ mô hình “Nuôi cá Vược thương phẩm trong lồng” đã góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi thuỷ sản nước ngọt, giúp người nuôi hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu hiện tượng bệnh cá; việc sử dụng thuốc, hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản; tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm... cũng như làm cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thuỷ sản bền vững, hộ nuôi được ứng dụng kết quả của mô hình đã tiếp cận với phương thức nuôi mới, phù hợp với xu hướng, thấy được hiệu quả khi tham gia mô hình nuôi cá Vược trong lồng theo hướng thâm canh. Bước đầu mở rộng đến những tổ hợp tác, tổ cộng đồng, để nhân rộng quy mô sản xuất, góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người lao động.

 
Mô hình cá Vược hộ anh Hà Đình Pháp bản Piềng Văn-Na Chảo, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong
Ông Phan Xuân Hùng - PGĐ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quế Phong chia sẻ: “Từ thành công bước đầu của mô hình cho thấy, việc nhân rộng đối tượng nuôi này được triển khai cho các huyện miền núi trong thời gian tới là điều hết sức cần thiết. Đối tượng nuôi mới này có thể sẽ thay thế một số đối tượng nuôi trước đây tại vùng miền núi. Việc đa dạng hoá đối tượng nuôi mới trong thời gian tới sẽ là nhiệm vụ chính của Trung tâm Dịch vụ nhằm giúp người dân có nhiều lựa chọn. Từ đó, tạo ra hướng đi mới vững chắc hơn và phát huy tối đa hiệu quả kinh tế của đối tượng nuôi này, đồng thời sẽ góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo”.
Từ hiệu quả kinh tế đem lại, kết hợp những tác động tích cực về môi trường, xã hội cho thấy mô hình đã mở ra một hướng đi rất mới. Đây là mô hình sản xuất hiệu quả cần được nhân rộng ra các vùng nuôi lân cận, người nuôi làm chủ được quy trình nuôi, nâng cao về sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm, sản phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm; quan trọng hơn nữa giúp cải thiện kinh tế gia đình và vươn lên ổn định cuộc sống./.
Nguyễn Thị Mỹ Lê – Trung tâm KN - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây