Nghệ An: Thực hiện nhiều giải pháp phấn đấu hoàn thành kế hoạch Nuôi trồng Thủy sản năm 2024.
Thứ ba - 17/09/2024 00:025220
Năm 2024 được đánh giá là năm mà Nghề nuôi trồng thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đối tượng nuôi ảnh hưởng sản xuất và làm giảm hiệu quả kinh tế của người nuôi.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư thì đến nay Trên địa bàn toàn tỉnh đã thả nuôi với diện tích ước đạt 21.229 ha đạt 96,49% kế hoạch. Trong đó, nuôi ngọt: 19.424 ha; nuôi mặn lợ 1.805 ha (tôm 1.576 ha). Sản lượng ước đạt 36.479 tấn bằng 52,11% KH năm và bằng 103,96 % so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: nuôi ngọt: 30.162 tấn, nuôi mặn, lợ 6.317 tấn (tôm 4.439 tấn). Sản xuất, ương dưỡng tôm giống: 1.539 triệu con. Sản xuất cá giống các loại: đạt 518 triệu con. Đáng chú ý là nuôi tôm thương phẩm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng ngày càng được đầu tư theo hướng thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất. Công tác ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, ngày càng quan tâm và đạt được những kết quả tốt. Các hộ nuôi đã tiếp cận ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào nuôi trồng ngày càng quan tâm và có những bước phát triển tốt cụ thể như: Công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn,.. kết hợp với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cả vùng nuôi và từng cơ sở nuôi (xây dựng hệ thống nhà kín, lồng nổi có mái che nhằm ổn định nhiệt, hạn chế sự lây lan mầm bệnh và những tác động khác gây ảnh hưởng đến sinh trưởng tôm nuôi,...). Hiện nay, trên địa bàn đã có 81 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn với diện tích 136,75 ha (trong đó có 21 cơ sở nuôi tôm trong lồng nổi với 35,4ha) làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Năng suất từ 15-20 tấn/ha/vụ. Để thuận tiện trong công tác quản lý giám sát quá trình sản xuất nhiều cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn đã lắp thiết bị Camera, cập nhật dữ liệu trên hệ thống máy tính… Riêng nuôi trồng thủy sản nước ngọt: Đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá nuôi truyền thống: cá Mè, Trắm, Trôi, Chép,… Hiện nay một số địa phương đang phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao cho kết quả tốt như: Ốc nhồi, cá Lóc, rô phi, Lươn, cá Lăng, cá Leo...cho hiệu quả kinh tế cao. Trong các hình thức nuôi trồng thủy sản nước ngọt thì hình thức nuôi lồng trên sông, hồ đập thủy lợi, thủy điện được người dân quan tâm đầu tư phát triển mạnh từ công nghệ, đến đối tượng nuôi. Với ưu điểm tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, nguồn nước sạch hạn chế được dịch bệnh, đem lại hiệu quả cao cho người nuôi. Số lượng lồng nuôi toàn tỉnh 6 tháng ước đạt là 2.200 lồng tăng 27 lồng so năm 2023. Các địa phương có nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh như: huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỹ, Con Cuông....Nhìn chung các lồng nuôi phát triển mới trong năm đều đầu tư lắp đặt theo công nghệ cải tiến (khung lồng bằng nhựa PE, ống sắt mạ kẽm và lưới), kích cỡ từ 50 m3 trở lên. Tuy nhiên nuôi trồng thủy sản Nghệ An vẫn còn đó nhiều tồn tại và thách thức: Ngay từ đầu vụ nuôi, đã có hiện tượng tôm chết sớm, không rõ nguyên nhân ở nhiều giai đoạn ngày nuôi đã ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư của người dân. Giá vật tư đầu vào tăng; sử dụng nhiều thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học để phòng trị bệnh đã làm tăng chi phí sản xuất. Lượng tôm nuôi đạt kích cỡ lớn chiếm tỷ lệ ít, chủ yếu thu hoạch kích cỡ nhỏ giá bán không cao; đối với tôm nhiều ao nuôi phát triển chậm dẫn đến kéo dài thời gian nuôi. Một số hộ nuôi chưa tuân thủ nghiêm túc trong công tác khai báo bệnh, dập dịch khử trùng tiêu độc trước và sau khi ra bệnh xẩy ra. Công tác khử trùng tiêu diệt động vật trung gian chưa được chú trọng, không ngắt nghỉ mùa vụ nuôi theo lịch mùa vụ của ngành thông báo. Hạ tầng cơ sở bị xuống cấp, một số vùng nuôi hệ thống kênh cấp đã bị bồi lắng và chưa có kênh cấp, thoát nước riêng biệt. Bên cạnh đó là liên kết sản xuất đã có sự hình thành song đang ở các bước riêng lẻ, chưa hình thành liên kết theo chuỗi giá trị Do chưa có các công ty/doanh nghiệp/HTX đứng ra làm cầu nối của toàn chuỗi giá trị. Việc áp dụng các chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi còn nhiều lúng túng, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa có các thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đối tượng nuôi nước ngọt chủ yếu đang là các loài cá truyền thống, các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao mới phát triển ở phạm vi nhỏ. Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đặt ra ngành đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp đó là: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn Luật thủy sản năm 2017 và các Luật, văn bản liên quan đến Nuôi trồng thủy sản; Triển khai thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, thông báo kịp thời đến người nuôi chủ động ứng phó với các điều kiện bất lợi của môi trường, nhằm giảm tối đa thiệt hại trong nuôi tôm; Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng công nghệ mới theo Nghị quyết 18/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng giống và thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định; Tăng cường công tác triển khai hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản; công tác kiểm dịch tôm giống vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh và kiểm soát tôm giống vận chuyển nội tỉnh và đặc biệt là thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Quan tâm tổ chức giới thiệu các sản phẩm thủy sản tại các thị trường trong tỉnh và ngoại tỉnh./.Ứng dụng công nghệ nuôi tôm thẻ thương phẩm nhiều giai đoạn trong nhà mái che tại hộ anh Hồ Văn Điện-Phường Quỳnh Lập TX Hoàng Mai Trần Trung Thành – Trung tâm KN - nguồn TSKN