Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đi kiểm tra, chỉ đạo công tác sản xuất giống năm 2023
Chủ nhật - 19/02/2023 22:346040
Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương, đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân đổi mới phương thức nuôi, ứng dụng công nghệ cao, chủ động phòng chống dịch bệnh, sản xuất các mặt hàng thủy sản có giá trị kinh tế cao, áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản ..., nên sản xuất thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng khá:Sản lượng nuôi trồng thủy sản 66.964 tấn, đạt 103,37%, tăng 6,81% so cùng kỳ, trong đó sản lượng tôm 7.600 tấn.
Diện tích nuôi trồng thủy sản cả năm ước đạt 22.500/KH21.500ha, trong đó diện tích nuôi tôm 2.400 ha, tăng 17,28% so cùng kỳ năm trước. Trong thời gian qua đã có 05 vùng nuôi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 02 vùng được công nhận đa dạng sinh học. Sản xuất giống thủy sản cả năm ước đạt 4.170 triệu con, tăng 8,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tôm giống P15 ước đạt 2.680 triệu con, cá giống 800 triệu con.
Năm 2022, Nghệ An xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới đạt hiệu quả cao, trong đó có hộ ông Hồ Đình Nhiệm ở Thị xã Hoàng Mai nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ cao, được Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam trao tặng kỷ lục thu hoạch tôm thẻ kích cở lớn 18,2 con/kg.
Theo dự báo, năm 2023 và những năm tiếp theo, diễn biến về chính trị, kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp, khó lường, dịch Covid-19 sẽ còn tác động đến đời sống kinh tế xã hội trong nước và thế giới. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, thời tiết diễn biến bất thường theo hướng cực đoan, gây nhiều thiệt hại; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ khó lường, tác động mạnh đến sản xuất nông, lâm, thủy sản, đời sống của người dân. Ngay từ những ngày đầu năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình sản xuất giống trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở sản xuất giống, công suất khoảng 2,6 tỷ con giống cung cấp ra thị trưởng, đáp ứng nguồn giống cho bà con nuôi tôm.
Đồng chí Trần Xuân Học-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra cơ sở sản xuất Tôm giống tại Công ty TNHH Hải Tuấn-Thị xã Hoàng Mai-Nghệ An. Công ty TNHH Hải Tuấn đã sản xuất được 10 triệu tôm thẻ chân trắng, Post 1 đến Post 10; Công ty có diện tích nuôi 20 ha (41 ao), hiện nay nguồn nước, ao dèo đã chuẩn bị cơ bản hoàn chỉnh. Ngay trong kỳ nghỉ Tết nhưng Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An vẫn tập trung nhân lực, bố trí các ca sản xuất xuyên Tết Nguyên đán. Theo báo cáo của Trung tâm, kết quả đã sản xuất được 10 triệu con giống gồm cá Trắm và cá Chép; Đối với tôm sú đã sản xuất được 10 triệu post 8. Trung tâm Giống Thủy sản Nghệ An đã đầu tư hệ thống xử lý tia cực tím,hệ thống xử lý nước Nano và UV đảm bảo nguồn nước đầu vào cho nuôi tôm.
Hệ thống xử lý tia cực tím và UV tại Trung tâm Giống thủy Nghệ An Kiểm tra cơ sở sản xuất tôm sú và Cua giống Nguyễn Trọng Hoành (Quỳnh Bảng-Quỳnh Lưu), đại diện cơ sở cho biết, nguồn tôm bố mẹ được đưa về từ Cà Mau, (năm 2022 cơ sở sản xuất được khoảng 50 triệu tôm sú), kế hoạch năm 2023 cơ sở dự kiến sản xuất được từ 50 đến 60 triệu tôm sú và 5 triệu con cua giống. Tại Công ty TNHH Việt Úc, năm 2023 kế hoạch cung cấp ra thị trường từ 1,5 đến 1,8 tỷ tôm giống. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023 của ngành được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án đã phê duyệt như: Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh Nghệ An đến năm 2025; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 -2025; Chương trình phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và chuẩn bị cho nuôi tôm vụ một năm 2023. Năm 2023 Ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, giao cho các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát, môi trường vùng nuôi; kiểm tra chất lượng, điều kiện của các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống; các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường…, Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi về nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh, phòng chống dịch; hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong phòng/trị bệnh trong nuôi tôm thương phẩm. Thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi tôm thẻ tăng chân trắng theo Nghị quyết 18/2021/NQ-HĐND. Mặt khác ngành tiếp tục khuyến khích người nuôi đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm (biofloc), nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cá nước ngọt...Đồng thời rà soát, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh; phát triển, đa dạng hóa đối tượng nuôi, nhất là các loài thủy đặc sản nội địa, đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến theo hướng VietGAP..., đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Mô hình nuôi tôm Công nghệ cao được khuyến khích đầu tư và đem lại an toàn, lợi nhuận cao cho người nuôi