Tham gia chuyến làm việc có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ và lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá Nghệ An và lãnh đạo Thị xã Hoàng Mai và Quỳnh Lưu.
Trước khi vào làm việc với Ban chỉ đạo IUU các huyện, đoàn công tác đã đi thực tế tại Cảng cá Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai) và cảng cá Lạch Quèn, xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu) để kiểm tra trực tiếp trên hệ thống theo dõi giám sát hành trình VMS một số tàu cá tỉnh đang đánh bắt trên các vùng biển, công tác cập nhật số liệu tàu cá ra vào cảng, ghi nhật ký sản lượng đánh bắt, xử lý vi phạm…
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh, tính đến ngày 30/9/2022, Nghệ An có 1.132/1.165 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 97,17%. Tuy nhiên trên hệ thống giám sát tàu cá, số lượng tàu cá đã lắp đặt VMS của tỉnh là 1.081 chiếc, đạt 92,79%; cùng thời điểm, tổng số tàu cá vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển là 218 lượt tàu, số tàu cá mất kết nối VMS quá 10 ngày trên biển là 224 lượt tàu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thiết bị VMS bị hỏng, hệ thống điện cung cấp cho thiết bị VMS hoạt động bị hỏng, tàu về cảng kết thúc chuyến biển nên chủ tàu tắt nguồn thiết bị, hết hạn cước thuê bao...
Qua kiểm tra, tỉnh đã xử lý đối vơi số tàu cá mất kết nối VMS quá 10 ngày, theo đó đã xử lý 200/224 lượt tàu, chưa xử lý 24 lượt tàu; đồng thời lập đoàn liên ngành để kiểm tra đánh bắt ven biển, chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và làm thủ tục ra vào cảng cá.
Tại buổi làm việc, cùng với việc nêu bật một số chuyển biển lớn trong triển khai quy định IUU theo khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu EC, Ban chỉ đạo IUU tỉnh cũng cho biết việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS theo quy định, duy trì kết nối của các tàu cá khi đánh bắt hay nằm bờ còn một số hạn chế bất cập; công tác cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm mặc dù tốt hơn những cũng còn một vài hạn chế; các doanh nghiệp yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt chưa cao; do giá nguyên liệu tăng nên ảnh hưởng đến sản lượng, tần suất đánh bắt của bà con ngư dân; hạ tầng bến bãi neo đậu khá chật hẹp, nhân lực mỏng; hạ tầng theo dõi VMS còn nhiều bất cập; một số tàu cá lắp đặt VMS nhưng không kích hoạt.
Tiếp đó, đại diện UBND huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai, Biên phòng tỉnh, Chi cục thủy sản, Ban quản lý cảng cá… đã báo cáo thêm một số tình hình về đánh bắt thủy sản thời gian qua; công tác đầu tư hạ tầng neo đậu và tránh trú bão; huyện Quỳnh Lưu đã tiếp xúc tuyên truyền, nhắc nhở các tàu cá vi phạm ngắt kết nối hoặc để tàu vi phạm ranh giới biển; Thị xã Hoàng Mai đã thành lập Ban chỉ đạo IUU để tuyên truyền, vận động và tổ chức cho các chủ tàu ký cam kết IUU.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực cố gắng của địa phương và sở ngành thời gian qua góp phần tạo chuyển biến tốt trog đánh bắt theo quy định của IUU. Trên cơ sở ghi nhận những kiến nghị của cơ sở, với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo IUU tỉnh, đồng chí đề nghị các sở ngành và địa phương liên quan trong thời gian tới cần tập trung làm tốt các việc sau: khẩn trương kiểm tra lại số liệu báo cáo để phục vụ yêu cầu lịch kiểm tra gỡ Thẻ Vàng của EC theo lịch của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp &PTNT giao; đề nghị Bộ chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh rà soát, kiểm tra lại tỉnh hình các tàu, đảm bảo kết nối hành trình VMS trung thực, thực chất; ngành nông nghiệp và cảng bổ sung lực lượng trực để hoàn thành tốt nhiệm vụ; tích cực kiểm soát nghiêm túc việc tàu cá ra vào, cập nhật đầy đủ số liệu sản lượng đánh bắt theo quy định; lập hồ sơ theo dõi các tàu cá thường xuyên mất kết nối để cùng với tuyên truyền, nhắc nhở sẽ tiến hành xử phạt để răn đe; nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, giám sát các tàu cá đánh bắt nhưng ngắt kết nối hoặc nằm bờ nhưng không duy trì kết nối; tăng cường phối hợp kiểm tra để xử phạt tàu cá vi phạm đánh bắt trên biển; nâng cao chất lượng và tỷ lệ đăng kiểm tàu cá; tiếp tục có kế hoạch nâng cấp hạ tầng phía Bắc cảng cá Lạch Quèn./.
Nguyễn Hải