Thời gian qua, tận dụng lợi thế mặt nước tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình nuôi cá lồng trên hồ đập.
Theo báo cáo của hyện, tính đến hết tháng 6 năm 2023 toàn huyện có 90 lồng nuôi của 14 hộ, tập trung tại các xã: Kỳ Sơn, Phú Sơn, Nghĩa Hợp, Tiên Kỳ, Tân An, Nghĩa Thái. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép và cá rô phi, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nguyên nhân là do các đối tượng nuôi này thị trường không ưa chuộng, giá cá thương phẩm rẻ và khó bán, tại thời điểm hiện tại giá của cá rô phi, trắm cỏ, cá chép thương phẩm dao động từ 25 - 30.000 đồng/1 kg, trong khi cá rô phi thương phẩm nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nếu thuận lợi giá thành đã lên tới 20.000 - 25.000 đồng/1 kg (cỡ 0,8 - 1,0 kg/con). Qua tìm hiểu nhận thấy cá trắm đen là đối tượng đặc sản, có giá trị kinh tế cao, giá bán ngoài thị trường hiện nay tuỳ thuộc vào cỡ cá thương phẩm, nếu cỡ cá đạt trên 5,0 kg/con có giá từ 150.000- 200.000 đ/kg; cỡ cá 3,0 - dưới 5,0 kg, có giá từ 100.000 - 150.000 đ/kg, mặt khác thị trường tiêu thụ lại ổn định, đặc biệt là cá có kích cỡ thương phẩm lớn nên một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi đối tượng cá này. Nổi bật trong số đó là mô hình nuôi cá trắm đen trong lồng bằng thức ăn công nghiệp của gia đình chị Cao Thị Phương xóm Tiên phong, xã Kỳ Sơn.
Chị Phương cho cá ăn Trao đổi với chúng tôi chị Phương cho biết: Bắt đầu nuôi cá từ năm 2018 với quy mô 12 lồng có tổng diện tích là 500 m3, đối tượng nuôi chính giai đoạn này là cá rô phi và cá trắm cỏ giá trị kinh tế không cao, khó bán. Suy nghĩ làm thế nào để thay đổi đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao hơn để tận dụng được lợi thế của gia đình luôn là trăn trở của Chị.
Kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá Đầu năm 2023 cùng với sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn và 1.000 con cá giống cỡ 0,8 - 1,0 kg/con, một phần thức ăn cho cá của Trung tâm Khuyến nôngtỉnh, Chị đã mạnh dạn đưa con cá Trắm đen vào nuôi bằng thức ăn công nghiệp 100%. Đầu tháng 7 vừa qua chị bắt cá để kiểm tra thấy cá phát triển tốt, không có biểu hiện mắc bệnh và cỡ cá bình quân đã đạt 3,0 kg/1 con, đây là tốc độ tăng trưởng tương đối tốt. Phấn khởi trước tín hiệu thành công ban đầu, Chị khẳng định với chúng tôi là: Nếu bán ở thời điểm này với tỷ lệ sống 90%, chị sẽ thu được 2.700 kg cá và thu về trên 300 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí như (cá giống, thức ăn, khấu hao lồng …) cũng cầm chắc trong tay cả trăm triệu động lợi nhuận. Tuy nhiên chị khẳng định sẽ tiếp tục nuôi tiếp để cá đạt kích cỡ thương phẩm trên 5,0 kg/con giá trị kinh tế sẽ cao hơn gấp nhiều lần như dự kiến hiện tại và sẽ nhân rộng mô hình này để đầu tư nuôi toàn bộ 12 lồng hiện có và có thể mở rộng thêm. Tham gia cùng Đoàn công tác ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn huyện Tân Kỳ cho biêt: Những năm gần đây nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư các mô hình nuôi thuỷ sản, bước đầu đã có các sản phẩm đưa ra thị trường làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là mô hình nuôi cá trắm đen trong lồng bằng thức ăn công nghiệp của gia đình chị Cao Thị Phương. Địa phương sẽ đánh giá kết quả sau khi mô hình kết thúc và tiếp tục khuyến khích nhân ra diện rộng trong thời gian tới./.
Trần Trung Thành - Trung tâm Khuyến nông
Nguồn: Tập san Khuyến nông