Hiệu quả kinh tế từ mô hình " Thâm canh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm" tại Nghệ An
Chủ nhật - 21/04/2019 03:297190
Nghệ An là vùng sản xuất cây ăn quả có múi truyền thống ở Miền Bắc nước ta. Nổi tiếng với giống cam Xã Đoài thơm ngon, là 1 trong 50 đặc sản trái cây Việt Nam được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam bình chọn.
Năm 2016, tỉnh Nghệ An đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển cây cam đến năm 2020 là 5.150 ha. Tuy nhiên tính đến năm 2017 tổng diện tích cam đã đạt 5.589 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 2.638 ha, năng suất bình quân 15,6 tấn/ha, sản lượng cam đạt 41.152,8 tấn/năm. Trên thực tế, sản xuất cây cam tại Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng sâu bệnh đang gây hại nặng nề tại nhiều vườn cam, hiện tượng cam bị thối rễ vàng lá, cam ngơ...đã khá phổ biến tại vùng cam tập trung của tỉnh. Nguyên nhân cơ bản là việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng cam của người dân còn nhiều hạn chế, việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV đặc biệt là thuốc trừ cỏ phổ rộng tràn lan đã làm ảnh hưởng tới môi trường đất, nước, sức khỏe con người, ... chất lượng quả thấp.
Từ những thực trạng trên để giúp người nông dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc cam, nhằm giúp nâng cao năng suất, chất lượng quả, giảm tác động tới môi trường, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cam. Năm 2018, được sự quan tâm của Bộ Nông Nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Trung tâm khuyến nông Nghệ An tổ chức triển khai xây dựng mô hình thâm canh cam đảm bảo an toàn VSTP thuộc dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh Miền Trung ”
Mô hình được triển khai từ tháng 04 năm 2018 tại xã Minh Thành, huyện Yên Thành và xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ với quy mô 07 ha cam và 07 hộ tham gia. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 50% phân bón và thuốc BVTV. Mục tiêu của mô hình là giúp người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học chăm sóc cây cam kinh doanh sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất tăng 15-20%, hiệu quả kinh tế tăng trên 15 % chất lượng quả tốt an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mô hình thực hiện chăm sóc các vườn cam Xã Đoài gồm 2 ha cam 8 tuổi, 2 ha cam 6 tuổi, 2,5 ha cam 5 tuổi và chăm sóc 0,5 ha cam giống V2. Kết quả cho thấy cây sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao đạt 3,2- 4,5m, bộ tán rộng thoáng, phân bố đều, đường kính tán đạt 3,5-5,5m. Trong quá trình triển khai trên vườn cam chủ yếu bị nhện đỏ với mức độ 15-20 %, bệnh ghẻ, loét 20% diện tích. Tuy nhiên đã được xử lý phun thuốc phòng trừ kịp thời và đúng cách nên không ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển của cây, quả cam và chất lượng sản phẩm.
Tại mô hình được áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm, bón phân đầy đủ và cân đối, cắt tỉa quả hợp lý nên số lượng quả giữ trên cây đạt nhiều, trọng lượng quả đạt 0,22- 0,23 kg/quả, quả đều và mã quả đẹp, năng suất thục thu đạt 14-17 tấn/ha.
Hiện nay tại vườn các vười đã và đang tiến hành thu hoạch cam bán. Hiệu quả kinh tế của mô hình tùy thuộc vào tuổi cây và từng điểm triển khai: Tại xã Minh Thành , huyện Yên Thành với vườn cam năm thứ 6 năng suất cam trong mô hình đạt 16 tấn, cao hơn đại trà trên 18,52 % với giá bán 30.000 đồng/kg tổng thu nhập đạt 480.000.000 đồng/ha, trừ chi phí sản xuất còn lãi 377.795.000 đồng/ha. Tại vườn cam năm thứ 8 năm suất đạt 17 tấn, cao hơn vườn cam cùng tuổi khác 17,24%, tổng thu nhập đạt 510.000.000 đồng, trừ chi phí còn lãi 400.79.000 đồng. Tại xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ do ảnh hưởng mưa bão, vùng đất lại thoát nước kém nên cam trong mô hình mô hình và đại trà bị rụng quả tương đối lớn, làm giảm năng suất. Tuy nhiên tại mô hình đã làm tốt các khâu chăm sóc nên năng suất cam đạt 14 tấn/ha, cao hơn đại trà 21%. Với giá bán 25.000 đồng/kg, thu nhập mang lại đạt 350.000.000 đồng/ha.
Nhìn chung tại các vườn cam trồng đại trà đều chi phí cho việc sử dụng phân bón vô cơ ở mức cao mà chưa chú ý đến nền hữu cơ cho cây. Bên cạnh đó, bón phân không đúng kỹ thuật dẫn đến phân bị thất thoát nhiều, hiệu quả sử dụng phân bón không cao. Cơ bản các vườn không chú ý đến việc cắt tỉa cành tạo độ thông thoáng cho cây nên sâu bệnh hại nhiều, không tỉa quả nên số lượng quả không cân đối dẫn đến tỷ lệ quả rụng cao. Chưa theo dõi diễn biến sâu bệnh thường xuyên để có dự báo tốt, dẫn tới phun thuốc không đúng thời điểm nên phải phun nhiều lần do vậy chi phí cho phòng trừ khá lớn, chiếm trên 14% chi phí vật tư sản xuất. Bên cạnh đó thường sử dụng các loại thuốc có độ độc cao đã ảnh hưởng đến môi trường và sản phẩm cam.
Tại các điểm mô hình đã áp dụng quy trình chăm sóc tốt, đặc biệt chú trọng bón phân hữu cơ, phân vô cơ bón cân đối, bón đúng thời điểm và chú ý tấp tủ gốc, tỉa cành, tỉa quả do vậy hiệu quả kinh tế tăng thêm đạt 33,1%- 37,43%. Ngoài ra vấn đề sâu bệnh hại luôn được theo dõi, đánh giá phân tích và đưa ra các biện pháp phòng trừ kịp thời nên số lượng phun thuốc không nhiều, mỗi lần phun đều đạt hiệu quả cao, thời gian cách ly nên sản phẩm cam thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế tốt ô nhiễm môi trường mà thực trạng các vùng trồng cam hiện nay đang phải đối mặt.
Hiệu quả của thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã từng bước thay đổi nhận thức và thói quen sản xuất cũ của người nông dân. Mô hình đã hướng cho người nông dân bên cạnh việc nâng cao năng suất cần chú trọng đến chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường sẽ đảm bảo sản xuất có tính bền vững cao, tiến tới khẳng định thương hiệu cam Vinh tại các vùng triển khai dự án nói riêng và toàn tỉnh nói chung./. Lê Thị Luyến