Vui tết, đón xuân: Không quên bàn và tìm hiểu những gì chưa biết hết về cây lúa

Chủ nhật - 21/04/2019 03:49 1.261 0
Những ngày vui tết, đón xuân mới, các lão nông tri điền và rất nhiều bà con nông dân có tham gia sản xuất nông nghiệp thường có nhiều câu hỏi về sản xuất cây lúa mà chưa có lời giải có cơ sở khoa học để biết, để phục vụ cho yêu cầu sản xuất thâm canh cây lúa đạt được năng suất cao, tránh được những tác động phi kỹ thuật làm thất thiệt đến thu nhập cho gia đình. Tuổi thọ của một giống lúa được tính như thế nào ?
Vui tết, đón xuân: Không quên bàn và tìm hiểu những gì chưa biết hết về cây lúa
Tuổi thọ của một giống lúa được tính khi hạt giống nẩy mầm và được gieo thành cây mạ và kể từ ngày gieo mạ đến ngày thu hoạch được gọi là thời gian sinh trưởng (TGST) hay gọi là tuổi thọ của giống lúa đó. Thời gian sinh trưởng của mỗi giống lúa không giống nhau, có giống nhiều ngày (ta thường goi là giống dài ngày), có giống có số ngày ít hơn (ta thường gọi là giống lúa ngắn ngày). Trong cả thời gian sinh trưởng của mỗi một giống lúa trải qua 3 giai đoạn quan trọng, đó là giai đoạn lúa con gái, ở giai đoạn này cây lúa phát triển mạnh và tập trung vào đẻ nhánh. Vì vậy có thể nói đây là giai đoạn lúa đẻ nhánh. Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn lúa đứng cái làm đòng. Ở giai đoạn này các giống lúa có TGST từ dưới 130 ngày trở xuống, thời gian lúa đứng cái làm đòng phải mất từ 26-28 ngày tùy vụ sản xuất (vụ xuân dài ngày hơn vụ hè thu và vụ mùa). Đây là thời gian như cố định, giống như người ta mang thai bao giờ cũng phải mất 9 tháng 10 ngày  2-3 ngày. Các giống có TGST từ 130 ngày trở lên thời gian lúa đứng cái làm đòng phải mất 30 ngày  1-2 ngày. Thời gian từ khi lúa trổ đến chín mất từ 28-30 ngày, đây cũng là thời gian cố định không bất kể giống dài ngày hay ngắn ngày.
Như vậy bất kể một giống lúa nào thời gian từ khi lúa đứng cái làm đòng đến khi thu hoạch phải mất từ 56-60 ngày tùy giống lúa dài hay ngắn ngày và tùy vụ sản xuất.
Lưu ý, giai đoạn lúa con gái, lúa đẻ nhánh rất quan trọng. Nếu giai đoạn này chăm sóc và thâm canh không tốt thì khó có năng suất cao. Ví dụ TGST của giống lúa Khang Dân 18 trong vụ xuân là 130 ngày, trong vụ hè thu là 125 ngày. Nếu trừ thời gian từ khi lúa có đòng đến khi chín mất 56 ngày. Như vậy nếu là vụ xuân thời gian từ sau khi gieo cấy đến khi lúa làm đòng còn lại khoảng 74 ngày và nếu là vụ hè thu hay vụ mùa thời gian này còn lại 69 ngày. Đây là giai đoạn rất quan trọng cần được chăm sóc và thâm canh tốt mới có năng suất cao.
Tuổi thọ hay còn gọi là TGST của mỗi giống lúa phụ thuộc chủ yếu yếu tố nào ? TGST dài hay ngắn (tuổi thọ cây lúa) hoàn toàn phụ thuộc vào tổng số lá có trên thân của giống lúa đó và nó được di truyền từ đời này qua đời khác. Số lá trên thân càng ít TGST cây ngắn và ngược lại.
Ví dụ: giống lúa A có tổng số lá trên thân cây là 13 lá (trừ lá mầm ban đầu, đó lá giả), kể từ lá thật thứ 1 trở đi, mỗi lần mọc thêm lá mới ta cứ đếm. Chắc chắn giống lúa A có đến lá thứ 13 chính là lá lúa cuối cùng và là lá ôm đòng, ôm bông. Lá lúa cuối cùng này được gọi là lá công năng, quyết định năng suất của chính bông lúa đó. Nếu lá công năng này bị gió bão làm rách nát thì cả bông lúa sẽ lép hết. Nếu ta cắt đi 1/3 lá, thì năng suất lúa sẽ giảm tương ứng.
Số lá lúa trên thân phát triển nhanh hay chậm liên quan rất chặt chẽ nhiệt độ không khí. Nếu nhiệt độ ngoài trời 160C trở xuống cây lúa ngừng sinh trưởng, phát triển. Nếu nhiệt độ từ 17 - 230C thì cứ 11-12 ngày cho ra 1 lá, nếu nhiệt độ tăng lên từ 24 - 280C thì 8 - 10 ngày cho ra 1 lá, nếu nhiệt độ tăng lên   29 - 320C thì 6-7 ngày cho ra 1 lá, nếu nhiệt độ tăng lên 29 - 320C thì 4-5 ngày cho ra 1 lá và nếu nhiệt độ tăng lên từ 35 - 360C trở lên hàng ngày thì 3-4 ngày cho ra thêm 1 lá lúa… Chính vì vậy mới có chuyện, tại sao cùng 1 giống lúa mà gieo cấy trong vụ xuân kéo dài ngày hơn vụ hè thu và vụ mùa và cũng chính vì vậy, vụ lúa xuân nào gặp nhiệt độ không khí thấp (Rét) lúa phải kéo dài TGST nhiều ngày. 
Vì sao bà con nông dân chỉ nên gieo cấy các giống lúa có cấp chất lượng từ giống lúa xác nhận trở lên ?
Lúa là cây trồng tự thụ phấn, tự thụ phấn thì đồng huyết thống, đồng huyết thống thì sức sống sẽ giảm sút nghiêm trọng và sẽ kéo theo khả năng chống chịu sâu bệnh rất kém, năng suất giảm dần và chất lượng cơm gạo cũng giảm theo. Đặc biệt hình dạng hạt lúa không còn đồng đều và tỉ lệ lép sẽ cao.
Vì vậy bà con nông dân không nên lấy hạt giống liền vụ của vụ trước gieo cấy lại cho vụ sau, năm sau, năng suất lúa sẽ giảm trung bình mỗi vụ 8-12%.
Tại sao lại nói: "Lúa trổ cốc vũ no đủ mọi bề ?"
Cây lúa sợ nhất là rét đậm, rét hại trong vụ đông xuân. Rét đậm là rét có nhiệt độ không khí từ 160C trở xuống, nhiệt độ này cây lúa bắt đàu ngừng sinh trưởng và nếu kéo dài liên tục nhiều ngày thì mạ và lúa non mới cấy sẽ chết dần. Nếu nhiệt độ không khí hạ thấp từ 130C trở xuống gọi là rét hại, thì cây lúa đồng loạt chậm dần, chết nhanh. Đặc biệt thời kỳ lúa trổ, nếu gặp nhiệt độ không khí từ 230C trở xuống, phấn hoa sẽ chết, hoa lúa không thụ tinh được và hạt lúa sẽ lép, vỏ lúa đen còn gọi là lúa bầm ruồi. Trong vụ lúa xuân, bà con nông dân kiêng không để cho lúa trổ sớm quá. Lúa xuân nếu trổ vào tiết thanh minh trước ngày 20/4 hàng năm thì rất dễ gặp phải gió mùa bắc kéo về, gây ra rét và kèm theo mưa phùn kéo dài thì chắc chắn vụ lúa đó mất mùa nặng. Vì vậy thời vụ gieo cấy lúa xuân chống gieo mạ sớm, cấy sớm trước lịch thời vụ quy định sẽ đưa đến hậu quả lúa trổ sớm, năng suất giảm, thậm chí mất trắng vì rét. Vụ xuân, lúa trổ tốt nhất từ sau 20/4 đến 5/5 là thời kỳ lúa trổ an toàn chết, đây chính là tiết cốc vũ, trời ấm, có nắng, nhiệt độ không khí cao đầu rất thích hợp cho lúa xuân trổ bông.
Tại sao vụ xuân nào rét đậm, rét kéo dài, thậm chí rét chết mạ và lúa non thì vụ lúa đó được mùa lớn ?
Con người ta, chỉ béo và khỏe mạnh chủ yếu trong mấy tháng mùa thu - đông. Vì mùa hè nắng nóng, nhiệt độ không khí cao, mồ hồi ra, thở nhiều, cơ thể đốt cháy hết năng lượng, mỡ và các chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể bị tiêu hao, nên người ta gầy gò hơn. Cây lúa cũng vậy, trời càng rét đậm, rét kéo dài thì cây hô hấp ít hơn, tiêu hao năng lượng ít hơn, các vật chất dinh dưỡng được tích lũy lại trong cơ thể cây trồng nhiều hơn. Và chờ cơ hội hết rét , cây lúa "bung ra" rất khỏe để tăng tốc phát triển thân, lá, đẻ nhánh mạnh trước khi chuyển sang giai đoạn làm đòng.
Vì vậy, những vụ lúa xuân gặp thời tiết rét đậm, rét kéo dài thì TGST của cây lúa kéo dài ra. Nhưng đổi lại sẽ là một vụ lúa có năng suất rất cao.
Các giai đoạn phát triển của cây lúa, cần ưu tiên bón loại phân gì là chủ yếu ?
Nguồn dinh dưỡng cây lúa sử dụng nhiều nhất là đạm (N), lân (P2O5) và kali (K2O).
Giai đoạn đầu của cây lúa từ sau khi cấy đến thời kỳ lúa đứng cái làm đòng là thời kỳ cây lúa cần nhiều đạm nhất để phát triển thân, lá, đẻ nhánh và làm đòng. Vì vậy phần lớn số lượng phân đạm được bón lót, bón thúc đẻ, bón thúc và nuôi đòng bón vào thời kỳ này.
Nhu cầu phân lân cho cây lúa, cần có suốt cả cuộc đời của cây lúa. Nhưng, do hòa tan của lân chậm. Vì vậy phải bón sớm (bón lót) để cây lúa sử dụng suốt cả trong thời gian dài.
Riêng ka li, cây lúa cần nhất ở các giai đoạn: lúa đẻ nhánh, lúa lam đòng. Bón đủ kali cây lúa chắc, cứng, khỏe, chống đổ và chống sâu bệnh tốt. Đặc biệt thời kỳ lúa chuyển sang đứng cái làm đòng, nếu thiếu kali tỉ lệ lúa bị hạt lép rất cao.
Như vậy: nhu cầu về đạm của cây lúa phải bón sớm, bón đậm vào giai đoạn đầu của cây lúa (từ sau khi gieo cấy đến trước khi làm đòng), lân bón sớm (bón lót) và kali bón vào thời kỳ lúa đẻ nhánh và bón đạm vào thời kỳ lúa làm đòng.
Thế nào là bón phân cân đối và tỉ lệ bón phân cân đối đối với cây lúa là bao nhiêu ?
Khi ta nói bón phân cân đối cho cây trồng, là nói cân đối nhu cầu về mặt dinh dưỡng đạm, lân, kali… Với một tỉ lệ kết hợp hợp lý, có cơ sở khoa học. Cân đối này, không phải cân đối số lượng hay trọng lượng cho bằng nhau, đó là cân đối cơ học.
Qua nhiều kết quả nghiên cứu về phân bón cho cây lúa của Viện Nông hóa thổ nhưỡng Việt Nam, của Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) cho thấy: tỉ lệ bón phân cân đối giữa đạm (N), lân (P2O5) và kali (K2O) là 1.0,7.0,9 đối với các giống lúa thuần và 1.0,8.1 đối với các giống lúa lai.
Tác hại khi ta bón phân mất cân đối là thế nào ?
- Bón phân mất cân đối, chủ yếu mất cân đối giữa đạm, lân và kali. Thông thường bà con nông dân bón nhiều đạm, ít lân và kali. Bón càng nhiều đạm hậu quả vô cùng nguy hiểm. Trước hết phải biết và hiểu đạm chỉ có tác dụng phát triển thân, lá của cây. Thân, lá phát triển tốt thì cây khỏe và làm chỗ dựa để đạt được năng suất cao. Nhưng phải nhớ rằng: Bón đạm vào càng nhiều, càng làm mất cân đối, làm thừa đạm so với nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa thì sẽ diễn ra mấy ảnh hưởng xấu sau đây:
+ Bón cùng nhiều đạm đất ngày càng xấu, càng chua.
+ Đạm là một loại hóa chất cực kỳ độc hại cho sức khỏe con người.
+ Đạm bón xong, đạm hòa tan trong nước, đạm theo nước lên ở thân và lá. Nếu bón nhiều đạm quá, cây lúa phải hút rất nhiều nước để giải độc đạm, nếu không giải độc được thì cây lúa sẽ chết. Vì vậy ruộng lúa bón đạm gặp nắng hạn, khô nước lúa chết héo ngay. Nếu có nhiều nước, lúa hút nước rất nhiều để giải độc đạm, thì buộc lá lúa phải to, phình ra, lá lúa mỏng tanh để chứa nước.  Trong trường hợp này, nếu gặp nắng to, lá lúa sẽ bị cháy từ đỉnh lá, đến mép lá và cháy khô cả lá lúa. Nếu gặp gió to, lá lúa sẽ bị rách nát và chắc chắn phát sinh ra bệnh bạc lá lúa (Xanthomonas Oryza). Cùng với bệnh bạc lá lúa còn rất dễ bị bệnh đạo ôn hại lá, đạo ôn cổ bông (Pyrycula Oryza) phá tan tành cả ruộng lúa (nếu phòng trừ không kịp thời).
Có giống lúa nào kháng được sâu bệnh không ?
Không bao giò và không thể có chuyện có một giống lúa nào kháng được sâu bệnh. Một giống lúa chỉ có khả năng chống chịu tốt các loại sâu bệnh khi chúng ta thâm canh giống lúa đó tốt, cụ thể là phải bón phân cân đối, cấy dày hợp lý (hoặc cấy thưa càng tốt), không tưới nước quá sâu, bón phân không những cân đối mà còn phải bón đúng lúc, bón đúng kỹ thuật, bón phân đi đôi với làm sục bùn càng tốt. Biện pháp tốt nhất để hạn chế sâu bệnh phá hoại lúa hiện nay nên áp dụng chế độ canh tác: 3 giảm: giảm lượng giống gieo cấy (nhất là lượng giống gieo sạ), giảm lượng đạm bón cho lúa và giảm lượng thuốc phun phòng chống sâu bệnh. Để từ đó 3 tăng: tăng năng suất, tăng hiệu quả và tăng chất lượng sản phẩm.
Với cây lúa hiện nay, nên sử dụng bón loại phân nào là tốt nhất ?
Tỉ lệ bón đạm, lân, kali cho cây lúa tốt nhất hiện nay là 1 đạm nguyên chất (N) + 0,7 lân nguyên chất (P2O5) và + 0,9 kali nguyên chất (K2O).
Nhưng với bà con nông dân, khi bón phân vào ruộng ai tính tỉ lệ này cho để biết mà bón cho hợp lý. Vì vậy không ít bà con nông dân bón phân tùy tiện hoặc bón theo kinh nghiệm trong sản xuất để lại. Một thực trạng đáng báo động hiện nay là phân giả, phân kém chất lượng đã, đang tìm mọi cách để lưu thông trên thị trường cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị bà con nông dân chỉ nên sử dụng loại phân hỗn hợp NPK hàm lượng dinh dưỡng lớn, chất lượng cao được sản xuất bằng công nghệ hóa lỏng Nitơ. Công nghệ sản xuất phân bón dạng này hiện tại ở Nghệ An chỉ có ở nhà máy phân bón SAO VÀNG thuộc khu công nghiệp Nam Cấm Nghệ An. Còn lại phần lớn là công nghệ "thủ công" quá lạc hậu, chất lượng không đảm bảo, chỉ có giá rẻ.
Bón phân cho cây lúa trên đất cát pha, thịt nhẹ khác bón phân cho cây lúa trên đất thịt, đất sét ở chỗ nào, vì sao ?
Xét về thành phần cơ giới của đất, chúng ta thấy: Đất cát pha, thịt nhẹ, đất tơi, rời rạc, trong đất có nhiều hạt cát, độ dính kém, sự liên kết giữa các hạt đất hầu như rất ít. Vì vậy khả năng giữ nước, giữ phân, giữ dinh dưỡng có trong đất rất kém. Ngược lại, ở đất thịt, đất sét có độ dính kết cao, đất dẻo, mịn, các hạt đất nhỏ, mịn dính kết với nhau thành cả mảng lớn nước cũng khó thấm qua. Vì vậy đây là loại đất giữ nước tốt, giữ phân tốt. Nếu gieo cấy lúa thì loại đất thịt và sét gieo cấy lúa tốt nhất.
Nếu cấy lúa, khi bón phân, cùng bón với lượng phân giống nhau cho cây lúa, thì trên đất cát pha, thịt nhẹ phải chia phân ra lượng nhỏ để bón ít và bón nhiều lần hơn, nhằm đề phòng khả năng giữ nước và giữ phân quá kém ở loại đất này, làm giảm hiệu quả của phân bón. Ngược lại trên đất thịt, đất sẽ thì bón phân tập trung bón nhiều 1 lần cũng được. Thông thường hiện nay, khi bón phân cho cây lúa trên đất cát pha, thịt nhẹ nên bón lót nhẹ và riêng bón thúc đẻ càn chia nhỏ ra 2 lần bón gần nhau để vừa không gây lãng phí phân bón, vừa đề phòng cây lúa tốt quá nhanh dễ tạo cơ hội cho bệnh đạo ôn và bạc lá phá hoại. 
Làm thế nào để phòng chống bệnh đạo ôn lúa có hiệu quả nhất ?
Đạo ôn một trong những loại bệnh khá nguy hiểm đối với sản xuất lúa hiện nay.
Nguyên nhân chủ yếu để bệnh đạo ôn có cơ hội phát triển mạnh đó là:
- Do thời tiết âm u, ẩm độ không khí cao, sương mù nhiều, ánh sáng thiếu.
- Do chúng ta bón phân cho cây lúa, bón mất cân đối, bón đạm nhiều, ít lân và nhất là kali.
- Do gieo cấy quá dày.
Từ đó tạo cơ hội cho bào tử nấm đạo ôn phát sinh và phát triển phá hoại trên cả lá lúa (đạo ôn lá) và trên cả cổ bông lúa (đạo ôn cổ bông). Mới đầu vết bệnh có hình thoi, bầu dục, ở giữa vết bệnh có màu nâu, màu gạch cua…Lúc này phát hiện nhanh, phun thuốc các loại thuốc đặc hiệu trừ ngay như Beam 75WP, Kabim 30WP, Filia 525SE… Liều lượng phun theo khuyến cáo. Nếu phun phòng trừ chậm khi ở giữa vết bệnh đã chuyển từ màu nâu gạch cua sang màu trắng bạc rồi thì quá muộn, bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính rồi, phòng trừ không có hiệu quả nữa. Trong thời gian lúa bị bệnh đạo ôn tuyệt đối không được bón phân đạm và phải chờ phòng trừ mất hết bệnh ít nhất sau 1 tuần trở lên mới bón thêm phân đạm, nếu thấy lúa xấu quá.
Vì sao bệnh bạc lá lúa hay xuất hiện trong vụ xuân và biện pháp phòng trừ ?
Bệnh bạc lá lúa chỉ phát triển mạnh trên các loại đất tốt, hẩu, sâu bùn, bón phân mất cân đối (thừa đạm, thiếu lân và kali), gieo cấy quá dày lại gặp lúc trời nắng to, hoặc có gió mạnh làm rách lá lúa…đó là cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh bạc lá (Xanthomonas Oryza) xâm nhập gây ra bệnh.
Vì vậy để đề phòng loại bệnh này, trước hết là phải bón phân cân đối, gieo cấy thưa. Khi cây lúa đã bị bệnh cần kịp thời sử dụng các loại thuốc như: Xantoxin 40 WP, Totan 200 WP, Starner 20 WP… để phun theo chỉ dẫn có ghi ở bao bì.
Trong thời kỳ cây lúa bị bệnh tuyệt đối không bón phân đạm, không phun chất kích thích hoặc bón phân qua lá bệnh sẽ phát triển mạnh thêm.
Bạn có biết kinh nghiệm trừ rầy nâu ít tốn kém, không gây hại môi trường không ?
Vụ xuân ấm, chắc sang cuối tháng 2 khả năng sẽ có rầy nâu xuất hiện. Nếu phát hiện chậm, rầy dễ gây cháy lúa thì lúc ấy quá muộn rồi.
Kinh nghiệm cho thấy: Phải thường xuyên lội ruộng, thăm đồng. Nếu thấy một khóm lúa nào đó, lá lúa ở dưới gốc có màu vàng úa xuất hiện thì nhổ cả bụi lúa đó tách ra từng kẻ lá để xem. Lúc này ta sẽ thấy có nhiều con rầy đang sống và chích hút dinh dưỡng lấy từ bẹ lúa ra, làm cho lá lúa vàng.
Lúc bấy giờ, bà con nông dân chỉ cần khoanh tròn vùng lúa có rầy, dâng nước lên cao hơn 2-3 cm và mua về một ít dầu hỏa hoặc dầu ma dút trộn với cát rải đều ngay ở vùng lúa có rầy. Rầy sẽ chết hết do dầu bám vào da thịt rầy, bịt hết lỗ thở, rầy sẽ chết.
Bạn có biết kinh nghiệm trừ sâu đục thân và sâu cuốn lá lúa có hiệu quả nhất hiện nay không ?
Rất giản đơn, chỉ có việc phải thường xuyên thăm đồng, lội ruộng để ngắm nhìn cây lúa. Qua xem trên lá lúa, nếu bạn để ý kỹ, bạn sẽ thấy trên lá lúa bướm sâu đục thân, bướm sâu cuốn lá đẻ trứng ngay trên lá lúa. Trước khi đẻ, con bướm mẹ tiết ra một chất dịch nhờn để khi trứng đẻ ra dính chặt vào lá lúa. Trứng 2 loại sâu này nhỏ như hạt cải và có màu nâu đen (đối với trứng sâu cuốn lá) và có màu trắng đục (đối với sâu đục thân). Vì vậy phải nhìn kỹ mới phát hiện ra được. Khi phát hiện thấy có trứng sâu trên lá lúa thì ngắt đoạn lá lúa có trứng sâu đem về nhà cất cẩn thận (úp bát hoặc rổ, rá đậy kín lại). Sáng và chiều, ngày 2 lần mở ra xem đã thấy trứng nở ra sâu chưa ? Nếu thấy sâu đã nở rồi thì ngay lập tức mua các loại thuốc như: Ammate 150 SC, Clever 150EC, Virtako 40 WG, Regan 800 WG… phun ngay khi sâu non mới nở. Nếu phun chậm sau khi nở ngày nào hiệu quả càng giảm ngày đó, vì tuổi sâu già và khi sâu đã già, sâu sẽ cuốn lá lúa lại làm tổ hóa nhộng và nở thành bướm rồi lại tiếp tục đẻ trứng (đối với sâu cuốn lá) và sâu sẽ chui theo đọt cây lúa để đục thân lúa (sân đục thân) thì không thể phòng trừ được nữa./.


                                               Doãn Trí Tuệ - Nguồn TSKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a7-8.jpg a8-9.jpg a5-3.jpg a10-6.jpg a6-4.jpg a9-6.jpg a1-5.jpg anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a4.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây