Giải pháp cho ngành mía đường tỉnh ta hiện nay

Chủ nhật - 21/04/2019 03:39 932 0
Đọc bài "giá mía giảm mạnh, người trồng mía lo lắng" đăng trên báo Nghệ An số ra vừa qua là một thực té đã và đang xẩy ra không riêng gì ở Nghệ An mà là cả nước hiện nay.
Giải pháp cho ngành mía đường tỉnh ta hiện nay
Giá mía giảm do kể từ ngày 01/01/2018 trở đi thực hiện hiệp định tự do lưu thông hàng hóa trong khối Asean từ thuế suất 30% trước đây giảm dần về 0% và trước mắt là 5% theo lộ trình cam kết về thuế nhập khẩu thì khả năng cạnh tranh của ngành mía đường không dễ dàng gì.
Trong khi đó, năng suất mía của tỉnh ta chỉ đạt trên dưới 53 tấn/ha, giá đường trên thị trường tự do chỉ hơn 10.000 đ/kg thì không chỉ người trồng mía thua lỗ mà cả nhà máy chế biến đường cũng thua lỗ nếu không giảm mạnh giá thu mua mía của bà con nông dân.
Theo hiệp hội ngành mía đường Việt Nam (VSSA), cả nước hiện có 41 nhà máy đường với tổng công suất thiết kế 150.000 tấn đường/ngày, sản lượng 1,2 - 1,5 tấn đường/năm. Hiện tại niên vụ đường 2018 - 2019 đã vào vụ ép, nhưng theo VSSA lượng đường trong nước của năm 2018 vẫn còn tồn kho một khối lượng trên 300.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng đường trong nước tiếp tục tăng cao do sản xuất đường bước sang giai đoạn chính vụ, với sản lượng đường bình quân mỗi tháng cho ra 200.000 tấn đường. Đã thế lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan, Lào tràn vào ngày càng nhiều với giá thấp hoặc ngang bằng giá thành đường sản xuất tại Việt Nam trên dưới 11.000 đ/kg đường. Vì vậy khiến giá đường trong nước giảm mạnh, thậm chí có một số nhà máy đường thua lỗ buộc phải giảm công suất hoạt động, làm ảnh hưởng lớn đến việc thu mua mía nguyên liệu cho nông dân.
Dự báo sản lượng đường thế giới trong niên vụ 2018 - 2019 sẽ đạt con số trên 190 triệu tấn, tăng 8% so với niên vụ 2017 - 2018. Theo hãng phân tích hàng hóa Green Pool  (Úc), sản lượng đường toàn cầu có thể lên đến trên 193,36 triệu tấn trong niên vụ 2018 - 2019 này và khả năng cả thế giới chỉ tiêu thụ hết 181,94 triệu tấn. Như vậy trong năm 2019 thế giới vẫn còn dư thừa 10,43 triệu tấn.
Riêng trong khối ASEAN, kề cận Việt Nam ta là Thái Lan cường quốc sản xuất và xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới (Sau Brazil) với sản lượng đường trên 11 triệu tấn/năm, nhiều gấp 10 lần sản lượng đường Việt Nam. Đường Thái Lan nhiều như thế, nhưng nhu cầu tiêu thụ trong cả nước chỉ hết 2,6 - 2,7 triệu tấn, còn lại là xuất khẩu.
Xu thế chung mặt hàng đường trong nước từ năm 2018 trở đi sẽ phải giảm mạnh do không thể cạnh tranh nổi với giá đường trần thế giới nói chung và ngay cả Thái Lan, Lào nói riêng.
Quay lại câu chuyện thuế suất về 0% theo hiệp định tự do lưu thông hàng hóa trong khối ASEAN từ 2018 trở đi và trước mắt về 5% theo lộ trình cam kết về thuế nhập khẩu thì khả năng theo dự báo của các chuyên gia kinh tế sẽ có 3 khả năng xảy ra, đó là: Đầu tiên, các doanh nghiệp mía đường nhỏ có công suất dưới 3000 tấn phải dừng hoạt động vì không thể cạnh tranh nổi với giá đường nhập khẩu. Thứ hai, những doanh nghiệp có công suất lớn hơn buộc phải chọn giải pháp nhập đường thô về tinh luyện lại thay vì mua mía của dân càng thua lỗ nặng và cuối cùng là có thể sẽ có một ít doanh nghiệp lớn còn duy trì sản xuất đủ để nuôi sống doanh nghiệp nhằm chờ cơ hội đổi mới và tổ chức lại sản xuất.
Chỉ có tái cơ cấu lại để tiếp tục phát triển. Một thực tế ngành sản xuất mía đường cả trên thế giới và ngay tại đất nước ta cho thấy:
Trên thế giới, Brazil là cường quốc mía đường, sau Brazil là Thái Lan. Ngành sản xuất mía đường của cả 2 đất nước này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng GDP của đất nước họ. Thành công của ngành mía đường của cả 2 đất nước này chủ yếu là do giống mía luôn luôn được chọn lọc tốt, vừa có năng suất cao, vừa có chữ đường lớn (CCS); cây mía được đầu tư thâm canh cao và có nguồn nước tưới chủ động hoặc tưới nhỏ giọt; trồng, chăm sóc và thu hoạch mía được cơ giới hóa từ 80 - 90% trở lên; công nghệ chế biến đường hiện đại, chất lượng đường tinh luyện tốt, ít hao hụt, lãng phí và cuối cùng là sử dụng tối đa các sản phẩm phụ như: mật rỉ, bùn bã mía để sản xuất cồn, bánh kẹo, nước giải khát, bao bì, điện, phân bón hữu cơ vi sinh…
Còn ở đất nước ta, cũng trồng các giống mía như ROC 10, ROC 11, QĐ 86, QĐ 15 v.v… nhưng năng suất mía của chúng ta chỉ bằng 60 - 70% năng suất mía của họ. Năng suất mía ở Brazil đạt bình quân trên 90 tấn/ha, ở Thái Lan 75 tấn/ha, ở Lào 68 tấn/ha, ở Việt Nam xấp xỉ 60 tấn/ha, riêng ở Nghệ An chỉ đạt được năng suất bình quân hàng năm từ 51 - 53 tấn/ha.
Năng suất mía thấp, dẫn đến hiệu quả sản xuất kém. Vì vậy người trồng mía chuyển dần diện tích trồng mía sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn, làm diện tích mía ngày càng giảm dần.
Từ vụ ép 2000 - 2001 đến vụ ép 2018 - 2019 này, chỉ có duy nhất vụ ép 2003 -2004 diện tích mía nguyên liệu đạt được nhiều nhất 25.151 ha và năng suất mía đạt bình quân 53,20 tấn/ha, sản lượng 1.338.033 tấn. Những năm gần đây diện tích trồng mía nguyên liệu ngày càng giảm dần. Vụ ép 2015 - 2016 diện tích mía chỉ có 21.672 ha, năng suất mía đạt bình quân 51,34 tấn/ha. Tiếp đến vụ ép 2018 - 2019 này, diện tích mía chỉ còn lại trên 20.000 ha, năng suất giảm không nhiều, do năm nay mưa nhiều, nhưng chữ đường trong cây mía (CCS) giảm từ 1 - 1,5%.
Vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh là vùng Phủ Quỳ, trong vùng này hàng năm trước đây đã trồng từ 18.000 - 18.700 ha mía nguyên liệu. Nhưng, vụ ép 2017-2018 này chỉ trồng được gần 12.000 ha mía và năng suất từ 56 tấn/ha các năm trước đây, nay chỉ còn 52 - 53 tấn/ha.
Từ những thực tế trên, nên việc giảm giá mua mía nguyên liệu và chậm chạp trong việc thu mua mía cho bà con nông dân, để mía trổ cờ hàng loạt hiện trên đồng ruộng là chuyện đương nhiên khi các nhà máy đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ đường. Vì vậy, ngành mía đường muốn tồn tại để tiếp tục phát triển không có con đường nào khác là phải tái cơ cấu lại. Định hướng tái cơ cấu ngành mía đường, trước hết là phải phấn đấu đưa giá mía nguyên liệu đầu vào xuống thấp nhất. Thấp ở đây không có nghĩa là phải mua mía của nông dân với giá rẻ mạt. Muốn mua được với giá thấp nhất buộc doanh nghiệp phải có giải pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống mía vừa có năng suất cao, vừa có chữ đường lớn để cả doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi. Đây là việc làm thường xuyên của bất kỳ một doanh nghiệp mía đường nào trong thời kỳ liên kết, hội nhập và phát triển. Xu hướng chung hiện nay của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp nói chung, ngành mía đường nói riêng là cố gắng đầu tư nhiều vào công tác giống để có giống độc quyền tốt nhất phục vụ trước hết cho chính doanh nghiệp của mình thông qua liên kết với người nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. Có giống tốt chắc chắn hiệu quả sản xuất sẽ nâng lên, chi phí sản xuất sẽ giảm xuống. 
Thứ hai, cần phải tái cơ cấu lại đất trồng mía theo hướng thâm canh, năng suất cao, sản lượng lớn. Mía là cây trồng rất cần nước, hơn 90% trọng lượng cây mía là nước. Bình quân 1 cây mía cao trên dưới 2m, đường kính thân từ 3,5 - 4,0 cm từ khi trồng đến thu hoạch sử dụng hết 8 - 10 lít nước/cây. Vì vậy thiếu nước không bao giờ mia cho năng suất cao. Đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản năng suất mía Nghệ An thấp nhất cả nước hiện nay. Vì vậy cần nhanh chóng chuyển đổi đất cao cưỡng, đất đồi vệ, đất có độ dốc cao đang trồng mía hiện nay xuống trồng ở vùng đất lúa không hoàn toàn chủ động nước tưới, năng suất lúa thấp chuyển sang trồng mía gắn với thâm canh cao chắc chắn sẽ đạt được năng suất mía cao từ 80-90 tấn/ha, cao cấp 1,5 - 1,8 lần năng suất mía hiện nay. Đây là việc làm rất thành công ở Công ty nông nghiệp Sông Con khi chuyển đổi 80 ha lúa cao cưỡng không có nước tưới chủ động sang trồng mía đã đạt được năng suất mía lên 90 - 120 tấn/ha.
Việc đưa công nghệ cao tưới nước nhỏ giọt cho cây mía ở vùng cao khô hạn trên phạm vi cả nước cũng đang dừng lại ở mô hình nhỏ vì chi phí cao chưa thể có hy vọng áp dụng trên quy mô hàng ngàn ha mía như hiện nay. Vì vậy chuyển đối đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía là biện pháp lý tưởng nhất. Xem xét mục tiêu toàn tỉnh đến 2020 phấn đấu đạt 2 triệu ha mía nguyên liệu. Với năng suất mía bình quân như hiện nay từ 51 - 53 tấn/ha, thì đến năm 2020 cả tỉnh phải bỏ ra 38.500 - 39.000 ha đất để trồng mía. Vậy lấy đất đâu ra để trồng và hiện có còn giữ được năng suất mía như thế nữa không, hay tiếp tục giảm ? Và khi sản xuất không có hiệu quả thì người trồng mía sẽ bỏ mía để trồng cây trồng khác có hiệu quả hơn sẽ xẩy ra như đã xẩy ra hiện nay ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… Chỉ có cách tái cơ cấu lại đất trồng mía như đã nói ở trên, với năng suất mía được nâng lên 80 - 90 tấn/ha thì diện tích trồng mía nguyên liệu của tỉnh chỉ cần 20.000 - 25.000 ha là đủ. Như vậy không gây lãng phí đất đai, hiệu quả sản xuất cả doanh nghiệp và người trồng mía đều cao, giá mua mía sẽ giảm, giá thành sản xuất 1 kg đường hạ thấp xuống.
Thứ ba, chi phí cao nhất làm giảm hiệu quả sản xuất khá lớn cho người trồng mía, đó là khâu thu hoạch. Vì vậy cần nhanh chóng đưa cơ giới sử dụng vào các khâu làm đất, trồng và thu hoạch. Việc làm này Công ty mía đường Lam Sơn Thanh Hóa đã và đang thực hiện đem lại hiệu quả tốt.
Thứ tư, thường xuyên cải tiến công nghệ chế biến đường hiện đại hơn, tinh luyện đường chất lượng cao hơn, giảm hao hụt để không ngừng nâng cao hiệu quả chế biến, giảm giá thành sản xuất đường để có lãi lớn.
Thứ năm, cố gắng sử dụng triệt để các sản phẩm phụ như: mật rỉ, bã mía, bùn bã… để sản xuất cồn, bánh kẹo, nước giải khát, bao bì, điện, phân hữu cơ vi sinh… tùy theo khả năng của từng doanh nghiệp để vận dụng cho tốt.
Thứ sáu, từ ngày 01/01/2018 trở đi, Chính phủ bắt đầu xóa bỏ xăng Ron A92 thay bằng xăng sinh học E5, đây là cơ hội để ngành mía đường thay đổi cơ cấu sản phẩm. Thực tế các nước sản xuất đường nhiều trên thế giới hiện nay đều duy trì cơ cấu giữa đường và cồn Etanol là 50:50. Nếu giá đường tốt thì ưu tiên sản xuất đường và ngược lại giã Etanol tốt thì sản xuất cồn.
Hy vọng ngành mía đường tỉnh ta sẽ có bước chuyển tốt trong việc tái cơ cấu lại để tiếp tục phát triển đi lên.
        

                                          Doãn Trí Tuệ - nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a7-8.jpg a8-9.jpg a5-3.jpg a10-6.jpg a6-4.jpg a9-6.jpg a1-5.jpg anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a4.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây