Chủ nhật, 24/11/2024, 11:58

Học tập cách làm của Bác Hồ để"Tết trồng cây" đạt hiểu quả cao hơn

Chủ nhật - 21/04/2019 03:53 904 0
Ngày 28 tháng 11 năm 1959 Bác Hồ phát động “Tết trồng cây”. Bác dạy: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”.
Học tập cách làm của Bác Hồ để"Tết trồng cây" đạt hiểu quả cao hơn
“Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta” (Trích bài “TÊT TRỒNG CÂY” Báo Nhân dân số 2082, ngày 28 tháng 11 năm 1959). 
 “Tết trồng cây” là một phong trào thực sự có ý nghĩa, phù hợp ý Đảng, lòng dân nên đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng sôi nổi và duy trì liên tục trên khắp cả nước từ Trung ương đến địa phương. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đều tổ chức phát động hoặc tham gia Tết trồng cây. Tuy nhiên để đạt được chất lượng phong trào như lời dạy của Bác “Trồng cây nào tốt cây đó” thì chúng ta chưa làm được. Một số địa phương có phát động nhưng chưa có kiểm tra đánh giá nghiêm túc về số lượng, chất lượng, chủng loại, địa điểm phù hợp, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ cây trồng, số cây chết chưa trồng bổ sung kịp thời, chưa đúc rút kinh nghiệm hàng năm. Vì vậy, chưa thực sự khuyến khích các tầng lớp nhân dân phát huy tối đa sức mạnh cho công tác trồng cây làm giàu đẹp đất nước. 
Từ ngày phát động phong trào “Tết trồng cây” đến lúc Bác đi xa (năm 1969), hàng năm Báo Nhân dân đều đăng tải bài phát động của Bác. Bằng lời lẽ chân thành, dễ hiểu, nội dung ngắn gọn mà súc tích, đầy đủ, Bác đã động viên, khích lệ toàn dân cùng cố gắng thi đua phấn đấu năm sau làm tốt hơn năm trước. Bác kiểm điểm kết quả của phong trào, biểu dương các điển hình tập thể, cá nhân làm tốt, có dẫn chứng, đồng thời nhắc nhở các đơn vị, địa phương làm chưa tốt, rút bài học kinh nghiệm cho năm sau.  
Trong bài “NGÀY XUÂN VUI TẾT TRỒNG CÂY, NƠI NƠI PHẤN KHỞI, NGƯỜI NGƯỜI THI ĐUA” (Báo Nhân dân số 3600 ngày 05 tháng 2 năm 1964), Bác viết: “Trong ba năm qua, Tết trồng cây đã có kết quả rất khá. Theo con số thấp nhất thì miền Bắc cũng đã trồng dược độ 30 triệu cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây phong cảnh… Vì có lợi ích thiết thực cho nhân dân mà Tết trồng cây đã thành một phong trào quần chúng rộng khắp, có những gương mẫu rất cảm động như: 
  - Cụ Vũ Văn Lân ở Hưng Yên, tuy đã 104 tuổi vẫn trồng được hơn 100 cây, cây nào cũng tốt. Cụ còn đôn đốc con cháu ra sức trồng cây.
 - Anh Cao Văn Nhì ở Vĩnh Phúc, 22 tuổi, tuy mù cả hai mắt, trong ba năm qua đã mò mẫm trồng được gần 6000 cây.
 - Vợ chồng cụ Vũ Đức Thúc, vợ chồng cụ Vũ Huy Ôn và cụ Đoàn Thị Quý ở xã Yên Hải (Quảng Ninh), tuổi các cụ từ 57 đến 68, đã không sợ gian khổ, cùng nhau xung phong trồng 135.000 cây nước mặn để giữ đê.
 - Ở xã Vinh Quang (Phú Thọ), cụ Nguyễn Nho đã trồng 2000 cây, cụ Nguyễn Văn Chung 6000 cây, anh Trần Văn Thành 9000 cây cho hợp tác xã mà không tính công điểm.
 Nhiều kiểu mẫu tập thể trồng cây gây rừng, đã làm cho làng mạc tươi đẹp, lại nâng cao mức sống của xã viên, như: Hợp tác xã Lạc Trung và Ngọc Long (Vĩnh Phúc), Hợp tác xã Vĩnh Thành (Nghệ An), hợp tác xã Nà Vó (Hòa Bình), v.v…”   
Không chỉ biểu dương mà Bác còn thẳng thắn phê bình nhắc nhở. Trong bài “NĂM MỚI HÃY NHIỆT LIỆT TỔ CHỨC TẾT TRỒNG CÂY” (Báo Nhân dân số 3928 ngày 01 tháng 01 năm 1965), Bác viết: “Có những tỉnh tổ chức Tết Trồng cây tốt như Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Có những tỉnh cũng khá nhưng còn chậm như Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Bắc. Có những tỉnh trước kia kém, nay đang chuyển khá như Nghệ An, Sơn Tây. Có những tỉnh nay vẫn còn kém. Theo Tổng cục Lâm nghiệp thì những tỉnh đó là Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng. Và còn độ hai vạn Hợp tác xã chưa thật coi trọng Tết trồng cây.”
 Bác không quên phổ biến kinh nghiệm hay từ những đơn vị làm tốt để các đơn vị khác học tập. Bài “TẾT TRỒNG CÂY” (Báo Nhân dân số 2839 ngày 30 tháng 12 năm 1961) Bác viết: “Kinh nghiệm tập tập thể tốt như hợp tác xã Lạc Trung (Vĩnh Phúc), hợp tác xã Yên Trường (Thanh Hóa)… Kinh nghiệm tốt của cá nhân các cụ phụ lão như cụ Chuẩn (84 tuổi, xã Yên Hòa, tỉnh Quảng Bình), chị em phụ nữ như bà Nhàn (xã Chi Lăng, tỉnh Phú Thọ), của thanh niên như anh Trần Văn Ngô (cụt một tay, xã Thái Đô, Hà Nội)… đều là kiện tướng trồng cây. Những kinh nghiệm ấy chúng ta cần phải phổ biến cho rộng khắp”. “Vì sao họ đạt được thành tích tốt? Vì cá nhân thì chăm chỉ và chuyên cần, họ bền bỉ như ông giá dời núi. Tập thể thì họ biết cách làm: Họ cử những cụ già hăng hái lập thành những tổ chuyên trách trồng cây, các xã viên đều tùy khả năng mà giúp sức, các em nhi đồng thì có những đội bảo vệ cây cối. Họ thực hiện khẩu hiệu “Yêu cây như yêu con”. Đó là nguyên nhân thắng lợi của họ”. Bác luôn nhắc nhở “Trồng cây nào phải chăm sóc tốt cây ấy” và khẳng định “Tết trồng cây cũng như mọi việc khác, các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo cụ thể và chặt chẽ thì sẽ thành công”. 
Bác nhắc nhở, chỉ bảo rất rõ để các địa phương chỉ đạo phong trào đạt kết quả tốt hơn. Trong bài TẾT TRỒNG CÂY (Báo Nhân dân số 3228 ngày 27 tháng 01 năm 1963): “Xin nhắc lại vài điểm để bà con chú ý thêm: 
- Trồng cây cần có kế hoạch thật chu đáo: Nơi nào và mùa nào thì thích hợp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lấy gỗ, cây lấy củi, cây phong cảnh…
- Cần động viên quần chúng rộng rãi tham gia trồng cây ở nông trường, xí nghiệp, cơ quan, bộ đội, trường học,v.v… nhưng cần tổ chức những đội chuyên trách.
- Cần làm cho mọi người, nhất là làm cho các em nhi đồng biết bảo vệ tốt cây cối.
- Chăm sóc và sửa sang những hàng cây cũ cho xinh đẹp và sống tốt 100%.
- Mỗi năm nên có vài đợt kiểm tra lẫn nhau giữa tỉnh này với tỉnh khác, huyện này với huyện khác… Tỉnh nào có kết quả tốt nhất sẽ được Chính Phủ khen thưởng, huyện nào tốt sẽ đươc tỉnh khen thưởng.

 - Các Chi bộ và Đoàn thanh niên cần phải lãnh đạo chặt chẽ và thường xuyên.” 
Những lời dạy của Bác cách đây đã hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên giá trị lớn lao cho hôm nay và mãi mãi mai sau. Đó là những tinh hoa trí tuệ đã được Bác học hỏi kết tinh qua các nền văn minh nổi tiếng trên thế giới từ cổ đại đến hiện đại mà chúng ta đang được thừa hưởng. Giá trị phi thường trong mỗi việc làm của Bác mãi mãi là tấm gương sáng để chúng ta học tập và làm theo. Cuộc sống tươi đẹp của con người không thể thiếu những cây xanh và bầu không khí trong lành. Trồng cây không chỉ cung cấp gỗ để làm nhà trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phục vụ nhu cầu con người, xuất khẩu; trồng cây còn đem lại màu xanh, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng hộ dân cư, đồng ruộng, đất đai, nguồn nước, bảo vệ đa dang sinh học, an ninh quốc phòng… 
Phong trào “Tết trồng cây” là một chủ trương đúng đắn, thiết thực có ý nghĩa lớn, vì vậy rất cần các cấp Đảng và Nhà nước hàng năm, từng giai đoạn có kiểm tra, đánh giá, sơ tổng kết nghiêm túc theo cách làm của Bác Hồ để phong trào đạt hiệu quả cao hơn./.  
                                    

                               Nguyễn Thị Hà- Nguyên PGĐ TT Khuyến Nông 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây