Với diện tích đất đồi 5ha, bác Lợi đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng cây bưởi xen ổi nhằm lấy ngắn nuôi dài và hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo sản phẩm an toàn và bền vững. Hiện tại bác trồng 1000 cây bưởi da xanh và trồng xen 500 cây ổi.
Xác định cây bưởi da xanh là loại cây có giá trị kinh tế cao và ổn định trên thị trường. Tuy nhiên, hiện rầy chổng cánh là đối tượng sâu hại nguy hiểm cho vườn cây có múi. Để khống chế dịch hại trên cây bưởi, bác đã thiết kế trồng xen canh cây ổi vì theo các nhà nghiên cứu, lá ổi có khả năng đặc biệt xua đuổi loại rầy này. Đặc biệt, khi trồng bưởi xen ổi sẽ hạn chế sâu bọ và ngăn ngừa được bệnh vàng lá, giúp tăng độ che phủ cho đất, hạn chế đất bị xói mòn và cỏ dại. Bên cạnh đó, việc trồng xen canh cây ổi còn giúp “lấy ngắn nuôi dài” vì sau hơn 9 tháng, cây ổi đã bắt đầu cho quả”.
Tham quan mô hình trồng bưởi xen ổi tại hộ ông Lợi, xóm 1 xã Nam Nghĩa, Nam Đàn
Để chăm sóc cây ăn quả trên vùng đất đồi phát triển thuận lợi bác Lợi đã đầu tư xây dựng hệ thống bể chứa lấy nước từ khe núi và hệ thống đường ống tưới nhỏ giọt đưa nước đến gốc cây trồng dưới dạng từng giọt, lưu lượng tưới nhỏ, thời gian một lần tưới kéo dài, chu kỳ tưới ngắn, có thể điều chỉnh lượng nước tương đối chính xác, đưa nước và nhiều chất dinh dưỡng đến vùng đất quanh rễ cây, giúp cây sinh trưởng phát triển thuận lợi.
Kết quả bước đầu cho thấy: hệ thống tưới nhỏ giọt đã phát huy được hiệu quả là tiết kiệm nước, do nước tưới được cấp trực tiếp cho cây trồng, không bị thất thoát do bốc hơi và thấm sâu. Tưới nhỏ giọt còn có khả năng giữ được độ ẩm đồng đều trong tầng đất canh tác góp phần nâng cao năng suất cây trồng. Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây bưởi xen ổi cho thấy lượng nước tưới giảm được 425 m3 /ha/năm, tức là tiết kiệm được 45% so với lượng nước tưới áp dụng kỹ thuật tưới rãnh thông thường.
Hơn nữa trong quá trình sản xuất rất thuận tiện, chủ động hoàn toàn trong việc tưới tiêu, bón phân và giảm công lao động, giảm chi phí lao động.
Cây trồng được tưới bằng hệ thống nhỏ giọt phát triển tốt, bộ rễ phân tán tròn đều qua đó làm cho việc tạo tán cho cây cam thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.
Đây là hướng đi cần thiết tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Thành công của mô hình là cơ sở để bà con nông dân trong xã và những vùng phụ cận có điều kiện học hỏi để mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả cao trên đơn vị diện tích canh tác.
Trần Thị Hoài Phương
Trung tâm DVNN Nam Đàn