Thứ năm, 26/12/2024, 07:12

Mấy vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong vụ sản xuất Lúa xuân 2021

Thứ năm - 03/12/2020 03:28 970 0
Sản xuất vụ Xuân 2021 khả năng diễn ra trong điều kiện thời tiết được dự báo thời kỳ đầu rét đậm, rét hại đến sớm và kéo dài, không hoàn toàn giống như một số vụ lúa xuân từ năm 2020 về trước. Đồng thời những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2020 trên phạm vi toàn tỉnh xẩy ra mưa lớn, mưa kéo dài gây ngập lụt trên phạm vi gần như toàn tỉnh, nhất là các vùng đồng bằng gieo cấy lúa rộng lớn ở các huyện Diễn – Yên – Quỳnh, Nam – Hưng – Nghi, Anh – Thanh – Đô…để lại một lượng phù sa trên đồng ruộng khá lớn.
Mấy vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong vụ sản xuất Lúa xuân 2021
Thông thường những năm đầu vụ rét đậm, rét kéo dài có thể gây ra hiện tượng chết mạ, chết lúa non mới gieo cấy.Nhưng vụ sản xuất đó rất dễ được mùa lớn. Đặc biệt vụ lúa Xuân 2021 còn có thêm một lượng phù sa lớn do lũ lụt đem đến, nên vụ lúa Xuân 2020 sẽ đạt được năng suất rất cao, nếu chúng ta chỉ đạo thực hiện tốt và đúng quy trình sản xuất và thâm canh.
Vụ lúa Xuân 2021, theo đề án của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An sẽ phấn đấu gieo cấy 90.000ha lúa, trong đó có 50.000ha là các giống lúa thuần và 40.000ha là các giống lúa lai. Phấn đấu đạt năng suất bình quân 66,67 tạ/ha, sản lượng 600.000 tấn so với vụ lúa Xuân năm 2020, diện tích không tăng, nhưng năng suất tăng 0,14 tạ/ha. Với năng suất lúa vụ Xuân 2021 phấn đấu đạt bình quân 66,67 tạ/ha không khó. Nhưng để đạt được năng suất lúa 66,67 tạ/ha và cao hơn nữa, từ công tác tổ chức chỉ đạo đến bà con nông dân cần đặc biệt lưu ý thực hiện tốt mấy vấn đề sau đây:

Một: Nên sử dụng các giống lúa có tiềm năng năng suất cao và chất lượng cơm gạo khá để gieo cấy. Vì vụ Xuân năm nay với xu thế thời tiết như nói trên rất dễ là một vụ lúa Xuân đạt được năng suất cao đến rất cao. Các giống lúa đạt được năng suất cao và chất lượng cơm gạo khá, lúa thuần có các giống: VT-NA6, ADI 168, Thiên ưu 8, TBR 225, Sông Lam 9 và VT-NA2, lúa lai có các giống: Thái Xuyên 111, VT404, Kinh sở ưu 1588… Mỗi một địa phương chỉ nên chọn từ 1 – 2 giống để gieo cấy, cần thiết không nên quá 3 giống.
Hai: Không để mất giống do ngâm ủ không thực hiện đúng quy trình ngâm ủ giống trong điều kiện thời tiết xẩy ra rét đậm, rét hại. Hạt giống phải được ngâm trong nước ấm 54oC (3 sôi + 2 lạnh) trước, sau đó thay bằng nước lạnh trong sạch. Ngâm trong thời gian trên dưới 35 giờ tùy theo nhiệt độ ngoài trời quá thấp (dưới 16oC) hay rét vừa (từ 17oC trở lên). Trong quá trình ngâm cứ 5 – 6 giờ vớt giống ra đãi sạch và thay nước trong sạch để ngâm tiếp.Khi vớt giống ra để ủ phải để nơi kín gió và có tấp tủ kín để hạt giống dễ nảy mầm.
Ba: Tuyệt đối không gieo cấy quá sớm trước thời thời vụ quy định do Sở NN&PTNT đề ra đã được thống nhất trên phạm vi toàn Tỉnh. Mạ gieo xong đến đâu phủ kín nilông đến đó để phòng chống rét. Đặc biệt vụ lúa Xuân năm nay các địa phương cần chỉ đạo bà con nông dân không nên gieo sạ lúa để đề phòng lúa bị chết rét và còn tiết kiệm được ít nhất ½ số lượng hạt giống so với lúa gieo mạ để cấy. Vụ lúa Xuân năm nay, nếu cứ lặp lại tình trạng để bà con nông dân tự động xuống đồng gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định từ 10 – 15 ngày, thậm chí có nơi gần 20 ngày như các vụ lúa Xuân 2018, 2019 và 2020 vừa qua rất dễ mất mùa. Các vụ lúa Xuân trước đây gieo cấy sớm, lúa trổ sớm không hoặc ít mất mùa là do hậu quả của biến đổi khí hậu diễn ra bất thường, làm cho cả vụ lúa Xuân ấm, nóng, nhiệt độ không khí cao hơn năm bình thường từ 1 – 1,5oC, thậm chí có ngày nhiệt độ không khí cao hơn bình thường từ 2 – 2,5oC. Thời tiết vụ lúa Xuân năm nay ngược lại, rét đậm, rét hại kéo dài, kèm theo có nhiều đợt không khí lạnh tràn về gây ra rét đậm hơn. Vì vậy, nếu gieo cấy quá sớm để lúa trổ vào tiết thanh minh (trước 20/4) thì khả năng mất mùa khó tránh khỏi.
Bốn: Sử dụng phân bón thật sự hợp lý. Vì vụ lúa Xuân năm nay hầu hết trên các cánh đồng gieo cấy lúa đều được bồi đắp thêm một lớp phù sa do nước lũ lụt mang về. Vì vậy bón phân phải hợp lý, bón cân đối đạm, lân, kali, tuyệt đối không bón nặng đạm, có thể bón tăng thêm kali để vừa hạn chế sâu bệnh, vừa chống đổ và làm giảm tỉ lệ lép khi lúa trổ bông.
Để bón phân thực sự đảm bảo cân đối, bà con nông dân nên sử dụng phân hỗn hợp NPK loại 16-16-8 để bón lót trước khi gieo cấy và bón thúc loại NPK 15-5-20 vào các thời kỳ lúa đẻ, lúa chuẩn bị làm đòng. Cả 2 loại phân NPK nói trên có tỉ lệ đạm, lân, kali khi bón cho cây lúa đạt được tỉ lệ cân đối 1 – 0,8 – 1. Đây là một tỉ lệ rất phù hợp cho cây lúa đạt được năng suất cao. Số lượng phân cần bón cho 1 sào, bón lót từ 10 – 12 kg NPK loại 16-16-8 và bón thúc lúa đẻ từ 8 – 10 kg NPK loại 15-5-20, bón đón đòng 4 – 5 kg NPK loại 15-5-20. Tuyệt đối không bón thêm đạm, nếu có điều kiện bón thêm 1 – 2 kg kali khi lúa chuẩn bị làm đòng.
Năm: Luôn luôn cảnh giác và chủ động phòng tránh sâu bệnh gây hại. Thời tiết vụ lúa Xuân năm nay, ngoài rét đậm, rét hại, còn xẩy ra hiện tượng trời âm u, sương mù nhiều, độ ẩm không khí cao, thiếu ánh sáng… Tất cả những hiện tượng này là cơ hội, là điều kiện để sâu bệnh và nhất là bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá phát triển mạnh.Sang cuối tháng 2, đầu tháng 3 khi trời nắng ấm lên lại xuất hiện rầy nâu gây cháy lúa.
Vì vậy phải thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện các loại sâu bệnh phát sinh gây hại khi mới xuất hiện kịp thời phòng trừ ngay.Trong các loại sâu bệnh nói trên, cần lưu ý nhất là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông. Loại bệnh này vụ lúa Xuân nào ở tỉnh ta cũng có đến hàng trăm, hàng ngàn ha lúa bị cháy lá đến tàn lụi. Dự báo vụ lúa Xuân 2021 rất dễ xuất hiện trên quy mô lớn và khi đã xuất hiện có tốc độ lây lan nhanh, gây cháy lúa mạnh. Do đó khi thấy có vết đạo ôn xuất hiện cần sử dụng ngay các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ nhanh gồm một trong các loại thuốc sau: Beam 75 WP, Kabim 30WP, Filia 525 SE, Bankan 600 WP, Vista 72.5 WP…phun theo liều lượng hướng dẫn có ghi ngoài bao bì.
Để đề phòng thuốc giả, bà con nông dân nên đến mua ở các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hoặc ở các đại lý có uy tín và phải được bảo lãnh về chất lượng thuốc sau khi phun làm đúng theo hướng dẫn.

 
Giống lúa VT-NA6 được gieo cấy chủ yếu trong vụ Xuân hiện nay./.
                                                                   DOÃN TRÍ TUỆ - nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh6-2.jpg hh2.jpg hh7-1.jpg hh3-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg mo-hinh-luon-4.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây