Mục tiêu và giải pháp tổ chức sản xuất trồng trọt vụ xuân năm 2021
Thứ ba - 01/12/2020 02:581.2610
Sản xuất vụ Xuân 2020 diễn ra trong điều kiện tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển từ đầu vụ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 và giữa tháng 5 xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, lốc, mưa đá xảy ra cục bộ ở một số địa phương gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, vụ Xuân 2020 nằm trong diễn biến toàn thế giới bùng phát đại dịch Covid-19, toàn quốc thực hiện cách ly xã hội từ 01/4 đến 22/4/2020 đã gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh và ngành Nông nghiệp trong công tác chỉ đạo sản xuất, thị trường tiêu thụ nông sản.
Nhưng với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các ban ngành từ tỉnh đến địa phương trong tổ chức chỉ đạo sản xuất và sự nỗ lực cố gắng của nông dân trong đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và phòng trừ dịch hại nên đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, Diện tích, năng suất và sản lượng một số cây trồng đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Vụ Xuân 2021 là vụ đầu tiên đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị Quyết Đại hội các cấp nhiệm kỳ 2021 -2025, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội của các năm tiếp theo. Do vậy, cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể các cấp quyết tâm chỉ đạo, đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, dự báo hiện tượng La Nina diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục duy trì cho tới những tháng đầu năm 2021, rét đậm rét hại xẩy ra sớm và kéo dài, nguy cơ tiềm ẩn một số dịch hại có thể phát sinh gây hại mạnh, trong khi đó quy mô sản xuất hiện nay vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, không đồng đều, lao động nông nghiệp trong độ tuổi ngày càng già hóa, đồng thời dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp,.. sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tổ chức, chỉ đạo, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất cũng như đầu tư để liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, ngành nông nghiệp đã và đang tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà ngành đặt ra cho vụ Xuân năm 2021. I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU 1.1. Phương hướng - Xây dựng kế hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống và thời vụ hợp lý; tăng cường đầu tư thâm canh một cách toàn diện, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh hại cây trồng. - Đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các cá nhân, HTX, doanh nghiệp và nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. - Đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao, KHKT trong sản xuất trên các loại cây trồng,... 1.2. Chỉ tiêu, kế hoạch Với mục tiêu phấn đấu của ngành Nông nghiệp và PTNT về sản lượng lương thực năm 2021 khoảng 1.163.000 tấn. Trong đó, vụ Xuân 2021 phải phấn đấu đạt 687.500 tấn lương thực. Cụ thể chỉ tiêu phấn đấu về diện tích, năng suất, sản lượng của các cây trồng trong vụ Xuân 2021 như sau
Cây lương thực
TT
Loại cây trồng
Diện tích (ha)
Năng suất (tạ/ha)
Sản lượng (tấn)
1
Cây lúa
90.000
66,67
600.000
1.1
Lúa lai
40.000
70,0
280.000
1.2
Lúa thuần
50.000
64,0
320.000
1.3
Lúa chất lượng (cả lúa lai và lúa thuần)
42.000
63,5
266.700
2
Cây ngô
17.500
50,0
87.500
-
Trong đó: Ngô lấy thân lá làm thức ăn cho bò
5.000
Tổng cộng
107.500
687.500
Rau đậu các loại
TT
Loại cây trồng
Diện tích (ha)
Năng suất (tạ/ha)
Sản lượng (tấn)
1
Rau các loại
12.000
170,0
204.000
2
Đậu các loại
1.000
14,0
1.400
Cây nguyên liệu, cây công nghiệp ngắn ngày
TT
Loại cây trồng
Diện tích (ha)
Năng suất (tạ/ha)
Sản lượng (tấn)
1
Cây lạc
11.500
29,0
33.350
2
Trồng sắn nguyên liệu
7.300
340,0
248.200
3
Tổng diện tích mía cả năm
24.000
610,0
1.464.000
Sản xuất giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm Chuẩn bị đủ giống đảm bảo chất lượng để phục vụ cho kế hoạch trồng mới, trồng lại năm 2021 các cây chè, cam, cao su,… II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU 2.1. Bố trí thời vụ và cơ cấu giống 2.1.1. Cây lúa a) Thời vụ: Để đảm bảo an toàn, tránh lúa trỗ gặp rét, các trà được bố trí gieo cấy để trỗ tập trung từ 20/4 - 5/5. Khung thời vụ bố trí 03 nhóm giống cơ bản của vụ Xuân chính vụ như sau: - Nhóm 1 (các giống có thời gian sinh trưởng từ 135-145 ngày): Gieo mạ từ 05-10 tháng 01; cấy từ 26/01-01/02 (cấy từ 15-20/12 ÂL). - Nhóm 2 (các giống có thời gian sinh trưởng từ 130-135 ngày): Gieo mạ từ 10-15 tháng 01; cấy từ 01-05/02 (cấy từ 20-24/12 ÂL). - Nhóm 3 (các giống có thời gian sinh trưởng 125-130 ngày): Gieo mạ từ 16-20 tháng 01; cấy từ 06-10/02 (cấy từ 25-29/12 ÂL). Các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để bố trí thời vụ hợp lý, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Đối với vùng Hè Thu chạy lụt, ra mạ sớm hơn từ 05 - 07 ngày. Lưu ý: - Tập trung chỉ đạo gieo mạ có che phủ nilon 100% diện tích để chống rét, chống chuột đồng thời chống rầy lưng trắng xâm nhập truyền bệnh lùn sọc đen. Trong thời gian rét đậm, rét hại không bón thúc đạm cho mạ, hạn chế tối đa việc gieo thẳng lúa để hạn chế lúa chết rét. Phân hữu cơ vi sinh... - Cấy mạ đúng tuổi (đủ số lá quy định) và dừng gieo cấy vào những ngày có nhiệt độ thấp dưới 15oC (rét đậm, rét hại). - Tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ để lúa trỗ an toàn, không gặp rét (Theo dự báo nhiệt độ các tháng 3,4/2021 vẫn trong khoảng từ 19-20oC). b) Cơ cấu giống - Chỉ đưa vào cơ cấu các giống lúa đã được công nhận chính thức, công nhận lưu hành và làm mô hình có kết quả tốt tại Nghệ An. Đưa nhanh các giống lúa vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng gạo khá trở lên; ưu tiên phát triển mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng cao làm hàng hóa. - Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các giống có chất lượng gạo kém, năng suất thấp, giống có thời gian sinh trưởng dài. Đối với những giống có năng suất cao, gạo chất lượng, dễ nhiễm sâu bệnh và mẫn cảm với thời tiết, cần có giải pháp kỹ thuật đồng bộ để đảm bảo an toàn sản xuất. - Mỗi địa phương nên chọn 03 - 05 giống lúa lai và 03 - 05 giống lúa thuần chủ lực; Mỗi xã chỉ nên chọn tối đa 3 giống (trừ những vùng đặc thù). Trên cùng một xứ đồng chỉ gieo cấy 01 hoặc 02 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương nhau và phải cấy xong trong vòng 2 - 3 ngày để thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại. - Cơ cấu các giống lúa vụ Xuân 2021 với các giống chủ lực sau: * Giống lúa thuần: TBR 225, Vật tư NA6, LTH31 (SL9), ADI 168, Nếp 97, Thiên Ưu 8, … * Giống lúa lai: Thái Xuyên 111, VT404, Nhị ưu 986, Phú ưu 978, Kinh sở ưu 1588, … 2.1.2. Cây ngô - Tập trung gieo từ 01/2 đến 28/2. - Các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình, chân đất, thời vụ, thời gian sinh trưởng, mục đích sử dụng, khả năng thâm canh để lựa chọn các giống ngô phù hợp. - Mỗi địa phương cơ cấu không quá 03 giống ngô lai và 02 giống ngô nếp với phương châm ưu tiên sử dụng các giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng và khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh đặc biệt là sâu keo mùa thu, với các giống chủ lực sau: NK66, NK7328, CP999, DK6919, DK6919s, CP511, NK4300, LVN14, MX10, HN 88,… 2.1.3. Cây lạc: - Tranh thủ đất đủ ẩm, trời ấm và tiến hành gieo từ 28/01, kết thúc gieo trước ngày 25/2. Riêng các vùng trung du, miền núi, vùng đất cao dễ gặp hạn sớm phải gieo trồng sớm hơn để đề phòng gặp nắng hạn cuối vụ. - Sử dụng các giống Sen Nghệ An (75/23), L14, L23, L26, TB25, L20. 2.1.4. Rau các loại: Tranh thủ gieo trồng khi có quỹ đất và điều kiện thời tiết thuận lợi. Có thể sử dụng các giống rau như: + Rau cải: Cải ngọt, cải bẹ dưa, cải bẹ mào gà, cải bó xôi, cải ngồng,... + Bí xanh: Bí xanh số 1, bí xanh thiên thanh 5, Nova 209, An Điền 686,... + Bí đỏ: An Điền 019, Én Vàng,… + Dưa chuột: PC4, Hoa sen 636, Hoa sen 639, Xuân Yến,... + Dưa hấu: Super Hoàn Châu, Super Man, Phù Đổng, … + Mướp ngọt: Hương Việt, Thanh Hoa,… + Mướp đắng: Hạt giống lai F1 Palee, Trái Xanh F1 TV-208, … 2.1.5. Cây mía nguyên liệu: - Có thể trồng từ tháng 11 năm nay đến hết tháng 3 năm sau, nhưng thời vụ tốt nhất cho cây mía là từ 01/2 đến 15/3. - Sử dụng các giống như: KK3, LK9211,… 2.1.6. Cây sắn nguyên liệu: Tiến hành trồng từ tháng 01 đến 15/3. Có thể sử dụng các giống như: KM94, KM98-5,… 2. Công tác Bảo vệ thực vật Vụ Xuân nguy cơ sẽ xuất hiện một số loài dịch hại và có khả năng phát sinh gây hại nặng trên diện rộng. Đặc biệt là các đối tượng như: Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, bạc lá vi khuẩn, rầy các loại, chuột,... hại lúa; sâu khoang - sâu xanh hại lạc; sâu keo mùa thu hại ngô;.... Do vậy cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện dịch hại theo quy chuẩn quốc gia QCVN 01-38. Hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong phòng trừ dịch hại để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng. Đẩy mạnh thực hiện và mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác khuyến nông bảo vệ thực vật như: Quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI); chương trình ba giảm ba tăng (ICM); chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM,... 3. Công tác thuỷ lợi - Tổ chức tốt công tác thủy lợi bằng việc tu sửa, nạo vét kênh mương, công trình, thiết bị cơ điện, nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm. Đảm bảo 100% các máy và công trình đều vận hành tốt phục vụ sản xuất. - Có phương án chủ động đối phó khi hạn hán xẩy ra. Tăng cường các biện pháp tưới tiêu khoa học; Có kế hoạch sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm. - Thực hiện tốt chính sách miễn thuỷ lợi phí theo quy định của nhà nước. 4. Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành phục vụ sản xuất Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước. - Sử dụng các giống đã được công nhận chính thức, công nhận lưu hành có trong danh mục cơ cấu theo Đề án tổ chức sản xuất vụ Xuân 2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT. - Sử dụng phân bón và thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép lưu thông của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tăng cường sử dụng các nhóm phân bón hữu cơ, vi sinh để giúp cây trồng dễ hấp thu dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển tốt hơn, đồng thời cải tạo tính chất đất. . - Các địa phương tổ chức quản lý vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc BVTV,...) trên địa bàn mình theo đúng các quy định. 5. Công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật; tăng cường công tác khuyến nông - Đẩy mạnhviệc đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu với sâu bệnh vào sản xuất, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất nông sản, rau, củ, quả, chè an toàn theo SRI, IPM, VietGAP,... - Tổng kết, nhân nhanh các mô hình sản xuất rau, củ quả và duy trì phát triển các diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP. 6. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa - Rà soát, đánh giá diện tích hồ đập và các vùng khác nếu không đủ nước tưới cho cả vụ sản xuất hoặc vùng sản xuất lúa không an toàn, hiệu quả kém (vùng cuối kênh, bán sơn địa,vùng cao cưỡng thường gặp hạn cuối vụ) để chuyển đổi sang trồng các cây có như cầu nước ít hơn như: Ngô, lạc, rau đậu các loại, hành tăm và các loại cây trồng khác an toàn, hiệu quả hơn. - Căn cứ vào các Nghị định liên quan để xây dựng phương án, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. 7. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm - Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu mới. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu các mô hình đạt kết quả tốt. Duy trì và nhân rộng các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm đã thực hiện. - Các địa phương cần tích cực trong việc kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. 8. Cơ chế chính sách Thực hiện đầy đủ các chính sách của Chính phủ và tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các chính sách khác về hỗ trợ khắc phục thiên tai, phòng trừ dịch bệnh của UBND tỉnh. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Nông nghiệp và PTNT Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thành lập các đoàn chỉ đạo việc sản xuất, đoàn thanh, kiểm tra kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản phẩm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh. 2. Đối với UBND các huyện, thành, thị Trên cơ sở Đề án sản xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch và đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu, trình độ thâm canh sản xuất,... của địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sản xuất vụ Xuân 2021 cụ thể, sát với thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có. Đề án phải thể hiện sự phấn đấu cao, các chỉ tiêu phải vượt trội, các giải pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện phải tích cực, tập trung chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ để đảm bảo sản xuất an toàn và hiệu quả cao. Chỉ đạo mở rộng ứng dụng các khoa học công nghệ trong nông nghiệp, quy trình sản xuất tiên tiến. Tìm kiếm, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và công tác chỉ đạo sản xuất ở địa phương trên các phương diện. 3. Các đơn vị cung ứng, doanh nghiệp Căn cứ vào Đề án, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và cung ứng đủ lượng giống, phân bón, thuốc BVTV,... đảm bảo chất lượng và thực hiện tốt các quy định về quản lý giống, phân bón, thuốc BVTV,... của Nhà nước để phục vụ sản xuất. Vụ Xuân là vụ sản xuất thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Rét đậm, rét hại, các loại sâu bệnh có nguy cơ phát sinh gây hại nặng, ...Vì vậy để dành thắng lợi cho sản xuất vụ Xuân 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh: Ban hành Chỉ thị về tăng cường sản xuất vụ Xuân năm 2021; Chỉ đạo các cấp, ngành, các đơn vị chuyên môn và chính quyền UBND các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc nhất là chỉ đạo thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, cơ cấu giống và có các cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện Đề án đảm bảo vụ Xuân đạt kết quả cao nhất; Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo sản xuất để thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý, bổ cứu kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình sản xuất. Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn dành thời lượng ưu tiên cho công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, các biện pháp kỹ thuật, biện pháp bảo vệ sản xuất trong vụ Xuân năm 2021. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp và tạo điều kiện của các ngành, các huyện, thành, thị và sự hưởng ứng nhiệt tình của nông dân trên toàn tỉnh để sản xuất vụ Xuân năm 2021 đạt kết quả tốt nhất./. Cao Xuân Tuấn