Xã Nam Giang huyện Nam Đàn là vùng đồng bằng bán sơn địa, cách Thành phố Vinh 10km. Nơi đây có tầm quan trọng chiến lược cả về kinh tế và quân sự của huyện. Đặc biệt, với những tiềm năng lợi thế về địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực dồi dào, giao thông đi lại thuận tiện đã tạo cơ hội, lợi thế cho người dân xã Nam Giang phát triển trong đó có sản xuất nông nghiệp.
Đến thăm gia đình ông Phan Trọng Chương, ở xóm 1, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An chúng tôi được biết bản thân ông là một cựu chiến binh, từng tham gia quân ngũ từ năm 1971 đến năm 1984 với những năm tháng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ hết sức vẻ vang của mình. Trở về quê hương bằng cuộc sống đời thường với bao khó khăn vất vả buổi ban đầu, ông luôn trăn trở và suy nghĩ phải phát triển kinh tế để xây dựng cuộc sống mới trên thửa ruộng, bờ ao của mình. Bằng kinh nghiệm thực tiễn sản xuất, lòng quyết tâm và sự kiên trì của một người lính, ông đã chọn cho mình một hướng làm ăn mới phù hợp và có hiệu quả với mô hình nuôi cá, trồng cây ăn quả và kết hợp phát triển chăn nuôi. Trao đổi với chúng tôi ông Chương cho biết: Sau nhiều năm sản xuất và làm ăn theo cách truyền thống nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, ông đã mạnh dạn chuyển đổi phần diện tích đất nông nghiệp trên 10000 m2 của mình sang nuôi cá, trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện tại gia đình ông đang có 2 ao nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích khoảng 8000 m2 thả nuôi các loại cá trôi, cá mè, cá trắm và cá chép. Với phương thức nuôi thả ghép, sử dụng nguồn thức ăn xanh tự trồng phục vụ nuôi cá trắm cỏ, kết hợp sử dụng các phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi chế biến để làm thức ăn cho cá. Bằng cách này sẽ giảm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo tính toán của ông Chương, trung bình mỗi năm thu nhập từ ao nuôi cá của ông đạt khoảng 80 – 100 triệu đồng. Ao nuôi cá của gia đình ông Phan Trọng Chương Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả, ông Chương phấn khởi chia sẻ thêm: Ngoài việc đào ao nuôi cá thì làm vườn là nghề mà bản thân ông rất đam mê, ông đã cải tạo và quy hoạch lại mảnh vườn rộng 2000 m2 để trồng các loại cây ăn quả như: mít, bưởi, chanh, cam, ổi đến nay đã cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu nhập từ vườn cây ăn quả các loại đạt khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra ông còn trồng các loại rau gia vị, sả, ớt để vừa tạo sinh thái cho mảnh vườn, vừa để tăng thêm thu nhập.
Vườn cây ăn quả của ông Phan Trọng Chương
Trong không gian gia trại sinh thái có ao cá và vườn cây ăn quả xanh tốt ông còn nuôi thêm hơn 200 cặp bồ câu sinh sản; 100 con gà Ri lai thả vườn và một số loại vật nuôi khác như: ngan, ngỗng để phát huy tối đa giá trị không gian hiện có cũng như phục vụ cho việc tham quan trải nghiệm của một số du khách khi ghé thăm mô hình. Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất của mình ông Phan Trọng Chương nói: Trong quá trình chăn nuôi ông thường xuyên thực hiện việc tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi chuồng trại và tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi theo khuyến cáo của thú y. Đối với vườn cây ăn quả ông luôn chọn giống tốt, có nguồn gốc, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục với chế phẩm sinh học để bón cho cây trồng; không xả thải trực tiếp chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, ra ao vườn gây ô nhiễm môi trường. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vân Cán bộ Nông nghiệp xã Nam Giang cho biết: Bản thân ông Chương là người cựu chiến binh năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất nông nghiệp. Với sự cố gắng và nỗ lực của mình, năm 2023 ông đã được công nhận là hội viên cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Ngoài việc sản xuất ông còn là chi hội phó Hội cựu chiến binh gần gũi, trách nhiệm, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của mình với bà con, mô hình sản xuất của ông cũng là địa chỉ để người dân tham quan và học tập kinh nghiệm. Từ hiệu quả mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông Phan Trọng Chương cho thấy người nông dân cần có cách tổ chức sản xuất phù hợp, sáng tạo và áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật sẽ khai thác được tối đa tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp và cho thu nhập ổn định. Mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp này đang là hướng đi phù hợp với nhiều gia đình nông dân nơi đây. Mong rằng chính quyền địa phương cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, tạo điều kiện để nông dân trong vùng phát huy lợi thế tiềm năng sẵn có, tạo ra nhiều mô hình sản xuất tổng hợp hiệu quả cho giá trị kinh tế cao, tạo sức lan tỏa sâu rộng và phát triển nông nghiệp bền vững, làm giàu kinh tế địa phương./. Văn Sô – Trung tâm Khuyến nông-nguồn TSKN