Là người đam mê với nông nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Sâm, ở xóm 5, xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu đã xây dựng cho mình một hướng đi mới để làm kinh tế với mô hình tổng hợp trồng lúa - làm vườn và phát triển chăn nuôi.
Ấn tượng để lại cho chúng tôi khi đến thăm mô hình sản xuất của gia đình anh Sâm là cả một ruộng lúa trước nhà đang vào giai đoạn chắc xanh. Trao đổi với chúng tôi anh Sâm cho biết: Hiện tại, gia đình anh đang trồng 3 ha lúa, mỗi năm làm 2 vụ, thu về khoảng 16 tấn lúa, với giá bán khoảng 9.000đ/kg anh nhẩm tính thu được gần 150 triệu đồng. Ngoài trồng lúa anh còn trồng 160 cây mít thái, đến nay đã cho thu hoạch, trung bình mỗi cây cho 30 kg quả/năm, với giá bán trung bình 20.000đ/kg, mỗi năm cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi thăm khu chăn nuôi anh Nguyễn Ngọc Sâm cho biết: Để phát huy hết lợi thế về diện tích đất vườn sẵn có anh đã làm chuồng phát triển chăn nuôi để gia tăng thêm thu nhập và cũng là sở thích đam mê của bản thân. Hiện tại, gia đình anh đang nuôi 500 vịt thịt/lứa, mỗi năm nuôi 4 – 5 lứa, đàn vịt thường nuôi đạt trọng lượng 2,2 kg/con sẽ xuất chuồng, với giá bán 45.000đ/kg, anh thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. Cùng với đó anh còn nuôi gà chọi để bán giống, mỗi năm anh Sâm cho ấp nở, nuôi úm và bán được khoảng 200 con gà giống 1 tháng tuổi thu được khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, để đa dạng các sản phẩm chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài trong phát triển kinh tế anh còn thả nuôi 150 con gà thịt, 100 con ngan thịt và nuôi 50 đôi chim bồ câu sinh sản, vừa để sử dụng làm thực phẩm vừa để gia tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình tổ chức sản xuất của mình anh Nguyễn Ngọc Sâm cho biết thêm: Làm ruộng kết hợp chăn nuôi tuy còn có những khó khăn, nhưng cuộc sống của người nông dân khá ổn định và nông nghiệp cũng có những tiềm năng lợi thế có thể vươn lên để làm giàu. Để phát triển kinh tế từ nông nghiệp người nông dân cần phải kiên trì, có sở thích và biết áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất thì hiệu quả kinh tế mới cao. Đối với chăn nuôi muốn hạn chế dịch bệnh thì người chăn nuôi phải áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, coi trọng vấn đề vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và sử dụng vắc xin cho vật nuôi để phòng bệnh ngay từ đầu. Đối với cây trồng cần thực hiện việc bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân chuồng hoai mục từ chăn nuôi để giảm chi phí sản xuất. Nói về cách sản xuất của anh Nguyễn Ngọc Sâm, bà Nguyễn Thị Nhung, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân xã Diễn Quảng cho biết: Anh Sâm là người chịu khó, ham học hỏi, luôn tìm cách để phát triển kinh tế từ nông nghiệp; ngoài làm kinh tế giỏi anh còn là một chi hội trưởng nông dân tích cực, nhiệt tình tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân và là điạ chỉ tham quan học tập cho các hội viên để phát triển kinh tế, góp phần thay đổi cách tổ chức sản xuất và làm kinh tế nông nghiệp của người dân tại địa phương./.