Tận dụng lợi thế về địa hình miền núi trải dài trên diện tích rộng, những năm qua nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Châu Cường huyện Quỳ Hợp đã triển khai thành công mô hình phát triển kinh tế “vườn- ao- chuồng- rừng” với nhiều gia trại, trang trại ra đời. Mô hình này vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc vừa kết hợp chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Trang trại” vườn - ao - chuồng - rừng” của gia đình chị Cầm Thị Duyên nằm lưng chừng trên một quả đồi thấp ở xóm Hạ Đông xã Châu Cường Huyện Quỳ Hợp là một trong những mô hình trang trại tiêu biểu huyện Quỳ Hợp. Trang trại rộng 2 ha, trong đó 1 ha được Chị Duyên đưa vào trồng cây keo, còn lại để phát triển chăn nuôi gà, ao lớn thả nuôi cá, vườn thì trồng hồng không hạt, hoa lý, mía và sắn dây.
Theo chị Cầm Thị Duyên, trước đây, khu đất ở phía trên đồi rất khô cằn, để có một trang trại đẹp như hôm nay gia đình chị Duyên phải mất nhiều năm cải tạo. Do địa hình đi lại khó khăn không thể thuê máy xúc, vợ chồng chị Duyên đã thuê người đắp đập nạo vét để làm ao thả cá; đồng thời trồng hàng nghìn cây keo trên đồi. Với phương châm “Đa dạng cây trồng vật nuôi” chị Duyên trồng hàng trăm gốc gốc hồng không hạt, xem lẫn trồng mía, sắn dây và hoa lý và đang cho thu hoạch; Để thực hiện, ban đầu gia đình chị gặp không ít khó khăn. Với nguồn vốn ít ỏi, kinh nghiệm cũng không nhiều, gia đình chị đã phải trăn trở rất nhiều mới tìm ra hướng đi đúng để phát triển kinh tế theo mô hình “Vườn- ao chuồng- rừng”. Ban đầu, chị chỉ nuôi gà với số lượng ít, thấy hiệu quả kinh tế, chị từng bước tăng đàn. Hiện nay, trung bình mỗi năm, chị xuất bán 2lứa gà thịt, mỗi lứa khoảng 300 con, sau 5- 6 tháng nuôi mỗi con đạt khoảng 2,2- 2,5kg, giá bán 110.000đ/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 40 triệu đồng/năm. Đối với ao nuôi cá từ diện tích trên 1.000 m2, gia đình chị đào 2 ao nuôi các loại cá như: cá chép, cá trắm, cá rô phi… mỗi năm cũng cho thu nhập từ 10- 15 triệu đồng. Với diện tích hơn 8.000 m2 đất vườn đồi, gia chị trồng chủ yếu các loại cây như: sắn dây, hồng không hạt (120 gốc), hoa lý và mía cũng đã đem lại thu nhập ổn định hằng năm. Riêng sắn dây mỗi năm thu hoạch khoảng 7- 8 tạ thành phẩm, với giá bán 130.000đ/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 60 triệu đồng, đây cũng là nguồn thu lớn nhất từ trạng trại. Còn đối với hồng, mía và hoa lý mỗi năm cho thu lãi khoảng 30 - 40 triệu đồng. Đối với rừng keo mỗi đợt thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Nhờ phát triển hiệu quả mô hình “vườn – ao – chuồng- rừng” năm 2023 sau khi trừ chi phí, gia đình chị Duyên thu lãi trên 150 triệu đồng. Chị Cầm Thị Duyên chia sẻ thêm: “Khi mới thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tôi cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm và khó khăn về thị trường. Không nản chí, tôi vừa làm vừa học hỏi trên mạng; tham gia các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức; đi tham quan các mô hình ở trong và ngoài tỉnh để rút kinh nghiệm dần”. Bên cạnh đó, việc xác định trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với điều kiện của địa phương cũng rất quan trọng. Nguồn thu từ nông nghiệp phụ thuộc vào vụ mùa nên cần lấy ngắn nuôi dài, đa dạng các loại hình sản xuất. Đặc biệt là cập nhật tin tức về giá cả thị trường, kỹ thuật chăn nuôi mới để rút kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế”. Bà Nguyễn Thị Hợp, Cán bộ công chức Nông nghiệp xã Châu Cường cho biết: Chị Duyên là hội viên nông dân năng động phát triển kinh tế. Chị đã vươn lên bằng chính niềm đam mê với nghề nông, sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đó, chị luôn tích cực tham gia các hoạt động do hội nông dân tổ chức, nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hội viên nông dân khác khi có nhu cầu. Hiện nay toàn xã Châu Cường có rất nhiều hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó số hộ phát triển mô hình kinh tế “vườn - ao - chuồng - rừng” không ngừng tăng lên. Góp phần đa dạng hoá cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế nông nghiệp, từng bước cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới./.
Toàn cảnh mô hình VACR của hộ chị Cầm Thị Duyên xóm Hạ Đông xã Châu Cường Lệ Hằng: Trung tâm Khuyến nông, nguồn TSKN