Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Kim Liên- Nam Đàn có nhiều bước phát triển, tác động tích cực đến đời sống của cán bộ, hội viên hội phụ nữ, góp phần nâng cao đời sống, vươn lên khá giàu qua việc xây dựng được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Cũng từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu có mức thu nhập cao.
Chị NguyễnThị Sương, sinh năm 1977, chi hội phụ nữ xóm Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn luôn được mọi người biết đến bởi sự đảm đang, tháo vát, nhiệt tình trong công tác hội mà còn tích cực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu. Khi nhắc đến gia đình chị bà con trong xóm đều cảm phục bởi ý chí và sự cần cù trong lao động.Xuất thân từ một gia đình thuần nông, từ nhỏ chị đã phải tự lập kinh tế và giúp đỡ cha mẹ trong việc đồng áng. Đến khi xây dựng gia đình, vợ chồng chị cũng chỉ biết bám vào đồng ruộng. Năm 2017khi được Hội phụ nữ xã vận động, chị đã tham gia vào mô hình tổ liên kết mô hình trồng trọt, chăn nuôi và kinh tế gia đình chị khá dần lên từ đó. Qua khảo sát các điều kiện về thổ nhưỡng tại địa phương, năm 2017 gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi trồng trọt nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình tổng hợp VAC với tổng diện tích gần 5.000 m2. Mô hình có 1 ao nuôi cá với diện tích khoảng 1.500m2, kết hợp với gần 2.500 m2 vườn trồng các loại rau ngắn ngày như bí xanh, dưa chuột, đậu leo, ….và khu chăn nuôi với diện tích hơn 500m2 kết hợp vừa chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm, gà giống các loại. Đối với chăn nuôi, những năm trước gia đình chị đầu tư nuôi lợn nái và lợn thịt thương phẩm nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Với tinh thần ham học hỏi và phát triển kinh tế, qua tìm hiểu nhiều nơi thì nuôi gà giống và gà giống lỡ hiện nay đang có nhu cầu tiêu thụ cao, mà nguồn giống mua chủ yếu từ các công ty hoặc từ miền Bắc đưa vào. Vì thể chị đã bàn với chồng chuyển từ chăn nuôi lợn sinh sản sang nuôi gà giống. Qua tìm hiểu chị thấy, nuôi gà giống thời gian nuôi ngắn, xoay vòng nhanh, chăm sóc cũng dễ. Vì thế, đầu năm 2021 gia đình chị quyết định chuyển sang nuôi gà giống. Sau 3 năm bắt tay vào nuôi đến nay bước đầu đã đem lại thành công. Chị Sương chia sẻ: Gà giống thời gian nuôi ngắn, dễ chăm sóc. Chỉ cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì tỷ lệ sống đàn gà rất cao. Gà giống vì nuôi gối nên mỗi năm sẽ nuôi khoảng 5 - 6 lứa. Tuỳ theo nhu cầu thị trường lúc cần chị sẽ bán gà con khi nuôi được khoảng 20- 25 ngày hoặc gà giống lỡ nuôi từ 50- 55 ngày đạt khoảng 1kg/con. Sau đó chị tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại và vào lứa tiếp theo. Giống gà chị đưa vào nuôi là giống gà Hồ và giống gà Mía. Mỗi lứa như vậy chị nuôi từ 700 - 800 con. Nếu bán gà con nuôi từ 20 - 25 ngày thì có giá 17.000đ - 18.000đ/con, gà giống lỡ nuôi đạt 1 kg/con thì giá bán 75.000 - 80.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí, như giống gà, thức ăn, vắc xin, điện ….. thì mỗi lứa gia đình chị thu lãi khoảng 10 - 12 triệu đồng. Như vậy mỗi năm chị nuôi 6 lứa sẽ có lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng. Đối với chăn nuôi lợn trong chuồng lúc nào cũng duy trì khoảng 10 con lợn thịt và 2 con lợn nái. Mỗi năm xuất 2 lứa lợn, mỗi lứa 10 con. Sau khi trừ chi phí lãi thu về từ lợn 10 - 15 triệu đồng Với hơn 1.500 m2 mặt nước chị thả các loại cá trắm, cá trôi…. vừa làm thức ăn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình và đem bán ra thị trường thu về 10 triệu đồng/ năm; Với diện tích 2.500m2 vườn còn lại gia đình chị đầu tư trồng các loại rau, quả ngắn ngày như bí, dưa chuột, rau các loại… mỗi năm cũng cho thu về 10 triệu đồng. Bên cạnh đó chị còn làm 3 mẫu ruộng (cả ruộng nhà lẫn ruộng thuê của các hộ trong xóm), đủ để đầu tư vào chăn nuôi.Như vậy mỗi năm gia đình chị Sương thu về từ mô hình tổng hợp VAC 90 - 100 triệu đồng. Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ, mô hình phát triển kinh tế đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, tiến bộ. Nhìn ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi và cơ sở sản xuất, chăn nuôi, chúng tôi biết đó là thành quả lao động miệt mài, chăm chỉ trong thời gian qua. Ngoài việc phát triển kinh tế, chị còn là hội viên hội phụ nữ tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động hội, thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ với các gia đình hội viên khác kinh nghiệm chăn nuôi để có hiệu quả kinh tế cao.Với những thành tích trong phát triển kinh tế và những đóng góp vào hoạt động Hội. Chị Trần Thị Tâm, Chi hội trưởng Hội phụ nữ Xóm Hoàng Trù - xã Kim Liên chia sẻ : Mô hình VAC của chị Nguyễn Thị Sương là một mô hình điển hình, đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho hộ gia đình, ngoài phát triển kinh tế chị còn là một cán bộ chi hội phụ nữ xóm tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, thường xuyên giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm giúp chị em hội viên cùng phát triển kinh tế.” Nhờ có hướng đi đúng đắn và sự chịu khó, dám nghĩ, dám làm chị Sương xây dựng thành công mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hy vọng rằng mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Sương sẽ là động lực để nhiều hội viên phụ nữ và người dân trong xã học tập, làm theo, góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế xã nhà./. Mô hình VAC hộ chị Nguyễn Thị Sương, xóm Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn Lệ Hằng - nguồn TSKN