Thương hiệu "Chanh Thiên Nhẫn" - Khát vọng tuổi trẻ trên quê Bác Hồ

Thứ năm - 28/05/2020 21:56 1.570 0
Tôi đến thăm Hợp tác xã Chanh Nam Đàn trong cơn mưa buổi sáng, xoa dịu đi phần nào nắng nóng, rát bỏng gió Lào của những ngày tháng 5 lịch sử, mà ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, đặc biệt trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh tràn ngập không khí phấn khởi, vui tươi hướng về kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người.
Thương hiệu "Chanh Thiên Nhẫn" - Khát vọng tuổi trẻ trên quê Bác Hồ
Đón tiếp tôi là một cậu thanh niên với nước da trắng hồng, có vẻ thư sinh với nụ cười luôn nở trên môi nhưng ánh mắt toát lên đầy nghị lực. Cậu nhanh nhảu bắt tay, tự giới thiệu tên là Đặng Văn Hoá - Giám đốc HTX Chanh Nam Đàn Nghệ An và mời tôi vào tham quan các sản phẩm của hợp tác xã, tham quan xưởng sản xuất, giới thiệu quy trình công nghệ, giới thiệu các thành viên của Hợp tác xã… Sau đó rót một bát nước chè xanh, ngồi tâm sự, chia sẻ cùng tôi về quá trình thực hiện ý tưởng xây dựng Dự án “Xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến sâu và phát triển thương hiệu Chanh Thiên Nhẫn - Nam Đàn gắn với du lịch cộng đồng”. Nhấp một ngụm nước chè xanh, nở một nụ cười tươi, cậu chia sẻ: “Anh à, dự án của em cơ bản đã gần xong giai đoạn 1, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy có diện tích rộng 2 ha trong hai năm tới, các hoạt động từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm sẽ được hoàn thiện. Khi đó, nhà máy sẽ là niềm tự hào không những của Hợp tác xã, của bà con nông dân mà còn là niềm tự hào của quê hương Nam Đàn”. Dừng lại một lát, trầm ngâm, cậu nói tiếp: “Cây chanh có từ rất lâu tại đây, người Nam Kim, kể cả các cụ cao niên cũng không còn nhớ cây chanh được du nhập từ đâu, và trồng bắt đầu từ thời điểm nào, chỉ nhớ rằng, từ những năm 1945 đã có những vườn chanh trĩu quả ở khu vực Nam Kim Đồng. Sau đó, theo chủ trương kinh tế mới năm 1975, người dân Nam Kim từ vùng đồng trũng thấp ồ ạt lên vùng đồi núi Thiên Nhẫn khai khẩn đất hoang làm kinh tế, các Cụ đã lựa chọn trồng thử rất nhiều loại cây nhưng cuối cùng chỉ có cây chanh ở lại với người nông dân. Chanh ở đây thuộc dòng chanh giấy, vỏ khá mỏng, có hạt, màu xanh, quả tròn nhìn rất đẹp mắt, mọng nước, có mùi thơm khó có loại chanh nào sánh bằng, ai thưởng thức hương vị một lần thôi cũng sẽ không thể quên được. Mặc dù vậy, cây chanh cũng chỉ mới giúp người dân có thêm thu nhập, chưa thể trở thành cây giúp nông dân làm giàu. Điệp khúc được mùa mất giá cứ diễn ra, thậm chí có lúc người dân chán nản, chặt đi để trồng cây khác, thậm chí không trồng lại. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, giá chanh tươi chỉ bán 5.000 đ/kg, có thời điểm nhích lên được 10.000 đ/kg. Thời còn là sinh viên, với trăn trở làm sao nâng cao giá trị của cây chanh, em đã từng gửi mẫu sang nước ngoài, nhưng sang đến nơi thì quả chanh bị úa vàng, không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nước sở tại. Vì vậy, em đã nuôi dưỡng ước mơ làm sao phát triển các sản phẩm chế biến từ cây chanh để nâng cao giá trị. Sau khi ra trường, em đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người để tìm hiểu về quy trình chế biến các sản phẩm từ chanh. Có lúc, em chán nản định từ bỏ vì áp lực kinh tế, áp lực từ gia đình. Rất may, em đã được sự giúp đỡ, ủng hộ, động viên của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, từ đó giúp em xây dựng dự án để thực hiện ước mơ. Đến thời điểm hiện nay, Hợp tác xã đã nghiên cứu được hơn 30 loại sản phẩm chế biến từ chanh và đã sản xuất được 08 loại sản phẩm đưa ra trên thị trường, được người tiêu dùng ủng hộ, được hơn 500 người đăng ký làm nhà phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ mới là bước đầu, vẫn đang còn nhiều khó khăn, các thành viên gồm 09 người là những đoàn viên thanh niên trẻ, đầy nhiệt huyết vẫn làm việc không lương, mới chỉ đáp ứng được mức lương cơ bản cho 20 công nhân làm việc. Nhưng những gì đã có chính là nguồn động viên, niềm tự hào, cũng như động lực để chúng em tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”. Khi được hỏi về kế hoạch trong tương lai, cậu vui vẻ chia sẻ: “Anh à, em rất tự hào là người con quê Bác, mỗi cây cỏ nơi đây, mỗi con người nơi đây, tất cả những gì nơi đây đều mang hồn của Bác. Đi bất cứ nơi đâu, tiếp xúc với đối tác nào, họ hỏi cậu có cái gì? Em đều trả lời là em có hai thứ, thứ hữu hình là cây chanh và thứ vô hình đó là hồn quê Bác. Hồn quê Bác thì không bất cứ nơi đâu, không bất cứ ai cũng có được, mà chỉ có Việt Nam, Nghệ An, nhất là Nam Đàn càng có nhiều hơn. Chính hồn quê Bác là động lực, sự tự tin, là khát vọng tuổi trẻ giúp cho HTX, giúp cho tuổi trẻ chúng em, giúp cho quả chanh được đi xa hơn, không những trong nước mà còn vươn ra thế giới. Chính vì vậy, chúng em đã lấy câu “Hành trình Chanh Thiên Nhẫn - Theo dấu chân Người” làm thông điệp gửi tới khách hàng, trong đó, chúng em đã xúc tiến và ký kết các hợp đồng để đưa các sản phẩm chế biến từ chanh ra các nước mà Bác Hồ từng sống và làm việc gồm Pháp, Anh, Nga, Thái Lan và Trung Quốc, ngoài ra có cả nước Nhật…”.
 
Khi nói về cá nhân Đặng Văn Hóa, ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết: “Khi gặp anh Hóa, là một cậu thanh niên trẻ, có trí tuệ, có nhiệt huyết, có đam mê, với ý tưởng phát triển cây chanh Nam Đàn, nhất là với những gì hiện nay anh Hóa và HTX Chanh Nam Đàn đã làm được. Có thể nói, anh Hóa là một trong những nhà khởi nghiệp trẻ có nhiều đổi mới, sáng tạo. Điều đó thể hiện, thứ nhất là anh Hóa khởi nghiệp dựa trên vấn đề khoa học công nghệ, khởi nghiệp dựa trên vấn đề khai thác tài sản trí tuệ, khởi nghiệp dựa trên mô hình kinh doanh; thứ hai là dựa trên cơ sở dữ liệu rất quan trọng mà anh Hóa có với trên 40.000 người theo dõi; thứ ba là câu Slogan rất hay, rất đắt giá, “Hành trình Chanh Thiên Nhẫn - Theo dấu chân Người”. Với trách nhiệm của mình, Sở KH&CN Nghệ An sẽ tiếp tục đồng hành cùng với anh Hóa trong kết nối hỗ trợ đầu tư, hiện nay tỉnh đang có chính sách hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng để đổi mới, đầu tư công nghệ; tiếp tục đồng hành trong hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Chanh Thiên Nhẫn”, đây là một cái tên rất hay, cần phải được đăng ký bảo hộ; hỗ trợ trong kết nối với các nhà khởi nghiệp, các nhà đầu tư để giúp cho HTX ngày càng phát triển …”.
 
 
Các đại biểu tham quan các sản phẩm chế biến từ chanh
của HTX Chanh Nam Đàn
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn không dấu được sự phấn chấn chia sẻ: “Những gì HTX và cá nhân anh Đặng Văn Hóa bước đầu đạt được, tôi có niềm tin và đánh giá rất cao hoạt động của HTX cũng như dự án xây dựng chuỗi sản phẩm, nhất là chế biến sâu chanh Nam Đàn. Dự án đã đạt được bốn vấn đề: Thứ nhất đã có nghiên cứu để kế thừa truyền thống về sản xuất, trồng cây chanh của người dân địa phương, cây chủ lực gắn bó với tâm tư, tình cảm, đời sống hàng ngày của người dân nơi đây; thứ hai đã bám vào tính lịch sử của địa phương; thứ ba là văn hóa, là hành trình theo dấu chân Bác, đưa chanh Nam Đàn với thương hiệu “Chanh Thiên Nhẫn” đến với các nước mà Bác đã từng đi; thứ tư đi đúng với định hướng, chủ trương trong Nghị quyết xây dựng Nông thôn mới của huyện, tỉnh và Nhà nước. Quy hoạch vùng nguyên liệu, chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế. Bản thân tôi đánh giá cao anh Hóa, là một thanh niên trẻ nhưng dám nghĩ, dám làm, rất trăn trở và nhiều tâm huyết, 06 tháng không có lương nhưng vẫn kết nối đội ngũ 09 thành viên trẻ, là những kỹ sư, tiến sỹ vẫn tâm huyết để cùng HTX đạt được những thành quả bước đầu như vậy…”.
Với những gì đã đạt được của HTX Chanh Nam Đàn và bản thân Giám đốc Đặng Văn Hoá, tôi cũng tin tưởng rằng, với khát vọng của tuổi trẻ trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tư tưởng, tấm gương của Người, sẽ luôn luôn đồng hành cùng Thương hiệu “Chanh Thiên Nhẫn” không những đi đến những nơi mà Bác đã từng đi mà còn lan toả khắp muôn nơi trên thế giới./.
Nguyễn Hồng Giang
Trung tâm Khuyến nông Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây