Nghệ An: Tăng cường các giải pháp thúc đẩy phát triển rừng nguyên liệu gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững
Thứ hai - 28/10/2024 21:031500
Nghệ An là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với tổng diện tích 1.648.649,52 ha, có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Tổng diện tích đất lâm nghiệp và rừng của tỉnh là 1.160.242,4 ha, chiếm tỷ lệ 71,6% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Diện tích đất có rừng là 961.774,37 ha (rừng tự nhiên 790.352,86 ha, rừng trồng 171.421,51 ha); rừng trồng chưa thành rừng là 57.013,87 ha, độ che phủ rừng đạt 58,33%. Rừng cung cấp nguyên liệu, tiềm năng cho các ngành sản xuất các loại hàng hóa từ lâm sản và dịch vụ môi trường, du lịch trên địa bàn. Tài nguyên rừng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mội trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cũng là tư liệu sản xuất tiềm năng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển Chính phủ đã phê duyệt một số chính sách hỗ trợ trong công tác bảo vệ, phát triển rừng như: Quyết định số 38/2016/QĐTTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp; Nghị đinh 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 20215 – 2020; Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã quan tâm hỗ trợ phát triển rừng nguyên liệu thông qua những chính sách như: Phê duyệt Đề án phát triển rừng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững gắn với chế biến gỗ chất lượng cao tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 1420/UBND-NN ngày 10/4/2017; Ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt tại Quyết định số 3560/QĐ-UBND ngày 01/11/2023; phê duyệt Quy hoạch phát triển rừng nguyên liệu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 3543/QĐ-UBND ngày 22/7/2016; Ban thường vụ tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 04/10/2021 về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021- 2025; Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 07/1/2022 về thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 04/10/2021; Nghị quyết số: 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 4288/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 về việc phê duyệt “Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 4661/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 về việc quy định định mức hỗ trợ thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ; Quyết định số 5239/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025. Sự kết nối doanh nghiệp trong phát triển gỗ nguyên liệu gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững Cùng với sự quan tâm với những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy của các Ban, Ngành cấp tỉnh, Ngành lâm nghiệp Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, độ che phủ rừng được duy trì ổn định trên 58%, công tác phát triển tài nguyên rừng đã tạo công ăn việc làm cho người dân Miền núi. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản trên địa bàn tỉnh tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 145,084 triệu USD, năm 2021 đạt 184,800 triệu USD; năm 2022 đạt 344 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2020-2022 đạt 702 triệu USD đạt 70% chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025. Theo số liệu từ Chi Cục Kiểm lâm Nghệ An, tính đến hết năm 2023, Công tác quản lý rừng bền vững tại Nghệ An đã xây dựng hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022- 2030 cho 22 tổ chức với tổng diện tích rừng được quản lý bền vững là 592.187,01 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24.691,91 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và FSC (Trong đó, rừng trồng 21.783,72 ha; rừng tự nhiên 2.908,106 ha). Ngoài ra, cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần gỗ BVN Thanh Chương đã và đang hỗ trợ phát triển tổ chức nhóm chứng chỉ rừng với việc thực hiện duy trì chứng chỉ hàng năm và mử rộng trên các địa bàn Xã/BQL Rừng phòng hộ của huyện Thanh Chương. Hiện tại nhóm đã hoàn thành hồ so đánh giá, có chứng chỉ rừng cho 6.298,71 ha và tính đến hết Quý III năm 2024 đã đánh giá được 4.200 ha. Dự kiến giai đoạn 2024-2026, nhóm sẽ phát triển gia tăng số lượng thành viên đến 5.000 hộ gia đình và diện tích rừng khoảng 17.000 ha tại huyện Thanh Chương sau đó tiến hành mở rộng sang địa bàn các huyện lân cận. Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu tại tỉnh Nghệ An vơi 28.800 ha rừng trồng tại 5 huyện. Hiện tại đã hỗ trợ xây dựng mô hình liết kết cấp chứng chỉ cho nhóm hộ thông qua các hoạt động giáo dục và nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực cho các chủ rừng, hợp tác cộng đồng và những quy định, tiêu chuẩn Quốc gia và Quốc Tế; hỗ trợ cây giống chất lượng cao, điều chỉnh và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu mua và cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Tính đến hết năm 2023 đã phát triển và hỗ trợ được 2.867 hộ dân với tổng diện tích nhóm tăng lên 7.728,789 ha.
Người dân chăm sóc, tỉa cành rừng keo nguyên liệu
Những khó khăn trong công tác triển khai quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng tại Nghệ An Với diện tích rừng và đất rừng lớn nhất cả nước, đòi hỏi lượng lượng và khả năng quản lý mạnh mẽ trước những hành vi khai thác rừng trái phép. Thực tế thì cuộc sống người dân sống gần rừng còn nhiều khó khăn, thiếu sinh kế ổn định, việc xâm hại, nạn phá rừng vẫn còn tại ở một số khu vực, đe doạ tính bền vững của rừng. Mặt khác, các tiêu chí yêu cầu về mặt kỹ thuật canh tác, kỹ thuật đánh giá, thẩm định, kinh phí và duy trì chứng chỉ rừng đòi hỏi rất nghiêm ngặt. Công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đòi hỏi nguồn tài chính đáng kể, hộ dân nhỏ lẻ, canh tác độc lập không đủ nguồn lực để tự triển khai thực hiện phương án, mà cần sự hỗ trợ liên kết của doanh nghiệp, của các chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực chứng chỉ rừng. Việc tiếp cận và nắm bắt thông tin các chính sách, quy định, tiêu chí quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đối với người dân vẫn còn rất khó khăn, nhận thức của các chủ rừng, các hộ dân về chứng chỉ rừng còn mơ hồ. Một số giải pháp thúc đẩy quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thông qua các cơ quan truyền thông, hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng gắn với các tiêu chí quản lý rừng bền vững. Đồng thời tuyên truyền, thúc đẩy tư duy kinh doanh bền vững, trong đó bảo vệ môi trường và duy trì quyền lợi kinh doanh. Thứ hai: Tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến lâm sản. Tiếp tục làm tốt công tác thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ và đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy thị trường gỗ có chứng chỉ phát triển mạnh mẽ. Thứ ba: Làm tốt công tác quản lý đất đai, theo dõi, kiểm tra việc sử dụng đất rừng. Đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, phân lô, ranh giới đất rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong công tác lập hồ sơ đánh giá quản lý rừng bền vững, đồng thời rà soát, đánh giá tính hiệu quả của các Dự án trồng rừng hiện có. Thứ tư: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng Khoa học công nghệ trong sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp, tăng cường kiểm soát các đơn vị sản xuất giống, đảm bảo chất lượng giống cho công tác trồng rừng. Tạo vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Thứ năm: Rà soát, hoàn thiện và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ gắn với mục tiêu trồng rừng thâm canh chất lượng cao để hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp; Các địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo, lồng ghép các chương trình hỗ trợ và gắn chỉ tiêu phát triển rừng bền vững với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở. Thứ sáu: Quy hoạch vùng và hoàn thiện các phương án trồng rừng nguyên liệu. Đẩy mạnh việc trồng rừng thâm canh nguyên liệu gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường, hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung, ổn định để đáp ứng nhu cầu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu./.
Trần Tý – Trung tâm Khuyến nông Nghệ An - nguồn TSKN