Quế Phong dồn nguồn lực bảo tồn, phát triển cây, con bản địa

Thứ hai - 26/08/2024 05:52 98 0
Vài năm lại đây, song song với tận dụng hiệu quả nguồn vốn từ Nghị quyết 18/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh để hỗ trợ các ngành nghề nông nghiệp và nông thôn, huyện Quế Phong mạnh dạn bố trí vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xóa đói, giảm nghèo dành cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg để bảo tồn và phát triển các cây, con bản địa.
Quế Phong dồn nguồn lực bảo tồn, phát triển cây, con bản địa
"Cây làm giàu" đất Quế
Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, huyện Quế Phong có nhiều loại cây đặc hữu, cho giá trị kinh tế cao, trong đó, phải kể đến là cây chè hoa vàng và cây quế Quỳ - được mệnh danh là "cây làm giàu". Trên những nẻo đường về với vùng đất Quế Phong, chúng tôi đã gặp nhiều cán bộ, người dân giàu tâm huyết với việc bảo tồn, phát triển các giống cây bản địa, ví như Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim Hà Minh Tuấn. Ngoại trừ giờ làm việc, thời gian rảnh rỗi hiếm hoi ông đều dành cho việc chăm sóc khu vườn của gia đình. Đó là nơi ông trồng thử nghiệm cây chè hoa vàng vốn rất “khó tính”, mọc tự nhiên ở một số địa phương. Ngoài ra, vườn của ông Tuấn còn trồng giống quế Quỳ bản địa vốn đang có nguy cơ mai một.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn đồi 2,5 ha của gia đình, ông Hà Minh Tuấn giới thiệu những cây chè hoa vàng đã cao lớn quá đầu người: “Hiện nay, việc khai thác và chế biến trà hoa vàng vẫn chủ yếu là từ các cây mọc tự nhiên, bởi cây này rất khó trồng. Tôi đã thử nghiệm trồng, chăm sóc cây chè hoa vàng hơn 4 năm nay nhưng rất nhiều cây bị chết, dần dà mới đúc rút được kinh nghiệm. Những cây phát triển cao lớn hiện bắt đầu cho thu hoạch hoa, có thể khẳng định cơ bản đã thành công trong việc trồng, nhân giống".
Với cây quế Quỳ, theo khảo sát, hiện địa bàn huyện còn khoảng 200 ha quế trưởng thành, nhưng sinh trưởng rải rác tại các xã, nhiều nhất là vùng rừng các xã Tiền Phong, Đồng Văn, Thông Thụ; số còn lại ở các xã Châu Kim, Châu Thôn, Hạnh Dịch… Trước nguy cơ mai một giống quế Quỳ nên từ năm 2023, trên cơ sở Đề án Bảo tồn, phát triển cây quế, huyện dành 400 triệu đồng từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia dành cho đồng bào dân tộc thiểu số để đặt sản xuất giống quế Quỳ.
Ông Phạm Hoàng Mai - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong chia sẻ: Giống quế ngoài thị trường nhiều nhưng không đảm bảo. Vì thế, huyện đặt vấn đề với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Lâm trường Quế Phong và một số cơ sở lớn lấy giống quế Quỳ đặt hàng sản xuất giống. Hiện tại, các vườn ươm trên đã được 5 tháng và dự kiến mùa trồng rừng tới, huyện sẽ nghiệm thu, đưa 50 vạn giống quế trên cơ sở đăng ký của các xã cấp cho bà con trồng, chăm sóc.
Mục tiêu của huyện Quế Phong là từng bước khôi phục lại vùng nguyên liệu quế; đồng thời, huyện cũng tìm hiểu, mời gọi, thu hút dự án đầu tư dây chuyền chế biến tinh dầu quế về địa bàn. Khác với trước đây, quế Quỳ bị đánh giá thấp vì chu kỳ khai thác dài, nay đã chứng minh là cây có giá trị kinh tế cao khi các sản phẩm từ lá, cành và nhất là vỏ, hay cuối cùng là thân cây đều được thu mua hết.
Theo một đại lý thu mua quế, vào mùa mưa, tỷ lệ nước cao nên giá quế rẻ, bình quân chỉ từ 35 - 40 ngàn đồng/kg vỏ tươi, lá quế giá 2 ngàn đồng/kg; những thời điểm khác, giá vỏ tươi đạt 50 ngàn đồng/kg và vỏ khô là 70 ngàn đồng/kg.
Ông Hà Minh Tuấn khẳng định: Quế Quỳ là cây làm giàu mà khó cây nào bì kịp. Hiện tại, nếu trồng phân tán, mỗi cây quế trưởng thành cho thu nhập thấp nhất là 1 triệu đồng/cây và cao nhất là 3-4 triệu đồng/cây. Vì thế, nếu trồng tập trung thì lợi ích hơn nhiều vì từ năm thứ 8 trở đi có thể khai thác lá và cành để bán hàng năm. Nếu mỗi ha trồng 2.000 cây quế, sau 8-10 năm khai thác thì thu nhập ít nhất 1,5 tỷ đồng và cao nhất khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Nhận thấy lợi thế này nên gần đây, không chỉ người dân huyện Quế Phong mà người dân một số xã của huyện Quỳ Châu đã tìm mua giống quế Quỳ về trồng trong vườn rừng.
Phát huy giá trị cây, con bản địa
Cùng với mô hình ươm, nhân rộng giống quế Quỳ, hiện huyện Quế Phong đang triển khai mô hình bảo tồn, nhân rộng giống lúa nếp Khau cày nọi tại một số địa phương ở các xã Tri Lễ, Châu Kim, Châu Thôn; nhân giống vịt bầu cổ ngắn Châu Thôn và một số địa phương khác.
Trong số các xã của huyện Quế Phong thì xã Tri Lễ là địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho sự phát triển về chất lượng của giống nếp Khau cày nọi và lúa Japonica. Ông Lữ Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, xã có 451 ha trồng lúa, chủ yếu là lúa đặc sản Japonica và nếp Khau cày nọi. Mỗi năm 2 vụ lúa, trước đây, người dân chỉ trồng để tự cung, tự cấp, song 3-4 năm trở lại nay, gạo Japonica và nếp Khau cày nọi thành đặc sản hàng hóa, đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân; giúp giữ người lao động gắn bó hơn với nông nghiệp.
Tại gia trại của anh Hoàng Văn Minh ở bản Na Tỳ, xã Châu Thôn, chúng tôi biết thông tin anh đã đã gây dựng thành công đàn vịt bầu cổ ngắn từ 100 con giống được huyện hỗ trợ vào cuối năm 2023. Đến nay, tổng đàn đã phát triển lên 520 con, trong đó, 70 con vịt trưởng thành và 300 con loại vừa. Từ thành công của mô hình của gia đình anh Minh, ông Hoàng Trung Cường - Chủ tịch UBND xã Châu Thôn cho hay: Bảo tồn giống vịt bầu đang là ưu tiên của xã. Hiện tại, gia đình anh Hoàng Văn Minh đang phát triển đàn theo hướng bán thịt thương phẩm, mỗi con chỉ có trọng lượng từ 1,2-1,5 kg nhưng giá cao đến 250 - 300 ngàn đồng/con. Tuy nhiên, về lâu dài, xã đang động viên chủ mô hình nâng cấp chuồng trại và đề xuất huyện hỗ trợ kinh phí để mua máy ấp giống. Hàng năm, chủ mô hình sẽ giữ lại những con vịt giống bố mẹ tốt, lấy trứng để ấp, nhằm phát triển đàn giống đủ chuẩn, sau đó xã sẽ mua lại cấp phát cho bà con. Ngoài mô hình trên, xã còn có mô hình nuôi nhím, ba ba gai sông Quàng - cũng là những vật nuôi bản địa đang làm hồ sơ để bảo tồn và phát triển nhân giống.
“Quế Phong là huyện miền núi cao nên việc phát triển các mô hình cây, con quy mô lớn rất khó và phải tính toán chi li, từ đầu tư ban đầu cho đến đầu ra sản phẩm. Vậy nên, huyện đã chọn hướng dồn nguồn lực để phục hồi và phát triển các cây, con bản địa trên cơ sở xác định vừa sức và khả thi. Hy vọng trong thời gian tới, nếu tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, các mô hình cây, con bản địa như trên sẽ được phát triển, nhân rộng để phục vụ nhu cầu người dân địa phương, đồng thời, giới thiệu được các sản vật quý địa phương, qua đó, tạo sức hút để du lịch cộng đồng phát triển”, ông Phan Trọng Dũng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong chia sẻ.
Nguyễn Hải – Báo Nghệ An - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
h2-6.jpg h8-12.jpg h7-1.jpg h3-13.jpg h1-5.jpg h4-9.jpg h2 h3-6.jpg h4-2.jpg h1 h1.jpg h4.jpg h16.jpg h6.jpg h17-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây