Thứ hai, 30/12/2024, 09:46

Trồng rừng kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả cao

Thứ hai - 29/01/2024 22:33 1.263 0
Trồng rừng kết hợp chăn nuôi đang là hướng được rất nhiều địa phương huyện miền núi Tân Kỳ lựa chọn để phát triển kinh tế. Nhờ tận dụng phát huy thế mạnh địa phương, mô hình đã mang lại hiệu quả cao giúp nhiều nông hộ trên địa bàn vươn lên làm giàu. Chị Đào Thị Hương ở khối 1 thị trấn Lạt- huyện Tân Kỳ là một hộ phát triển kinh tế như vậy.
Trồng rừng kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả cao
Chị Hương cho biết, gia đình chị có diện tích đất rừng khoảng 2 ha. Lúc đầu chị cũng giống như bao người dân trong làng trồng cây lấy gỗ, keo nguyên liệu phủ xanh đất rừng. Tuy nhiên thời gian từ lúc trồng cây lâm nghiệp cho đến khi thu hoạch khá lâu năm trong khi đất đai rộng rãi, nhân công rảnh rỗi,  bởi vậy chị tìm hiểu và quyết định xây dựng mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài. Rừng cây giúp tạo bóng mát cho vật nuôi, làm nơi chăn thả gà. Ngược lại phân của gà, lợn lại là nguồn cung cấp phân bón để trồng rừng. Những năm đầu, chị chỉ nuôi quy mô nhỏ vài trăm con gà / năm. Dần dần thấy hiệu quả mang lại khá nên chị đầu tư, cải tạo chuồng trại diện tích khoảng 300 m2 , tăng quy mô nuôi gà lên trên 3.000 con/năm, lợn 100-200 con/năm.
Để việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao, bên cạnh những kinh nghiệm tích lũy được, chị Hương còn tìm tòi tài liệu, tích cực tham gia học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn Khuyến nông, nông dân... Chính vì thế mà các việc từ khâu chọn giống, đến tiêm phòng bệnh, chăm sóc vật nuôi đều được chị thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Đối với gà, chị chọn nuôi giống gà ri lai, gà mía. Đây là giống gà chất lượng thịt ngon, mẫu mã đẹp, trọng lượng vừa phải dễ bán. Khi gà từ nhỏ đến 2 tháng tuổi cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn cám hỗn hợp. Sau giai đoạn đó chị cho ăn bổ sung thêm phụ phẩm nông nghiệp như ngô, lúa, cám gạo, chuối cây, rau xanh… kết hợp phương thức nuôi bán chăn thả ở vườn, rừng cho đến khi xuất chuồng. Gà chỉ thả vào những ngày thời tiết thuận lợi và bổ sung vitamin tăng sức đề kháng, tiêm phòng văc xin theo đúng quy trình nhờ đó giúp vật nuôi khỏe mạnh, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh. Bởi vậy chất lượng thịt gà săn chắc, thơm ngon, an toàn được thị trường ưa chuộng.
 
Đàn vật nuôi hộ chị Đào Thị Hương ở khối 1 thị trấn Lạt- huyện Tân Kỳ

Đối với nuôi lợn, chị Hương sử dụng giống lợn lai siêu nạc. Ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng tốt, cung cấp thức ăn, nước uông đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng, chị Hương còn bổ sung thêm chế phẩm vi sinh cho lợn ăn. giúp lợn tiêu hóa tốt, nhanh lớn, hạn chế mùi hôi. Khâu vệ sinh phòng bệnh cũng được chị Đào Thị Hương đặc biệt chú trọng, đảm bảo nuôi an toàn sinh học, hạn chế người lạ ra vào khu vực chăn nuôi. Khu chuồng nuôi luôn thông thoáng, định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng, tuân thủ lịch phòng bệnh bằng vắc xin đầy đủ cho đàn lợn. Chị còn xây hầm bioga để xử lý chất thải chăn nuôi, giúp bảo vệ môi trường và hạn chế dịch bệnh.
Đến lứa xuất chuồng, phần lớn được thương lái và khách quen đến thu mua, với giá gà từ 80.000 - 100.000 đồng/kg x 2 - 2,5 kg/con, lợn từ 50.000 - 60.000 đ/kg x 80 kg/con, tùy từng thời điểm giá có thể dao động lên xuống. Bình quân mỗi năm chị thu nhập từ bán gà được 520-850 triệu, bán lợn 40- 100 triệu đồng. Ngoài ra chị cũng có thêm thu nhập từ bán keo nguyên liệu, mỗi ha keo sau 4 năm sẽ xuất bán. Năm nay chị vừa thu hoạch keo với giá 60-70 triệu đồng/ha. Hiện chị đã trồng và chăm sóc lứa keo mới.
Chị Hương chia sẻ: “Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lao động của bản thân tôi và gia đình. Muốn xây dựng mô hình kinh tế thành công, trước hết phải chọn hướng đi đúng, phù hợp với khả năng và quan trọng là phải kiên trì, chịu khó, biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; không ngừng học hỏi kết hợp giữa kinh nghiệm với áp dụng khoa học kỹ thuật”.
Chị Nguyễn Thu Hằng- cán bộ nông nghiệp thị trấn Lạt cho biết: Chị Hương không những làm kinh tế giỏi, chị còn là chi hội trưởng nông dân của khối 1 nhiệt tình, trách nhiệm. Chị còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn vật nuôi, xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh vật nuôi cho hội viên cùng nhau phát triển kinh tế.
Với sự chăm chỉ, chịu khó, chị Đào Thị Hương ở khối 1 thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ đã phát triển mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi an toàn hiệu quả để vươn lên phát triển kinh tế. Chị xứng đáng là chi hội trưởng hội nông dân mẫu mực của khối, là tấm gương để nông dân xung quanh học hỏi làm theo.
Kim Dung - Nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a1-16.jpg a15-12.jpg a4-17.jpg a20-1.jpg a19-1.jpg a5-14.jpg a18-8.jpg a2-14.jpg a17-10.jpg a06-2.jpg a07-1.jpg a09.jpg a02.jpg a08-3.jpg a01-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây