Hiệu quả từ mô hình trồng khoai tây vụ đông trên đất bãi ở Diễn Châu

Thứ ba - 15/03/2022 23:30 576 0
Vài năm lại đây, cây khoai bao gồm khoai tây và khoang lang đã trở thành 1 trong những cây trồng vụ đông đầy triển vọng ở Nghệ An. Chính vì thể, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp &PTNT, UBND tỉnh đã trích ngân sách  2,5 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương mua giống, trong đó có giống khoai Tây cho bà con. Nhờ vậy, bước đầu đã khơi dậy được phong trào làm vụ đông…
Hiệu quả từ mô hình trồng khoai tây vụ đông trên đất bãi ở Diễn Châu
Hiệu ứng tích cực từ cây khoai tây tại Diễn Châu
Về xóm Hùng Nghĩa, xã Diễn Hùng, một trong những xóm đi đầu trong đưa cây khoai tây về đất màu ven biển. Hiện tại toàn xã có 21 ha cây khoai tây. Đang tranh thủ xới lại đất cho luống khoai tây nhưng ông Nguyễn Văn Tân, xóm 11 cũng vui vẻ trao đổi: ngoại trừ phân bón hữu cơ do các hộ tự túc, toàn vật tư, phân bón giống đều do đơn vị cung cấp, sản phẩm làm ra được bao tiêu sản phẩm nên gia đình mạnh dành 200 m2 làm thử. Cây khoai tây gia đình đã xuống giống được gần 1 tháng và phát triển rất tốt, nếu mọi việc suôn sẻ thì sát hoặc ra tết sẽ thu hoạch. Nếu hiệu quả thì sang năm sẽ dành 2 sào đất cát để làm khoai tây.
Cũng theo ông Tân, xóm 11 của ông làm khoai tây đang thận trọng nhưng xóm Hùng Nghĩa làm mạnh hơn, cả xóm có hàng trăm hộ làm và diện tích đã lên tới hàng chục ha. Quả thật, qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, cùng với cây lạc thì cây khoai tây đã trở thành cây vụ đông chủ lực của người dân nơi đây. Sở dĩ cây khoai tây được người dân ưa chuộng làm vụ đông vì đầu ra khá đảm bảo, sản phẩm làm ra được các đơn vị là Công ty Orion bao tiêu sản phẩm hết, trong đó một phần để làm giống và dùng để sản xuất bánh bim bim cho trẻ con.
Ngoài xã Diễn Hùng, trước đó, từ năm 2019, thông qua kết nối của Sở Khoa học & Công nghệ Nghệ An, một đơn vị cũng đã cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho cây khoai tây cho bà con nên lần đầu tiên cây khoai tây đã được đưa vào trồng ở xã Diễn Phong (Diễn Châu). Chỉ sau hơn 3 tháng trồng, kết quả mỹ mãn khi năng suất khoai tây đạt bình quân 1,2 tấn/sào. Với giá bán bình quân 6.000 - 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi sào khoai tây cho lãi ròng 4 triệu đồng.
Đại diện Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Diễn Châu cho biết: mô hình sản xuất cây khoai tây là điển hình của mô hình liên kết 3 nhà nông dân, nhà nước và nhà doanh nghiệp. Sau khi mô hình doanh nghiệp hỗ trợ giống và bao tiêu sản phẩm khoai tây thành công, huyện đề xuất với Sở Nông nghiệp & PTNT và bổ sung chính sách hỗ trợ giống khoai tây. Khoai tây trồng tại Diễn Châu có 2 loại là khoai tây trắng và khoai tây vàng, nông dân trồng loại nào đều được các đơn vị bao tiêu thu mua, ngoài 1 phần dành để làm giống thì đều được chế biến làm bánh….
Từ một cây trồng mới vào địa bàn Diễn Châu cách đây 3 năm cho thấy dù là khoai tây trắng hay khoai tây vàng đều phù hợp với đất màu vùng ven biển. Vì vậy, chỉ từ vài chục khoai tây tại Diễn Phong được một doanh nghiệp hỗ trợ giống và bao tiêu sản phẩm. Đến nay, Diễn Châu đã diện tích trồng khoai tây lên tới 160 ha, chiếm gần hơn 1 nửa diện tích khoai tây vụ đông của tỉnh. Hiện nay, Diễn Phong trồng nhiều nhất với khoảng 100 ha, tiếp đó là Diễn Hùng gần 21 ha và còn lại là các xã như Diễn Hồng, Diễn An, Diễn Trung, Diễn Thịnh… từ 5-7 ha/xã.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Duy Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: khoai tây là cây vụ đông ngắn ngày và đầu ra ổn nhất, phù hợp với vụ đông các tỉnh có khí hậu lạnh như Nghệ An, ít bị chuột bọ phá hoại. Tiềm năng phát triển khoai tây tại Nghệ An lớn nhưng vì nhiều lý do, trong đó lớn nhất là giống đắt nên không thể nhân rộng được. Thời điểm cao nhất tỉnh có trên 1.000 và nay chỉ trên dưới 500 ha. Thời gian gần đây, nhờ có sự vào cuộc, liên kết của một số doanh nghiệp nên cây khoai tây mới được du nhập trở lại và mở rộng ra tại Diễn Châu.
Đến những băn khoăn trăn trở về giá giống ?
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, cây khoai tây, nhất là khoai tây vàng là cây trồng xứ lạnh đã được làm vụ đông ở tỉnh ta khá sớm. Ưu điểm của sản phảm khoai tây là không lo về đầu ra và sản phẩm làm ra có thể bảo quản đơn giản cũng lâu. Thành phẩm khoai tây thể dùng cho nhiều mục đích, chế biến ăn uống cũng được và bán để chế biến làm các loại bánh, mỳ tôm cũng tốt. Chính vì vậy đầu ra luôn được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Chính vì thế, những năm trước đây bà con một số huyện như Nam Đàn, Quỳnh Lưu hay Nghĩa Đàn đã trồng và có thời điểm diện tích lên tới hàng ngàn ha. Thế nhưng, khi quy mô sản xuất khá lớn, sản lượng nhiều thì đầu ra bế tác, giá bán thấp. Nghịch lý ở chỗ, giá thành phẩm thì rẻ nhưng giống khá đắt nên bà con chưa mặn mà để mở rộng diện tích. Ông Phan Duy Hải- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết thêm: trước đây, người dân vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên khá hào hứng nhưng sau vài năm xuống giống bị mưa lụt, gây thiệt hại, do giống khoai tây khá đắt nên không còn hào hứng nữa.
Một ví dụ đơn giản, hiện nay khoai tây bà con sản xuất bán cho doanh nghiệp với giá 6.000 -7.000 đồng/kg nhưng các doanh nghiệp giá giống từ 21 đến 26.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần. Để trồng một 1 sào khoai tây, theo các kỹ sư cần tới 80 kg giống tương đường 2 triệu đồng. Vì vậy, nếu không được nhà nước hoặc doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp giống thì không nhiều nông dân muốn làm.
Trong khi giống khá đắt nhưng chính sách hỗ trợ của tỉnh gần như mới chỉ ở động viên. Đơn cử, từ nguồn hỗ trợ 2,5 tỷ đồng mua giống vụ đông năm 2021 của tỉnh, huyện Diễn Châu được phân bổ 267,7 triệu đồng. Do cần ưu tiên nên Diễn Châu dồn kinh phí trên hỗ trợ cây khoai tây. Tuy vậy, với 160 ha khoai tây, người dân chỉ được hỗ trợ chưa đến 2 triệu/sào trong khi tối thiểu phải là 5 triệu/sào.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt trong liên kết “4 nhà” sản xuất- bao tiêu khoai tây niên vụ 2019 tại Diễn Châu. Lý do là do thấy giá giống khoai tây đắt nên một số nông dân đã “tỉa bớt” củ trong luống để bán hoặc giữa làm giống khiến sản lượng thu hoạch giảm so với tính toán khiến doanh nghiệp lâm vào thế khó vì trước đó, theo thỏa thuận, doanh nghiệp hỗ trợ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên doanh nghiệp ký hợp đồng vận tải và sản lượng với bên chế biến.
Mặt khác, theo các nông dân, trồng khoai tây yêu cầu làm đất trồng khá kỹ, cây khoai tây mẫn cảm với điều kiện thời tiết như khô hạn, sương mù, sương muối nên phải thường xuyên tưới nước để giảm hiện tượng lũn thân và cháy lá ảnh hưởng đến củ. Đại diện Phòng Nông nghiệp Diễn Châu cho biết: diện tích trồng khoai tây do doanh nghiệp như ở Diễn Phong, Diễn Hùng đều được hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nhưng với các xã còn lại, để mở rộng, bà con đặc biệt lưu ý đến đều này. Khi xuất hiện sâu rầy trên lá, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông và bảo vệ thực vật cần hướng dẫn bà còn sử dụng các thuốc để xử lý rầy trên lá.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, cũng là cây khoai nhưng khoai lang vàng trồng vụ đông ở Diễn Châu hiện nay khá hiệu quả, với sản lượng bình quân 1,5 tấn/sào và giá từ 11.000 -12.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với khoai tây và lúa nên bà con Diễn Châu cũng đang tích cực trồng. Tuy vậy, nếu trồng quy mô lớn thì đầu ra rất khó.
Từ thực tế triển khai khoai vụ đông trên đất màu, huyện Diễn Châu kiến nghị tỉnh cần ưu tiên kêu gọi thu hút dự án đầu tư nhà máy chế biến khoai nói chung và khoai tây cho bà con; đồng thời có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu đủ lớn cho nhà máy; từng bước chủ động nghiên cứu để sản xuất khoai tây giống nhằm giảm giá cho bà con. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng khoai tây vụ đông trên vùng đất màu, tỉnh cần xem xét có chính sách cách nâng mức hỗ trợ lên 5 triệu/ha cho khoai tây; địa phương nào trồng nhiều theo quy hoạch thì tăng mức hỗ trợ lên thay vì hỗ trợ cào bằng cho tất cả các huyện, không phân biệt cây trồng nào ưu tiên như hiện nay.
Mặt khác, từ thực hiện chỉ đạo các cây trồng khác, mặc dù trước mắt khoai tây phù hợp nhưng phải sớm có định hướng khuyến cáo bà con nông dân, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sản xuất cây nào phải an toàn và ăn chắc; chỉ mở rộng diện tích trồng khoai tây theo kế hoạch và hợp đồng liên kết đảm bảo đầu ra; giữ vững cơ cấu các cây trồng vụ đông khác như khoai lang, lạc, ngô để không lặp lại tình trạng “được mùa rớt giá” hoặc khi thuận lợi thì đổ xô vào trồng, phá vỡ quỹ hoạch nhưng khi ế ẩm, giá không được thì sẵn sàng chặt bỏ.  

 

Nguyễn Hải
                                                                               Báo Nghệ An - Nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây