Một số biện pháp kỹ thuật phòng trừ chuột, ốc bươu vàng và cỏ dại trên lúavụ Xuân năm 2022

Chủ nhật - 20/02/2022 20:54 1.053 0
Vụ Xuân được xem là vụ sản xuất chính, quyết định mục tiêu sản lượng lương thực cả năm. Năm 2022, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy trên 91.000 ha lúa Xuân. Để đảm bảo sản xuất thắng lợi thì ngoài thực hiện tốt các khâu như giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc thì việc phòng trừ dịch hại là yếu tố giữ vai trò rất quan trọng.
Một số biện pháp kỹ thuật phòng trừ chuột, ốc bươu vàng và cỏ dại trên lúavụ Xuân năm 2022
Trong các dịch hại chính trên lúa vụ Xuân thì Chuột, ốc buơu vàng và cỏ dại là những đối tượng có thể gây ra thiệt hại lớn, đặc biệt ngay từ thời kỳ đầu vụ.Ở vụ lúa Xuân 2021, toàn tỉnh đã có trên 1.338 ha bị chuột gây hại nặng, 1.067 ha nhiễm ốc bươu vàng. Ngoài chuột, ốc bươu vàng thì cỏ dại là đối tượng làm giảm đáng kể năng suất cây trồng do cạnh tranh về ánh sáng, nước và dinh dưỡng; đồng thời là ký chủ trung gian của sâu, bệnh hại. Để chủ động phòng trừ hiệu quả các đối tượng trên ngay từ thời kỳ đầu vụ, các địa phương, bà con nông dân cần tập trung chú ý thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Các biện pháp kỹ thuật diệt chuột
- Biện pháp canh tác: Trước khi gieo trồng các địa phương cần tập trung tuyên truyền nông dân thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng, làm sạch cỏ ven bờ, phát quang bờ bụi, tìm phá các hang ổ chuột kết hợp với việc tổ chức diệt chuột đồng loạt ngay rừ đầu vụ. Dùng nilon để che phủ mạ để vừa chống rét đồng thời ngăn ngừa chuột gây hại.
- Biện pháp thủ công và sinh học diệt chuột: Phát động các đợt bắt diệt chuột trên diện rộng vào thời kỳ làm đất, lấy nước vào ruộng và duy trì thường xuyên trong suốt vụ sản xuất bằng các biện pháp như: Đào bắt chuột, hun khói, đổ nước để bắt chuột,... Dùng các loại bẫy kẹp vạn năng, bẫy bán nguyệt bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính.... soi đèn để vợt bắt vào ban đêm. Ngoài ra cần tuyên truyền, khuyến khích nông dân tăng cường bảo vệ, phát triển đàn mèo, bảo vệ các thiên địch tự nhiên của chuột như rắn, chim cú mèo,...
- Biện pháp hóa học diệt chuột: Chỉ sử dụng các thuốc diệt chuột trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được pháp sử dụng tại Việt Nam, trong đó ưu tiên lựa chọn các thuốc ít độc với người, vật nuôi, môi trường như các thuốc có hoạt chấtBrodifacoum, Bromadiolone, Flocoumafen, Coumatetralyl, Diphacinone,...để diệt chuột. Đối với những loại thuốc dùng để trộn với mồi để thả: Sử dụng thóc luộc, thóc mầm, ngô mầm hoặc các thức ăn ưa thích khác của chuột để trộn đều với thuốc thành bả theo liều lượng khuyến cáo; đặt bả ở khu vực bờ vùng, bờ thửa, mương máng, các vùng cồn vệ, nghĩa trang, công trình thủy lợi,.... những nơi có mật độ chuột cao.
Lưu ý trong sử dụng thuốc diệt chuột: Khi sử dụng thuốc hóa học diệt chuột phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Sử dụng thuốc phải có dụng cụ bảo hộ lao động, cắm biển cảnh báo khu vực đặt bả, thông báo thời gian đặt bả để nhân dân chủ động bảo vệ gia súc, gia cầm và các động vật máu nóng. Hàng ngày thu gom xác chuột để đốt tiêu huỷ hoặc chôn xa khu dân cư, nguồn nước sinh hoạt. Khi chôn rắc vôi xuống phía dưới và phía trên rồi lấp đất nén chặt.Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, dùng điện hay các biện pháp gây nguy hiểm cho người và vật nuôi để diệt chuột.
2. Các biện pháp kỹ thuật phòng trừ ốc bươu vàng
- Biện pháp thủ công: Tạo các rãnh nhỏ xung quanh ruộng, khi tháo nước, ốc tập trung xuống rãnh để thu gom. Cắm que cọc rải rác trong ruộng để ốc leo lên đẻ trứng sau đó thu trứng. Dùng lưới mắt cáo bằng kim loại, lưới nilon có lỗ nhỏ chặn cống dẫn nước vào ruộng để ngăn ốc từ bên ngoài xâm nhập.
- Biện pháp dùng thuốc hóa học:Thuốc trừ ốc bươu vàng độc đối với động vật thủy sinh do đó chỉ sử dụng khi mật độ ốc cao, ốc tuổi nhỏ không thể bắt bằng tay. Khi sử dụng thuốc hóa học cần đắp bờ không để nước trong ruộng chảy ra mương máng trong ít nhất 3 ngày. Không sử dụng thuốc gần khu vực nuôi trồng thủy sản. Sử dụng các thuốc như: Metaldehyde (Boxer 15GR, Anhead 12 GR, Bolis 12GB,...), Metaldehyde + Niclosamide (Starpumper800WP,...)
3. Các biện pháp kỹ thuật phòng trừ cỏ dại
- Biện pháp thủ công:Cày bừa, làm đất kỹ, thu dọn hết cỏ dại, san phẳng mặt ruộng ruộng. Kết hợp bón thúc lần 1 với làm cỏ sục bùn. Giữ mực nước trong ruộng từ sau khi đến đẻ nhánh đểhạn chế cỏ dại.
- Biện pháp dùng thuốc hoá học
+ Lựa chọn thuốc: Lựa chọn sử dụng thuốc trừ cỏ có hiệu lực và tính chọn lọc cao, ít độc hại với người và môi trường. Không sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng. Đối với lúa sạ sử dụng các loại thuốc nhóm tiền nảy mầm có chất an toàn. Đối với lúa cấy sử dụng các loại thuốc tiền nảy mầm và hậu nảy mầm sớm.
+ Các thuốc tiền nảy mầm (sử dụng sau gieo 1 – 4 ngày): Các hoạt chất Pretilachlor + CAT (Sofit 300EC, Prefit 300EC, 342 WP,...), Butachlor + CAT (Meco 60 EC, Heco 600 EC,...),...
+ Nhóm hậu nảy mầm sớm (sử dụng sau gieo cấy 5 – 10 ngày): Các hoạt chất Cyhalofop-butyl + Penoxsulam (Topshot 60 OD, Anstrong plus 60 OD,...), Propisochlor (Fenrim 18.5WP), Ethoxysulfuron (Sunrice 15 WG, Sunrice super 13.75 WG,...), Fenoxaprop-P-Ethyl (Whip’S 6.9 EC, Wipnix7.5 EW,...),...
+ Nhóm hậu nảy mầm muộn (sử dụng sau gieo cấy 15 – 20 ngày): Các hoạt chất Cyhalofop-butyl (Clincher10 EC, Linhtrơ 200EW, Anstrong 10EC,...), Quinclorac (Facet 25 SC, Ankill A 40WP, ), Cyhalofop butyl + Quinclorac (Pitagor 550WP,...), Bentazone (Basagran 480 SL, ...),...
+Phương pháp sử dụng: Sử dụng thuốc đúng nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn, không tự ý tăng hay giảm liều lượng. Sau khi phun thuốc cần giữ đủ ẩm đối với lúa gieo thẳng và giữ mực nước đều từ 1 - 3 cm trong 3 - 5 ngày đối với lúa cấy để tăng hiệu lực trừ cỏ, không được để ruộng khô hoặc ngập úng gây chết lúa. Không phun thuốc trừ cỏ khi mực nước trong ruộng ngập đỉnh sinh trưởng của lúa, không phun thuốc vào lúc có mưa, gió lớn.  Không phun chồng lối bởi dễ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây lúa. Thuốc trừ cỏ rất dễ gây ngộ độc cây trồng nên hạn chế sử dụng thuốc, không lạm dụng thuốc trừ cỏ để diệt cỏ trên bờ ruộng, ven đường tránh ảnh hưởng đến cây trồng, môi trường và con người.
Lưu ý: Đối với ruộng có nhiều cỏ đuôi phụng cần ưu tiên sử dụng thuốc có hoạt chất Cyhalofop-butyl (Linhtrơ 200EW, Anstrong 10EC, Clincher10 EC, Pitago 550WP…); Những ruộng có nhiều cỏ lồng vực ưu tiên sử dụng thuốc có hoạt chất Quinclorac (Ankill A 40WP, Pitagor 550WP, Facet 25 SC...). Ruộng nhiều cỏ chác, lác sử dụng thuốc có hoạt chất Bentazone (Basagran 480 SL, ...).
Trịnh Thạch Lam – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
IMG-8363-3.jpg IMG-2168.jpg z5175174958158-bb2526c428da909419d8a2caefc39251-1-7.jpg Ong-Nguyen-Cuong-kiem-tra-tom-trong-be-cong-nghe-cao-theo-qu IMG-0392-9.jpg 20240106-101045-4.jpg a2-3.jpg z5006794703446-4905d71d69db129c098d64ed093a43e8.jpg IMG-4626.jpg rrrr.jpg ga.jpg Vuon-cam-duoc-cham-soc-theo-quy-trinh-huu-co-nen-kha-sach-be z4984936786801-2d432b8802aaa72bce7a1cbefd82e73a.jpg IMG-1378.jpg Mo-hinh-cham-soc-bao-ve-theo-quy-trinh-huu-co-cua-ong-Bui-Va
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây