Khuyến nông hỗ trợ người nghèo: Cách làm mới, hiệu quả thiết thực.
Chủ nhật - 04/08/2019 23:041.0470
Nhằm tạo thêm kênh giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tham mưu cho tỉnh ban hành Quyết định 3736/QĐ-UBND ngày 25/8/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện các mô hình khuyến nông phục vụ người nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020 nhằm hỗ trợ vật tư, con giống gắn với hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Cách làm mới này, sau gần 4 năm thực hiện bước đầu các mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo niềm tin, hy vọng vươn lên thoát nghèo cho hộ nông dân.
Những mô hình cụ thể và sống động
Chị Lang Văn Sen (40 tuổi) ở xóm 5, xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) không may chồng bị bệnh hiểm nghèo mất sớm nên đã nghèo lại càng bi đát hơn. Tháng 6 năm 2018, chị Sen được xóm và xã tạo điều kiện đưa vào danh sách 1 trong 5 hộ nhận hỗ trợ là cặp bê giống của khuyến nông tỉnh. Khi biết chắc mình thuộc diện được hỗ trợ không chỉ 1 mà 2 con bê giống, mỗi con trị giá 15 triệu đồng thì chị Sen mừng vô kể. Lúc đó, dù túng thiếu nhưng chị vay mượn và nhờ anh em sửa lại chuồng nuôi đảm bảo, nhận khoán 500 m2 đất bãi trồng cỏ. Chị Sen cho hay: không giống các chương trình trước đó, từng nhận con giống nhưng thất bại, lần này, sau khi nhận bê về, gia đình được cán bộ khuyến nông xã và huyện thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nên rất yên tâm. Từ khi có bê giống, hàng ngày ngoài thời gian làm ruộng, chị tranh thủ khi thì cắt cỏ, khi thi dắt cặp bê ra đồng. Nhờ chăm sóc tốt, sau 1 năm bê (giống laisind) có trong lượng từ 130 kg đã tăng gấp đôi, trong đó 1 con đã mang thai 3 tháng. Với đà này, chỉ sau 2 năm nữa, gia đình chị sẽ thoát nghèo.
Tiếp theo là gia đình anh Lang Văn Nghĩa ở xóm 4, xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn). Cũng như 4 hộ còn lại ở xã, bằng kinh nghiệm của mình, anh Nghĩa chọn nuôi 1 cặp ghé (trâu) giống. Theo anh Nghĩa, nuôi nghé tuy lâu lớn hơn nhưng giá ổn định và lâu dài có thể cày cấy. Từ ngày được giao nghé, không khí gia đình vui vẻ hẳn. Ngoài thời gian làm đồng và làm thợ, thời gian rảnh, vợ tranh thủ cắt cỏ và dắt nghé ra đồng. Từ hộ nghèo năm 2017, đến năm 2019 gia đình anh Nghĩa đã trở thành hộ cận nghèo và sang năm sẽ thoát nghèo bền vững.
Ngoài 2 trường hợp trên còn có gia đình ông Trương Văn Đông xã Tân Xuân (Tân Kỳ) cũng chọn con nuôi mới nhưng hiệu quả bất ngờ. Thay vì hỗ trợ bê và nghé, ông Đông đề xuất và được Trung tâm khuyến nông hỗ trợ 8 con dê cái và 1 con dê đực. Ông Đông cho biết: ban đầu khi xin hỗ trợ giống dê là con nuôi mới nên khá lo lắng. Thế nhưng, nhờ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn và gia đình cũng chăm nên đàn phát dê phát triển nhanh, từ 8 con nay đã lên 35 con. Đây là cơ sở để khuyến nông mạnh dạn chọn các cây, con giống phù hợp với từng địa phương.
Khuyến nông đồng hành góp phần đảm bảo mô hình bền vững
Sau khi đưa chúng tôi khảo sát các mô hình hỗ trợ ở xã Nghĩa Đức, Kỹ sư Hà Văn Năng, cán bộ khuyến nông huyện Nghĩa Đàn sau cho biết: từ khi có chương trình này, khuyến nông viên bận hơn vì phải dành thời gian để hướng dẫn, hỗ trợ bà con. Hiện nay, do bà con được hỗ trợ con giống đều là hộ nghèo nên kiến thức chăn nuôi hạn chế. Thời gian đầu mới bàn giao, do thay đổi môi trường và thức ăn nên gia súc thường bị bệnh tiêu chảy. Được sự tư vấn của huyện nông và xã nên gia súc được tiêm kịp thời nên khỏi bệnh nên bà con cũng yên tâm.
Ông Cao Xuân Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh chia sẻ: hàng năm trên cơ sở đánh giá kết quả triển và tham vấn ý kiến cộng đồng, người dân, … Sau gần 4 năm triển khai, bình quân mỗi năm mô hình khuyến nông người nghèo được bố trí gần 1 tỷ đồng để giúp đỡ từ 4- 5 huyện/thị, mỗi huyện/thị có 5 hộ nghèo tham gia. Cụ thể, đến nay chương trình đã hỗ trợ 80 hộ nghèo tại 15 huyện/thị với 110 con bê lai, 10 con nghé, 45 con dê, hơn 3 ha cỏ VA 06 và một số vật tư khác được giao. Năm 2016 triển khai tại 6 huyện là Tân Kỳ, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Con Cuông và Thanh Chương; năm 2017 có 2 huyện là Hưng Nguyên và Đô Lương; năm 2018 có 4 huyện là Tương Dương, Anh Sơn, Thị xã Hoàng Mai và Nghĩa Đàn. Năm 2019 này, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ thức ăn cho các hộ nuôi năm thứ 2 thì khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai ở 4 huyện Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn và Nghi Lộc với 16 hộ tham gia, đặc biệt huyện Kỳ Sơn các hộ nghèo sẽ thực hiện trồng cây Bo bo dưới tán rừng 10 ha (2 ha/hộ) .
Nhờ chương trình, tính đến cuối năm 2018 (sau 3 năm) đã có 20/60 hộ đã thoát nghèo chiếm 33,33% và 7/60 hộ cận nghèo chiếm 12 %, các hộ khác dự kiến sẽ thoát nghèo năm 2019. Bên cạnh những thuận lợi trên, từ thực tế tìm hiểu chúng tôi nhận thấy chương trình vẫn còn một số khó khăn, bất cập.
Bất cập đầu tiên là kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt của người nghèo: mặc dù được hỗ trợ sát sao của cán bộ khuyến nông nhưng do nông dân chưa có kinh nghiệm về chăm sóc nên vẫn còn tình trạng một vài con giống bị bệnh nhưng phát hiện muộn nên bị chết. Quá trình nuôi, chế độ ăn chưa hợp lý nên gia súc thường bị tiêu chảy hoặc chậm lớn; một số hộ do thiếu kinh nghiệm nhận biết thời kỳ động dục của gia súc làm ảnh hưởng đến khả năng sinh đàn.
Ông Cao Trí Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đức chia sẻ: hộ nghèo cần vốn nhưng quan trọng nhất là vẫn là kiến thức chăm sóc. Từ thực tế giúp đỡ 2 hộ ở xóm Nung, hộ nghèo được chọn nhưng thiếu đủ thứ, cán bộ khuyến nông và phải hướng dẫn cụ thể, từ làm chuồng nuôi đến đến cách cho gia súc ăn thì mới giữ được 10/10 con giống như hôm nay. Vì vậy, cùng với hỗ trợ con giống, các chương trình cần hỗ trợ bà con về chăm sóc như cách làm của khuyến nông thì mới bền vững.
Bất cập tiếp theo là chưa thu hút được nguồn lực xã hội vào chương trình. Mục tiêu ban đầu của chương trình này là “kích cầu” và thống qua hỗ trợ của nhà nước để truyền thông mô hình để kêu gọi huy động nguồn lực xã hội hóa cho chương trình. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa tích cực tham gia đối ứng và huy động xã hội hóa chưa có nên hiện tại nguồn lực hỗ trợ chủ yếu là ngân sách tỉnh. Vì vậy, thay vì mục tiêu hỗ trợ 40 hộ/năm thì chương trình mới hỗ trợ được 20 hộ/năm.
Đây là cách làm mới, hiệu quả bước đầu khá rõ; cái quan trong nhất thông qua chương trình, khuyến nông hỗ trợ, giúp đỡ được hộ nông dân nghèo về kiến thức chăm sóc cây trồng vật nuôi qua đó phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Ông Cao Xuân Tuấn –Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết thêm: hiện nay, khuyến nông tỉnh đang đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí để triển khai mô hình tại các địa phương khác và hỗ trợ có tính dài hạn hơn, có thể 3 năm/1 mô hình để có cơ sở đánh giá hiệu quả rõ nét hơn nhằm khuyến cáo cho các hộ nông dân nghèo. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi các địa phương và xã hội hóa đóng góp thêm để có thêm nguồn lực để khuyến nông triển khai nhân rộng mô hình hỗ trợ trong thời gian tới./. Nguyễn Hải
Báo Nghệ An - nguồn TSKN