Thứ tư, 13/11/2024, 07:24

Cần chăm sóc tốt lợn nái sắp sinh và sau khi sinh

Thứ ba - 23/04/2019 21:55 15.779 0
Trong chăn nuôi lợn nái việc chọn tạo đàn lợn mẹ có chất lượng là yếu tố rất quan trọng quyết định đến thành công của người chăn nuôi. Quy trình này phải trải qua nhiều giai đoạn nuôi khác nhau; từ khâu chọn lý lịch, nguồn gốc con giống; chọn lợn cái sau cai sữa đến lợn cái hậu bị và chọn trong quá trình sinh sản.
Cần chăm sóc tốt lợn nái sắp sinh và sau khi sinh
Vì vậy để khai thác tối đa khả năng sinh sản của những con nái tốt đã được chọn nuôi và giảm tỷ lệ loại thải đàn sớm thì người chăn nuôi cần làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đàn nái, trong đó cần chú ý khoảng thời gian lợn nái sắp sinh và sau khi sinh con:
*Chăm sóc lợn nái sắp sinh
- Trước khi đưa lợn nái vào chuồng sinh người chăn nuôi cần vệ sinh sạch sẽ và khử trùng toàn bộ nền chuồng, ô chuồng, sàn chuồng, thành chuồng lợn nái bằng nước vôi (pha loãng 20%) hoặc sử dụng chất khử trùng và nên  để trống chuồng tối thiểu khoảng 7 ngày trước khi chuyển lợn nái vào nuôi.
- Khoảng 5 - 7 ngày trước khi lợn sinh cần tắm rửa lợn nái sạch sẽ, lau sạch bầu vú và âm hộ nhằm tránh nguy cơ lợn con sơ sinh bị nhiễm khuẩn do tiếp xúc với lợn mẹ rồi chuyển vào chuồng sinh; kết hợp hàng ngày xoa bóp bầu vú cho lợn nái và bắt đầu chuyển dần cho lợn nái ăn thức ăn dành cho lợn nái nuôi con nhằm giúp lợn nái quen với thức ăn mới.
- Trước khi lợn nái sinh từ  3 – 5 ngày (tùy thể trạng) cần giảm khẩu phần thức ăn xuống còn 1,0 - 1,5 kg/con/ngày. Ngày lợn sinh có thể cho lợn mẹ uống nước sạch có pha thêm muối, ngày đầu sau sinh thường cho ăn cháo, hoặc cho ăn thức ăn hỗn hợp với số lượng ít (tránh viêm vú), sau đó cho ăn theo khẩu phần dành cho nái tiết sữa nuôi con.
*Chăm sóc lợn nái trong khi sinh
- Khi lợn nái đến ngày đẻ (dự kiến) người chăn nuôi cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ để tiến hành đỡ đẻ cho lợn nái như: Khăn vải khô sạch, bột lăn khô lợn con, chỉ buộc thắt rốn, dụng cụ cắt rốn, cồn sát trùng cuống rốn, kìm bấm răng nanh, chuồng úm lợn con… Nếu quan sát thấy lợn nái có các dấu hiệu chuyển dạ đẻ như vú căng và sữa bắn thành tia đã hơn 2 giờ, lợn đã nằm xuống chứ không còn đứng lên nằm xuống liên tục, âm hộ ra phân xu và dịch màu hồng, lợn nái rặn từng cơn là lợn con sắp ra. Lúc này cần tạo không gian yên tĩnh để cho lợn mẹ được đẻ tự nhiên càng thoải mái càng tốt. Bình thường cứ sau mỗi cơn rặn mạnh, lợn nái co chân sau lên là lợn con được mẹ rặn đẩy ra ngoài.
- Thường mỗi lợn con đẻ ra cách khoảng 15-20 phút, thời gian lợn đẻ hoàn tất khoảng 2 - 5 giờ và ra nhau thai khoảng 2 - 3 giờ sau khi đẻ con cuối cùng (hoặc cũng có nái vừa đẻ vừa ra nhau).
- Thực hiện đỡ đẻ lợn: Rửa sạch phần sau lợn nái và lau khô. Tiến hành sát trùng tay người đỡ đẻ bằng cách rửa sạch tay bằng xà phòng, sát trùng tay bằng cồn, mang bao tay (vô trùng). Khi lợn nái đẻ hai tư thế thai bình thường là sấp dọc đầu hoặc sấp dọc đuôi, có thể đầu lợn con ra trước hoặc 2 chân sau ra trước;  lợn con tự làm rách màng bọc và lọt ra ngoài, ta đón lấy thai. Trường hợp lợn con sinh bọc, ta cần nhanh chóng xé màng bọc để lợn con khỏi bị ngạt. Lấy khăn sạch và mềm để móc hết những chất nhầy trong mũi và miệng ra, giúp lợn hô hấp dễ dàng, tiếp theo lau toàn thân rồi đến 4 chân. Người chăn nuôi có thể rắc bột Mistral giữ ấm lên khắp thân lợn con. Nếu lợn con bị ngạt phải làm hô hấp nhân tạo bằng cách: Dùng hai ngón tay xoa mạnh từ trên xuống dưới dọc theo xương sống phía hai bên phổi để kích thích hô hấp hoặc để lợn con nằm ngửa đưa hai chân trước của lợn lên xuống nhịp nhàng. Có thể dùng thuốc trợ tim Camphora tiêm 1-2ml/con. Nếu nặng hơn thì ngâm mình lợn con vào nước ấm (30 - 350C) trong 30 - 60 giây rồi đem ra hô hấp nhân tạo tiếp, lợn con có thể phục hồi nhanh hơn. Sau đó dùng chỉ cột rốn cách thành bụng khoảng 4cm, dùng kéo đã được sát trùng cắt cách mối cột 1cm, sát trùng bằng bông y tế nhúng cồn iốt 2% hay xanh methylen sát trùng chỗ cắt, mỗi ngày bôi rốn 2 lần cho đến khô.
*Chăm sóc lợn nái sau khi sinh
- Sau khi lợn mẹ đẻ xong người chăn nuôi cần theo dõi số lượng nhau ra bằng cách gom nhau lại bỏ vào xô có nắp đậy, đếm số cuống rốn để biết lợn mẹ có bị sót nhau hay không, số cuống rốn phải bằng số con đẻ ra.
- Dùng nước muối sinh lý 0,9%, thuốc tím 0,1% lau rửa mép âm môn, rửa bầu vú bằng nước xà phòng ấm trước khi cho lợn con bú.
- Cần theo dõi tình trạng sức khỏe lợn mẹ sau khi đẻ; màu sắc, lượng và mùi dịch hậu sản; kiểm tra thân nhiệt lợn mẹ ngày 2 lần (sáng, chiều) liên tục trong 3 ngày đầu để can thiệp kịp thời trong trường hợp lợn nái bị sốt, viêm vú, viêm tử cung…

*Chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái nuôi con
- Sau khi đẻ 5 - 7 ngày nên cho lợn nái vận động 30 phút/ngày. Cần chú ý bảo vệ bầu vú cho lợn mẹ, nếu bầu vú quá sệ chỉ cho vận động trong sân chơi. Đối với lợn nuôi công nghiệp không có điều kiện cho vận động nên người chăn nuôi cần cung cấp đủ dinh dưỡng, khoáng và vitamin cho con vật. Nuôi dưỡng lợn nái nuôi con không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho duy trì cơ thể mà một phần dinh dưỡng rất quan trọng sẽ được dùng để phục vụ cho nhu cầu tiết sữa. Do cơ thể lợn mẹ rất ưu tiên cho việc tiết sữa nuôi con cho nên nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, lợn mẹ sẽ phải huy  động chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể để tiết sữa dẫn đến lợn nái bị hao mòn nhiều và sẽ ảnh hưởng đến những lần sinh sản sau. Trong giai đoạn nuôi con thường lợn nái được cho ăn tự do với hàm lượng protein thô trong thức ăn là 14% và năng lượng trao đổi là 3000Kcal/kg (đối với lợn nội). Lợn ngoại ăn thức ăn có hàm lượng protein thô là 15 - 16% và năng lượng trao đổi là 3000Kcal/kg. Khẩu phần thức ăn phải đảm bảo đủ khoáng và vitamin, nếu để lợn nái thiếu canxi, có thể gây ra hiện tượng bại liệt. 
- Lợn nái trong thời gian nuôi con cần được tạo môi trường ngoại cảnh tốt, chuồng ấm, thoáng, lưu thông không khí tốt, không có gió lùa, tránh gây stress cho đàn lợn con và giữ yên tĩnh khi lợn mẹ cho con bú. Một số trường hợp lợn mẹ không cho con bú người chăn nuôi cần chú ý để có biện pháp khắc phục. Hiện tượng lợn mẹ cắn con không cho con bú có thể do một số nguyên nhân như: Thiếu dinh dưỡng khi mang thai, lợn nái bị viêm vú, tắc tia sữa, lợn con chưa bấm răng nanh hoặc bấm nanh không đảm bảo kỹ thuật, do lợn mẹ bị strees, kích động trong lúc sinh con…
- Cần đảm bảo đủ ánh sáng chuồng nuôi để thuận lợi trong việc cho lợn ăn uống, vệ sinh chuồng trại đồng thời giúp lợn nái đứng lên, nằm xuống, di chuyển và cho con bú được dễ dàng tránh trường hợp chuồng nuôi quá tối, thiếu ánh sáng lợn mẹ khó thấy lợn con sẽ dẫm và đè chết lợn con trong những ngày đầu mới sinh.
- Chuồng lợn nái nuôi con phải được sạch sẽ, được vệ sinh thường xuyên, đảm bảo thoáng, sạch khô và ấm cho đàn lợn con. Lợn nái trong thời gian nuôi con không nên tắm để hạn chế ẩm độ chuồng nuôi, có thể chải cho lợn mẹ. Nếu có điều kiện người chăn nuôi sử dụng chuồng lồng cho lợn, có bố trí hệ thống làm mát và thông gió sẽ tạo điều kiện rất thích hợp để phục vụ chăn nuôi lợn nái năng suất cao.
Có thể nói chăn nuôi lợn nái là nghề truyền thống, có thể giúp nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững. Vì vậy, trong chăn nuôi lợn nái, khi người chăn nuôi đã chọn được những con nái tốt và có thành tích sinh sản cao thì cần làm tốt công tác chăm sóc đàn nái  trong thời điểm trước và sau khi sinh con để vừa đảm bảo cho quá trình sinh con được thuận lợi, tiết sữa nuôi con được tốt nhất đồng thời giữ cho cơ thể lợn mẹ có sức khỏe tốt, hao mòn ít và không làm ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản ở những lần sau và từ đó sẽ giúp cho các nhà chăn nuôi đạt được hiệu quả năng suất cao nhất trong quá trình đầu tư./.

                                         Nguyễn Văn Thắng - nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây