Bệnh cảm nắng, cảm nóng ở trâu bò

Chủ nhật - 04/08/2019 22:59 5.152 0
Hiện nay, tại Nghệ An thời tiết nắng nóng gay gắt đang diễn ra nhiều ngày liền và còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Có những ngày nhiệt độ lên cao 39 – 40 0C đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đàn vật nuôi. Đặc biệt đối với đàn trâu bò vào những ngày này nếu không được chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt sẽ dễ mắc bệnh cảm nắng, cảm nóng.
Bệnh cảm nắng, cảm nóng ở trâu bò
Để giúp các hộ chăn nuôi chủ động nắm bắt và xử lý tốt khi trâu bò bị cảm nắng, cảm nóng chúng tôi xin nêu cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng và điều trị bệnh này như sau:
* Nguyên nhân: 
- Do chăn thả trâu bò trên đồng cỏ, bãi chăn vào những lúc trời nắng to, gay gắt nhiệt độ  ngoài trời lên cao, ánh nắng chiếu trực tiếp vào cơ thể con vật, đặc biệt vùng đầu cổ gây ra cảm nắng.
- Chuồng nuôi chật, không đảm bảo diện tích, độ thông thoáng, thiếu các giải pháp chống nóng vào mùa Hè như: Không có hệ thống làm mát, thông gió, dàn che, mái lợp phù hợp để hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào chuồng nuôi. Từ đó làm cho nhiệt độ chuồng nuôi tăng cao, ảnh hưởng đến việc điều hòa thân nhiệt của con vật gây ra cảm nóng.
- Do vận chuyển vào những lúc nắng nóng, quãng đường di chuyển dài, phương tiện vận chuyển không phù hợp như: Quá chật, không thông thoáng; trong quá trình vận chuyển không thường xuyên kiểm tra sức khỏe, bổ sung nước uống và làm mát kịp thời dẫn đến con vật mệt mỏi, quá trình thải nhiệt khó dẫn đến cảm nóng.
- Ngoài ra khi gia súc mang thai, gia súc quá béo hoặc bắt gia súc làm việc ngay sau khi ăn no, làm việc lâu giữa thời tiết nắng nóng cũng dễ dẫn tới cảm nắng, cảm nóng.
*Triệu chứng: Trâu bò có biểu hiện choáng váng, đi đứng xiêu vẹo; mất thăng bằng, kiểm tra niêm mạc mắt tím bầm. Con vật sốt cao 40 – 41,5 0C, tần số hô hấp và tim mạch tăng, đồng tử mắt lúc đầu dãn rộng, sau đó thu hẹp rồi mất phản xạ. Khi bệnh nặng hơn con vật có biểu hiện co giật, điên cuồng, sợ hãi; mắt đỏ ngầu, lồi ra ngoài; mạch nhanh và yếu. Trâu bò ngày càng khó thở, đổ ngã tự nhiên, hôn mê, co giật mất phản xạ rồi chết; khi chết sùi bọt mép, có khi lẫn máu. Bệnh có thể xảy ra trên nhiều con hoặc chỉ một vài con trong đàn.
*Phòng bệnh: Vào những ngày nắng nóng người chăn nuôi cần quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn trâu bò bằng khẩu phần ăn hợp lý, vào lúc nhiệt độ môi trường tăng quá cao, không nên cho ăn quá no, cung cấp đầy đủ nước uống mát và sạch, bổ sung thêm Vitamin C để giải nhiệt và tăng sức đề kháng. Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp đối với trâu bò trưởng thành từ 6 - 8 m2/con. Nên tắm chải cho trâu bò 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể, nếu chăn thả cần tiến hành vào sáng sớm hoặc chiều muộn: Buổi sáng cho trâu bò đi chăn thả sớm; buổi chiều chăn thả muộn. Cần tạo thông thoáng, tăng cường các giải pháp chống nóng, giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng các giải pháp phù hợp tình hình thực tế như: Lắp hệ thống quạt thông gió, phun sương, đồng thời có thể dùng các loại mái lá, lưới đen chống nắng hoặc trồng các loại cây dây leo như sắn dây, chanh leo…để che phủ mái chuồng nuôi cũng góp phần giảm nhiệt đáng kể. Ngoài ra, khi vận chuyển gia súc cần chọn thời điểm mát mẻ, tránh những lúc nắng nóng, nhiệt độ môi trường lên cao, sử dụng phương tiện vận chuyển phù hợp, không nhốt gia súc quá chật. Đồng thời phải kiểm tra sức khỏe con vật, bổ sung nước uống và xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xảy ra.
*Điều trị bệnh cảm nắng, cảm nóng: Khi phát hiện trâu bò bị cảm nắng, cảm nóng cần tìm mọi biện pháp tăng cường thải nhiệt cho cơ thể như: cho con vật nghỉ ngơi nơi thoáng mát, yên tĩnh, dùng quạt mát, quạt từ phía trước con vật, tốc độ vừa phải để giúp hạ nhiệt từ từ, tránh bị sốc, choáng. Dùng khăn mát hoặc nước đá chườm ở phần đầu, vùng mặt, sau đó xuống toàn thân, khoảng 1 – 2 giờ sau có thể tắm cho con vật. Chú ý không dùng nước lạnh dội ngay vào vùng đầu, mặt của con vật dễ gây hiện tượng sốc, choáng. Cung cấp nước uống mát cho con vật bằng cách dùng một lượng muối khoảng 01 thìa cà phê/10 lít nước cho uống. Ngoài ra người chăn nuôi có thể sử dụng:
+ Nước rau má: Lấy 0,5 –1 kg lá rau má giã nhỏ cùng 20 – 30 gam muối tinh (01 thìa cà phê) sau đó hòa 1 – 2 lít nước cho con vật uống.
  + Nước diếp cá: Lấy 0,2 – 0,5 kg cây diếp cá giã nhỏ cùng 20 – 30gam muối tinh (1 thìa cà phê) hòa cùng 1– 2 lít nước cho con vật uống trực tiếp.
  + Nước bột sắn dây: Lấy 100 – 200 gam bột sắn dây với 2 – 3 lít nước hòa nước cho con vật uống.
  + Cho uống nước mát có bổ sung thêm chất điện giải, Vitamin C, GlucoKC…
Đối với những con vật sốt cao cần chú ý tiêm thuốc hạ sốt Anagin C. Với những con bị bệnh nặng cần tiến hành trợ tim và trợ hô hấp cho con vật bằng Caffeine hoặc Camphorate. Những con nôn mửa, vã nhiều mồ hôi cần truyền dung dịch Glucoza hoặc nước muối sinh lý  vào tĩnh mạch hoặc xoang bụng. Sau khi gia súc đã hồi phục, ăn uống được cần cho ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn chứa nhiều nước và giàu vitamin.
Như vậy, bệnh cảm nắng, cảm nóng ở trâu bò là dễ nhận biết và nếu người chăn nuôi chủ động làm tốt công việc phòng bệnh cho con vật, kịp thời phát hiện và khắc phục khi bệnh mới xảy ra ở giai đoạn đầu sẽ giảm được tối đa nguy cơ bị thiệt hại về kinh tế, góp phần ổn định  tình hình chăn nuôi đại gia súc trong mùa nắng nóng./.

                                                 Văn Thắng
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây