Thứ tư, 22/01/2025, 02:03

Hiệu quả mô hình nuôi ong nội lấy mật

Thứ hai - 13/02/2023 02:14 2.985 0
Tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 71.000 đàn ong và tập trung nuôi ở các huyện miền núi phía Tây. Xã Nghĩa Hội- huyện Nghĩa Đàn là một xã miền núi, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật nhờ tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn đồi,khí hậu trong lành, thảm thực vật phong phú. Với ưu điểm vốn đầu tư ban đầu không lớn, không tốn nhiều nhân lực, thu nhập khádo đó nhiều người dân ở xãđã mạnh dạn chuyển đổi các loại vật nuôi kém hiệu quả để nuôi ong nhờ đó đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo, thayđổi cuộc sống cho nhiều người dân nơi đây.
Hiệu quả mô hình nuôi ong nội lấy mật

Nghề nuôi ong ở xã đã có từ lâu đời, ban đầu chỉ là những hộ nhỏ lẻ đã thuần hóa được loại ong rừng và nuôi ở vườn của mình, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Qua quá trình phát triển đến nay toàn xã có 64 hộ nuôi ong với hơn 900 đàn ong nội. Đây là giống ong dễ nuôi, dễ chăm sóc, khả năng thích nghi cao với ngoại cảnh, ít bị bệnh và cho chất lượng mật ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với ong ngoại. Vì vậy sản phẩm mật ong nội nuôi ở xã Nghĩa Hội cũng không hề thua kém mật ong lấy từ rừng tự nhiên nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng, giá bán ổn định. Trong quá trình nuôi, các hộ nuôi ong tự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau và áp dụng khoa học kỹ thuậttừ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác mật ong đúng cách, giúp cho sản lượng và chất lượng mật ngày càng tăng. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện hỗ trợ thành lập tổ hợp tác nuôi ong mật trên địa bàn xã, quy tụ những hộ đam mê và tâm huyết nuôi ong nội cùng giúp đỡ nhau phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo nên phong trào nuôi ong phát triển khắp toàn xã, chủ yếu tập trung tại các xómHòa Bình Sơn,Đồng Trường, Đồng Bai… Trong đó một số hộ mạnh dạn đầu tư nuôi với số lượng từ vài chục đến hơn 100 đàn như hộ anh Nguyễn Trung Cường (xóm Hòa Bình Sơn) có 110 đàn, hộ anh Nguyễn Văn Thạch (xóm Đồng Trường) có 100 đàn, hộ ông Cao Thanh Quang, hộ chị Đoàn Thị Nhung (xóm Hòa Bình Sơn) có từ 25-30 đàn...

Theo chân đoàn chúng tôi đến vườn hộ anh Nguyễn Trung Cường xóm Hòa Bình Sơn- là một trong những hộ có thâm niên trong nghề nuôi ong nội. Hiện tại gia đình anh nuôi khoảng 110 đàn. Anh Cường cho biết, thời điểm thu mật ong rộ nhất là từ tháng 3 đến tháng 7 bởi đây là khoảng thời gian thời tiết thuận lợi ấm áp, nguồn mật hoa phong phú. Trung bình mỗi đàn ong cho thu hoạch 7 lít mật/năm. Tính ra mỗi năm anh thu được khoảng 770 lít mật. Ngoài ra hàng năm cứ đến gần cuối năm và đầu năm kế tiếp anh còn bán ong giống, mỗi đàn giống bán với giá từ 700 trăm nghìn đến 1,2 triệu đồng/đàn. Khi bán giống cho các hộ nuôi, anh hướng dẫn tận tình cách chăm sóc, kỹ thuật nuôi ong để mang lại hiệu quả cao.Với niềm đam mê nuôi ong và nhờ tuân thủ kỹ thuậtnên đàn ong của anh nuôi ít khi bị bệnh, bốc đàn, chất lượng mật ong thơm ngon, sánh mịn thu đến đâu bán hết đến đó.Với giá bán từ 300-400 nghìn đồng/ lít mật ong cộng thêm nguồn thu từ bán ong giống từ 50-70 triệu/năm. Tổng thu nhập của anh từ 280-370 triệu đồng. Sau khi trừ đi mọi chi phí, anh còn lãi 140-180 triệu đồng/năm.


 Anh Nguyễn Trung Cường xóm Hòa Bình Sơn- Nghĩa Hội đang kiểm tra đàn ong

Cũng là một hộ nuôi ong lâu năm và có tổng 100 đàn ong, ông Nguyễn Văn Thạch xóm Đồng Trường tâm sự: Để nuôi ong mật cho hiệu quả cao, người chăn nuôi cần chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa….cho đến thu hoạch mật. Đặc biệt vào mùa khan thức ăn, cần di chuyển ong đến nơi có nguồn mật hoa kết hợp cho ăn bổ sung để bảo tồn duy trì đàn ong và ong chúa.Đồng thời chú ý các biện pháp phòng trừ các côn trùng hại ong như sâu ăn sáp, kiến, ong rừng… Hàng năm ông thu hoạch được khoảng 700 lít mật, cho tổng thu nhập 210-280 triệu đồng.
 
Sản phẩm mật ong nội xã Nghĩa Hội-Nghĩa Đàn

Để phát triển nghề nuôi ong mật,năm 2020Tổ hợp tác nuôi ong nội xã Nghĩa Hội  được thành lập và gồm có 14 thành viên có cùng đam mê, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch  và giúp đỡ nhau tiêu thụ sản phẩm mật ong nội. Bà Phan Thị Vinh- tổ trưởng tổ hợp tác chia sẻ: Hiện nay tổ hợp tác có khoảng 400 đàn ong, trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 2.000-2.800 lít mật ong. Các hộ thành viên luôn hướng đến yếu tố đảm bảo chất lượng, phát triển sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Những giọt mật ong mang hương vị của thiên nhiên, thơm ngon sánh mịn, vàng óng tạo nên một sản phẩm mật ong nội không lẫn vào đâu được. Đây là sự độc đáo để xãhướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Chị Ngô Thị Ngát, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Những năm qua, nghề nuôi ong nội lấy mật tại xã phát triển mạnh với quy mô nông hộ. Một số hộ đã tự học hỏi,áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để đầu tư, mở rộng quy mô đàn ong. Xã đã tạo điều kiện, phối hợp với các ban ngành, tổ hợp tác nuôi ong thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật giúp người dân nắm bắt và áp dụng vào thực tế nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mật ong. Ngoài ra để phát triển nghề nuôi ong theo hướng quy mô, ổn định người nuôi ong phải thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAHP, OCOP.
Và với cố gắng nỗ lực đó cuối năm 2022 sản phẩm mật ong nội của xãđược lựa chọn là 1 trong 10 sản phẩm của huyện Nghĩa Đàn để tham dự đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Điều này sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mật ong, là cơ hội để quảng bá, liên kết tiêu thụ mật ong cho tất cả các hộ nuôi ong trên địa bàn xãvà tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

                                                 Kim Dung-Trung tâm Khuyến nông
                                                         Nguồn: Tập san Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây