Hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An
Thứ tư - 12/04/2023 03:478190
Nghệ An là tỉnh có tổng đàn lợn đạt 1.100.000 con, được xem là một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi lợn khá phát triển thuộc tốp đầu cả nước và được nuôi theo các hình thức trang trại, gia trại, nông hộ nhưng hình thức nuôi nông hộ chiếm chủ yếu trên 65% tổng đàn lợn.
Hiện nay một số bà con nông dân ở các địa phương chăn nuôi nông hộ chưa tuân thủ tốt các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, chưa áp dụng tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là quy trình phòng bệnh chưa đảm bảo. Quỳ Châu là một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng còn nặng về truyền thống tự phát, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, quản lý và phòng bệnh chưa tốt. Do vậy, nhiều hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn như: lợn bị bệnh và chết do dịch bệnh như dịch tả lợn Châu Phi, bệnh tai xanh,... nên hiệu quả chăn nuôi thấp.
Xuất phát từ những thực tiễn đó năm 2022, từ nguồn kinh phí khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An thực hiện mô hình "Chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học" tại huyện Quỳ Châu tại Nghệ An.
Mô hình quy mô 14 con lợn lai F2 được thực hiện trong thời gian 4 tháng( từ tháng 8 đến tháng 12). Trước khi triển khai thực hiện mô hình Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông Nghiệp huyện Quỳ Châu và UBND xã Châu Thuận đã trực tiếp tổ chức khảo sát họp chọn điểm, họp dân chọn hộ thông qua nội dung kế hoạch triển khai mô hình. Kết quả đã chọn được hộ anh Hà Văn Sơn tại bản Bông xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu, đủ điều kiện thực hiện mô hình. Thông qua các chính sách hỗ trợ giống, vật tư thức ăn hỗn hợp, dung dịch hóa chất sát trùng, vắc xin phòng bệnh, có cán bộ kỹ thuật chuyên môn phù hợp yêu cầu của mô hình, có kinh nghiệm trong chỉ đạo cơ sở. Trước khi đưa lợn về nuôi, hộ dân được tập huấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học từ khâu làm chuồng có hố xử lý phân, rác thải,…đến khâu vệ sinh phòng bệnh: Như yêu cầu chuồng cách xa nhà ở, cuối hướng gió, trước và trong quá trình nuôi phải tẩy uế chuồng nuôi bằng Iodin 10%, vôi bột,... thường xuyên vệ sinh máng ăn máng uống sạch sẽ. Nuôi với phương thức nuôi nhốt hoàn toàn, khoanh vùng, không nuôi chung với các đối tượng nuôi khác trong cùng khu vực nuôi, định kỳ thu gom rác thải, quét dọn sạch sẽ và rắc vôi bột khử trùngchuồng nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng sức đề kháng cho đàn lợn, giảm thiểu lây lan dịch bệnh. Hộ dân tham gia mô hình đồng tình hưởng ứng, có nhân lực lao động và có tinh thần trách nhiệm cao trong việc áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học. Con giống được cấp đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật; khỏe mạnh, không dịch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, có giấy kiểm dịch chất lượng con giống.Lợn lai F2 là giống thích nghi với điều kiện khí hậu nhiều vùng miền, chịu kham khổ, dễ nuôi, có sức đề kháng, chống chịu dịch bệnh tốt. Giai đoạn đầu mới đưa giống lợn con mới về nuôi do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm nên lợn chưa thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở địa phương nên đàn lợn con có một số con trong đàn có biểu hiện bệnh cảm lạnh với tỷ lệ nhiễm bệnh 10 - 12 %. Được sự hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo kỹ thuật Trung tâm cùng các hộ dân đã điều trị, chăm sóc kịp thời nên đàn lợn sinh trưởng phát triển bình thường, tình hình nhiễm bệnh cũng giảm thiểu ở mức tối đa so với phương pháp nuôi truyền thống. Đồng thời hộ dân đã biết thực hiện tốt quy trình kỹ thuật như: thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ, phun dung dịch hóa chất sát trùng theo định kỳ 2- 3 lần/tháng, … Công tác phòng bệnh luôn được chú trọng và tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vắc xin cho lợn. Kết quảsau 4 tháng nuôi, tỷ lệ nuôi sống đạt 95 %, trọng lượng xuất chuồng đạt 125 kg/con, giá bán 60.000đ/kg, tổng thu 177.840.000 đồng, lãi thu được 13.411.300 đồng/ 14 con
Vậy, đây là dạng mô hình hoàn toàn phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ, giúp các hộ có kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trườngnhằm nâng cao số lượng đàn, năng suất và chất lượng sản phẩm thịt, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Đồng thời, mô hình sẽ tạo tác động làm thay đổi dần tập quán chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ của người dân vúng miền núi khó khăn huyện Quỳ Châu sang chăn nuôi an toàn sinh học và chăn nuôi quy mô lớn, hạn chế tối đa dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi dưỡng, nâng cao hiệu quả.Mô hình sẽ góp phần cho chính quyền địa phương trong việc định hướng về tổ chức chăn nuôi nông hộ để bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững. Kết quả đạt được của mô hình sẽ tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân trong và ngoài vùng học tập, áp dụng nhân rộng mô hình./.
Mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học hộ anh Hà Văn Sơn tại bản Bông xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu
Hồ Thị Ca - Trung tâm Khuyến Nông
Nguồn: Tập san Khuyến nông .