Những vẫn đề cần lưu ý khi nuôi vịt đẻ trứng thương phẩm
Chủ nhật - 04/08/2019 23:066.9600
Hiện nay, nuôi vịt hướng trứng đang là mô hình được nhiều người chăn nuôi lựa chọn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bởi vịt được xem là vật nuôi có khả năng thích nghi cao với điều kiện ngoại cảnh, có thể nuôi dưới nhiều phương thức chăn nuôi khác nhau, khả năng quay vòng vốn nhanh và đầu ra tương đối thuận lợi.
Tuy nhiên, tại các nông hộ khi nuôi vịt đẻ người chăn nuôi chưa áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi nên vẫn chưa khai thác tối đa hiệu quả kinh tế mang lại từ chính vật nuôi này. Để đàn vịt cho năng suất trứng cao và phát triển đàn một cách an toàn, bền vững người chăn nuôi cần lưu ý một số vấn đề:
- Về Phương thức chăn nuôi: Phương thức nuôi vịt rất phong phú người nuôi có thể lựa chọn phương thức nuôi khô hoàn toàn không cần nước bơi lội, chỉ cần nước uống hoặc lựa chọn phương thức truyền thống nuôi có nước bơi lội. Đối với phương thức nuôi vịt trên khô không cần nước bơi lội sẽ chủ động cho việc kiểm soát dịch bệnh, hạn chế việc lây lan, phát tán mầm bệnh, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường nước. Nếu nuôi theo phương thức có nước bơi lội thì cần lưu ý không nên thả vịt tự do ra ao hồ, cũng như không nuôi nhốt vịt trên các sông suối, không thả vịt chạy đồng tự do sẽ gây ô nhiễm môi trường, không an toàn dịch bệnh mà chỉ nên quây nhốt vịt trên ao hoặc thả trên đồng rộng có khoanh vùng kiểm soát.
- Chuồng trại: Chuồng nuôi vịt nên làm xa khu dân cư, đường giao thông và các công trình công cộng khác. Khu chăn nuôi vịt cần phải có tường rào bao quanh, có hàng rào tách biệt, ngăn cách, không nuôi chung với các loại gia súc và gia cầm khác. Tại cửa ra vào chuồng nuôi cần bố trí hố khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất sát trùng trong chăn nuôi. Chuồng nuôi cần làm chắc chắn, xây ở nền đất cao ráo, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè; chống được chuột và thú hoang. Diện tích chuồng đối với vịt giai đoạn sinh sản cần đảm bảo từ 4 – 6 con/m2 . Vịt nuôi nhốt phải có sân chơi (diện tích sân chơi yêu cầu gấp 2 – 3 lần diện tích chuồng), có bể bơi. Nếu làm chuồng trên bờ ao phải có diện tích sân cho vịt rỉa lông làm khô sau khi ở dưới nước lên chuồng để tránh làm ướt độn chuồng. Đến giai đoạn sinh sản phải chuẩn bị ổ đẻ cho vịt. Ổ đẻ có thể làm bằng gỗ kích thước 35 cm x 35 cm x 35 cm được lót bằng rơm rạ, trấu và để sát vách chuồng, phía trong chuồng. Phải thường xuyên thay lót ổ đẻ đẻ tránh ẩm ướt và mốc. Tính trung bình, cứ 4 – 6 con cần một ổ đẻ.
- Giống: Hiện nay, có nhiều giống vịt hướng trứng người chăn nuôi có thể lựa chọn một số giống như: Vịt Khaki Campbell, Vịt triết Giang, Vịt Cỏ màu cánh sẻ, Vịt Đại Xuyên TC. Khi mua vịt giống cần chọn những cơ sở cung cấp giống uy tín, an toàn dịch bệnh và có nguồn gốc rõ ràng. Người chăn nuôi không nên tận dụng những đàn thương phẩm để nuôi làm đàn bố mẹ sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất sau này. Trong quá trình chăn nuôi vịt đẻ trứng cần chọn vịt ở 3 gia đoạn: chọn vịt 1 ngày tuổi, chọn ở 56 ngày tuổi và chọn vịt lên sinh sản.
- Thức ăn: Thức ăn đóng vai trò quan trọng để có sản phẩm an toàn, người chăn nuôi có thể sử dụng thức ăn do các nhà máy chế biến hoặc sử dụng nguồn thức ăn tự chế sẵn có tại địa phương để hạ giá thành sản phẩm. Thức ăn cho vịt cần phải đảm bảo đầy đủ và cân đối về dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thức ăn có chất kích thích tăng trọng, có các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng đối với vịt nuôi giống phải thực hiện chế độ ăn định lượng để khống chế khối lượng cơ thể theo tiêu chuẩn để đảm bảo độ đồng đều của đàn vịt không quá béo hay quá gầy thì khả năng sinh sản về sau mới cho năng suất cao. Khi vịt đẻ trứng đầu tiên tăng thức ăn lên 15%; khi tỷ lệ đẻ đạt 5% mỗi ngày tăng thêm 5 gam/con; khi tỷ lệ đẻ đạt 50% thì cho ăn tự do trong thời gian ban ngày. Ngoài thức ăn hỗn hợp, nên cung cấp cho vịt thêm thóc mầm, rau xanh, khoảng 20 – 30g/con/ngày. Cho vịt ăn 2 bữa trong ngày, mùa nóng cho ăn vào sáng sớm và chiều muộn.
- Chế độ chiếu sáng: Đối với vịt đẻ có 3 giai đoạn nuôi khác nhau: giai đoạn vịt con, giai đoạn hậu bị và giai đoạn sinh sản. Vì vậy, mỗi một giai đoạn vịt cần có chế độ chiếu sáng phù hợp. Thời gian chiếu sáng trong 2 tuần đầu là 24 giờ/ngày, sau đó mỗi ngày giảm 1 giờ chiếu sáng đến khi đạt 16 – 18 giờ/ngày. Giai đoạn từ 9 tuần tuổi đến trước khi vịt đẻ 4 - 5 tuần thời gian chiếu sáng 12 giờ/ngày. Sau đó mỗi tuần tăng một giờ cho đến khi đạt mức thời gian chiếu sáng 16 – 18 giờ/ngày và duy trì trong suốt thời gian vịt đẻ.
- Chọn vịt sinh sản: Khi nuôi hết 8 tuần tuổi cần tiến hành chọn vịt mái tốt để chuyển vào nuôi giai đoạn hậu bị. Chọn những cá thể có màu lông đặc trưng của phẩm giống, nhanh nhẹn, ngoại hình cân đối, chân thẳng, không vẹo đuôi, không gù lưng, mình thon, đầu nhỏ, cổ dài, thân hình tạo với mặt đất một góc càng lớn càng tốt. Khối lượng cơ thể phải phù hợp đối với từng giống. Trước khi kết thúc giai đoạn vịt hậu bị 2 tuần cần tiến hành chọn vịt mái lên nuôi sinh sản. Chọn những con có bộ lông sáng bóng, áp sát vào thân, khối lượng đạt chuẩn trung bình ±10%, khung xương chắc chắn, thân hình cân đối, có vùng xương chậu mở rộng, bụng mềm.
- Kiểm tra sức khỏe đàn vịt: Hàng ngày buổi sáng kiểm tra tình hình sức khỏe đàn vịt nếu phát hiện có sự thay đổi khác thường cần có biện pháp xử lý kịp thời hoặc báo cho thú y để được tư vấn.Trong giai đoạn vịt sinh sản cần loại những con vịt quay lông (rụng lông ống ở cánh và đuôi), đồng thời cũng loại những con có màu lông, màu mỏ và màu chân không nhạt đi sau một thời gian đã đẻ vì những con này năng suất trứng rất thấp. Hạn chế tác động mạnh về ánh sáng, âm thanh và những tác động bất thường khác đến đàn vịt sinh sản để tránh hiện tượng đẻ trứng non và đẻ trứng hai lòng đỏ.
- Thu nhặt trứng: Vịt thường đẻ tập trung vào khoảng 2 – 4 giờ sáng, nhưng có thể đẻ muộn đến 8 – 9 giờ sáng. Người nuôi vịt cần nhặt trứng vào sáng sớm để thu được trứng sạch và tránh dập vỡ. Sau khi nhặt trứng tiến hành chọn và phân loại trứng. Trứng xếp vào khay, để nơi cao ráo, thoáng mát sẽ làm cho trứng tươi lâu hơn.
- Công tác thú y: Mặc dù được coi là vật nuôi có khả năng thích nghi cao nhất với điều kiện ngoại cảnh, chịu đựng được một số bất lợi của môi trường sống, song vịt vẫn thường xuyên bị một số căn bệnh tấn công, gây thiệt hại nghiêm trọng. Một số bệnh ở vịt khi đã bột phát sẽ nhanh chóng lây lan cho cả đàn, cả vùng rộng lớn và kéo dài trong một thời gian mới có thể dập tắt được. Chính vì vậy người nuôi vịt cần làm tốt công tác vệ sinh thú y và phòng bệnh để đảm bảo an toàn cho đàn vịt nuôi và hiệu quả cho quá trình đầu tư. Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, duy trì mật độ nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật. Chuồng nuôi phải có chu kỳ luân chuyển hàng năm để có thời gian xử lý và trống chuồng. Cần sử dụng các chất sát trùng chuồng trại như: nước vôi mới tôi quét nền chuồng, sân chơi và xung quanh tường, dùng Formol (1 – 3%) phun toàn bộ nền và tường chuồng hoặc sử dụng một số chất sát trùng khác trong thú y để xử lý chuồng nuôi định kỳ 1 – 2 lần/tuần và sau từng đợt chăn nuôi. Giám sát theo dõi chặt chẽ mỗi khi đàn vịt ốm đau, cach ly và chẩn đoán điều trị ngay những con bị bệnh. Bao vây, khống chế và tiêu hủy ngay đàn vịt tại khu vực nếu phát hiện bệnh nguy hiểm. Nước thải, nước rửa chuồng phải được xử lý trước khi đưa ra môi trường bên ngoài nếu không sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và không an toàn cho sản xuất. Phòng đầy đủ các loại vắc xin như: dịch tả vịt, viêm gan siêu vi trùng, H5N1… cho đàn vịt là biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ đàn vật nuôi trước sự tấn công của dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi.
Có thể nói nuôi vịt lấy trứng là một hướng đi có nhiều tiềm năng và lợi thế, giúp cho các hộ nông dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và đã có nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu từ chính vật nuôi này. Chính vì vậy ngoài những kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất, người nuôi vịt đẻ cần áp dụng đầy đủ các quy trình kỹ thuật để chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững./. Nguyễn Văn Thắng - Nguồn TSKN