Bệnh sán lá gan là một bệnh khá phổ biến ở trâu, bò. Bệnh thường ở thể mãn tính nên chỉ làm cho trâu, bò gầy yếu, chậm lớn mà không gây ốm cấp tính hoặc quỵ ngã ngay. Ở nước ta, trâu bò bị nhiễm sán lá gan quanh năm và xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Tuy nhiên, hiện nay người chăn nuôi vẫn chưa quan tâm nhiều đến căn bệnh này và chưa có các biện pháp phòng chống bệnh cho đàn trâu, bò một cách có hiệu quả.
Để giúp các hộ chăn nuôi trâu, bò chủ động nắm bắt và xử lý tốt bệnh sán lá gan, chúng tôi xin nêu cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng và điều trị bệnh này như sau: *Nguyên nhân: Bệnh sán lá gan ở trâu, bò do hai loài sán lá: Fasciola gigantica và Fasciola hepatica gây ra. - Hình thái: Sán Fasciola gigantica: Cơ thể dẹp, hình lá, màu đỏ nâu; có 2 giác bám: Giác miệng và giác bụng. Sán Fasciola hepatica: hình dạng và màu sắc giống loài trên nhưng ngắn hơn, sau đầu có hai vai phình rộng ra. - Vòng đời: Sán lá trưởng thành sống trong các ống dẫn mật, đẻ trứng. Trứng theo ống dẫn mật về ruột rồi thải ra ngoài theo phân. Khi trứng gặp được các điều kiện thuận lợi như: rơi vào nước, thời tiết nóng ẩm thì trứng sẽ nở thành mao ấu, di chuyển trong nước. Mao ấu tìm và chui vào cơ thể ký chủ trung gian là các loài ốc nhỏ, không có nắp, sống phổ biến ở ao hồ, mương máng, ruộng trũng. Trong ốc mao ấu phát triển thành vĩ ấu và chui ra khỏi ốc. Vĩ ấu ra ngoài tự nhiên, rụng đuôi, biến thành “kén” tức ấu trùng cảm nhiễm. Kén trôi nổi trong nước hoặc bám vào các loài cây thủy sinh, khi gia súc uống nước, ăn phải cỏ, rau có kén sẽ nhiễm sán lá gan. Vào cơ thể ký chủ màng kén bị phân hủy và giải phóng ấu trùng. Ấu trùng tiếp tục di chuyển đến ống dẫn mật, ở lại đó và phát triển đến giai đoạn trưởng thành. Thời gian từ khi trâu, bò nuốt phải kén đến khi thành sán trưởng thành khoảng 3 tháng. Một sán lá trưởng thành có thể sống trong ống dẫn mật của gan khoảng 3 - 11 năm. *Đặc điểm dịch tễ:Bệnh xảy ra ở tất cả các loài nhai lại. Trâu, bò bị nhiễm bệnh nặng hơn và ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ trâu, bò nhiễm bệnh ở miền núi khoảng 30 - 35 %, vùng đồng bằng khoảng 40 - 70 %. Bê, nghé non bị bội nhiễm sẽ phát bệnh ở thể cấp tính. Với điều kiện khí hậu ở nước ta, bệnh có thể xảy ra quanh năm. Hầu hết tất cả các trâu, bò nhập nội đều mắc bệnh sán lá gan, kể cả bò sữa. Trâu, bò nhiễm sán lá gan khi gặp điều kiện không thuận lợi như: làm việc nặng, thiếu thức ăn thô xanh, thời tiết lạnh vào vụ Đông – Xuân sẽ dễ phát bệnh và người chăn nuôi thường nhầm lẫn là bệnh truyền nhiễm. *Triệu chứng: - Thể cấp tính: Trâu, bò bỏ ăn, chướng hơi dạ cỏ, sau đó ỉa chảy dữ dội, phân lỏng màu vàng xám, mùi tanh. Chỉ vài ngày sau, súc vật bệnh nằm bệt không đi lại được, nếu không được điều trị kịp thời con vật có thể chết trong tình trạng mất nước, rối loạn điện giải và kiệt sức. Hiện tượng này thường xảy ra ở bê, nghé dưới 1 năm tuổi. - Thể mãn tính: Trâu, bò bị bệnh sẽ gầy dần, cơ thể suy nhược, ăn ít, niêm mạc nhợt nhạt, lông xù, dễ rụng, thường thủy thũng ở mi mắt, yếm ngực, nhai lại yếu, thiếu máu, chướng bụng nhẹ, ỉa chảy kéo dài, có khi ỉa táo bón, đôi khi có triệu chứng thần kinh. Gia súc cái mất dần khả năng sinh sản và cho sữa. Trâu, bò cho sữa bị bệnh thì lượng sữa giảm tới 20 – 50%. Trâu, bò có thể chết do kiệt sức. Người chăn nuôi cũng cần phân biệt các triệu chứng trên với bệnh ký sinh trùng đường máu đó là: trâu bò mắc bệnh ký sinh trùng đường máu cũng có các biểu hiện như: gầy yếu, thiếu máu, sản lượng sữa giảm, hoàng đản, tiêu chảy. Nhưng bệnh ký sinh trùng đường máu trâu, bò thường sốt 40 – 420C, khi sốt cao thường thể hiện triệu chứng thần kinh: quay cuồng, đi vòng tròn, run rẩy từng cơn. Trong khi bệnh sán lá gan trâu, bò thường ỉa chảy kéo dài, viêm ruột, phân lỏng xám có mùi tanh. *Bệnh lý: Sán non trong quá trình di hành làm tổn thương mô gan, viêm gan nhiễm khuẩn, gây hiện tượng viêm túi mật, tắc ống dẫn mật, tổn thương niêm mạc ruột non. Sán lá trưởng thành sống trong các ống dẫn mật, thường xuyên kích thích niêm mạc ống mật, mật bị ứ lại thấm vào máu gây chứng hoàng đản. Ngoài việc gây tổn thương gan, sán trưởng thành hút chất dinh dưỡng, hút máu trâu, bò để lớn, đồng thời tiết độc tố gây rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trâu, bò và dẫn đến tử vong do kiệt sức. *Phòng bệnh: Người chăn nuôi cần làm tốt công tác vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng chuồng trại; diệt mầm bệnh ở trong môi trường tự nhiên: ủ phân để diệt trứng sán lá gan. Định kỳ kỳ tẩy sán lá gan 2 lần/năm cho toàn đàn trâu, bò vào tháng 4 và tháng 8 hàng năm. Kết hợp có các biện pháp diệt ốc là ký chủ trung gian truyền lây bệnh này như: Dùng sulfat đồng (CuSO4) nồng độ 3 - 4‰ phun trên đồng cỏ và cây thủy sinh để diệt ốc, cắt đứt giai đoạn phát triển của sán lá ở thời kỳ ấu trùng hoặc nuôi vịt và cá để diệt ốc. Khi cắt cỏ cho trâu bò ăn, không cắt phần chìm trong nước, cỏ thu cắt từ vùng trũng, ngập nước cần được rửa sạch. Không nên chăn thả trâu bò tại các vùng đầm lầy, bờ kênh, mương, khu vực đọng nước. Đối với trâu bò mới nhập đàn cần kiểm soát tốt nguồn thức ăn, nước uống, những vùng bị nhiễm nặng không chăn thả tự do để tránh nguy cơ nhiễm sán lá gan. Đồng thời phải theo dõi, kiểm tra và tẩy sán lá gan kịp thời cho những con đang bị mắc bệnh. Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt trâu, bò để nâng cao thể trọng và sức đề kháng với bệnh sán lá gan và các bệnh giun sán khác. *Điều trị: Khi phát hiện trâu bò mắc bệnh người chăn nuôi cần tiến hành điều trị kịp thời cho con vật bằng một trong các loại thuốc sau: - Sử dụng thuốc Fasinex: Liều dùng 12mg/kg thể trọng. Cách dùng: cho uống, hoặc trộn vào thức ăn. Thuốc này có hiệu quả rất tốt đối với cả sán lá gan dạng non và trưởng thành hoặc đang di hành trong nhu mô gan. - Sử dụng thuốc Dertil – B của Hanvet, dạng viên nén tròn, có màu hồng. Liều dùng 1 viên dùng cho 50 kg thể trọng. Tốt nhất là cho trâu, bò uống vào buổi sáng, uống xong có thể cho trâu, bò đi chăn thả bình thường. Có thể dùng cỏ, lá chuối non để gói viên thuốc và đưa sâu vào miệng cho con vật nuốt ăn cùng. Thuốc diệt sán lá gan trưởng thành, sán lá non đang di hành trong nhu mô gan. - Sử dụng thuốc Benvet 600 của công ty thuốc thú y xanh Việt Nam, dạng viên nén bầu dục, màu trắng. Liều dùng: 1 viên dùng cho 60 kg thể trọng, cho uống vào sáng sớm trước khi đi chăn thả. Ngoài ra, có thể tẩy sán lá gan cho trâu, bò bằng thuốc Fasciolid, Tolzan F, Okazan. Trong quá trình dùng thuốc điều trị bệnh cần sử dụng thêm thuốc bồi bổ, tăng sức đề kháng cho trâu, bò như: VTM C, B1, B12 tiêm theo liệu trình từ 3 – 5 ngày và có chế độ dinh dưỡng tốt để nhanh hồi phục sức khỏe. Có thể nói phát triển chăn nuôi đàn gia súc nhai lại nói chung và trâu, bò nói riêng đang có nhiều ưu điểm và lợi thế so với động vật dạ dày đơn đó là nhờ vào khu hệ vi sinh vật dạ cỏ mà giúp chúng có thể sử dụng và chuyển hóa những nguồn thức ăn thô, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa thành những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế như thịt, sữa. Vì vậy, trâu bò là đối tượng vật nuôi được nhiều người chăn nuôi lựa chọn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo có tính bền vững và hiệu quả. Để khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của loại vật nuôi này, người chăn nuôi ngoài việc chọn giống có năng suất cao, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm thì cần quan tâm xử lý tốt các bệnh do ký sinh trùng gây ra, trong đó có bệnh bệnh sán lá gan sẽ giúp vật nuôi sống khỏe mạnh, sinh trưởng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao nhất./.