Nuôi dúi - một hướng đi mới cần nhân rông

Thứ ba - 24/09/2019 21:58 5.673 0
Dúi là động vật thuộc họ gặm nhấm phân bố ở hầu khắp các vùng nước ta. Hình thù bên ngoài Dúi không khác chuột nhiều nhưng khi trưởng thành trọng lượng của Dúi có thể đạt 3kg/con, trung bình từ 1,6 đến 1,7kg.
Nuôi dúi - một hướng đi mới cần nhân rông
Thịt Dúi thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng. Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt, nên hiện nay Dúi không đủ cung cấp cho thị trường. Mấy năm trở lại đây, một số hộ dân ở các tỉnh đã thuần hóa nuôi dưỡng thành công loài Dúi, hứa hẹn mô hình phát triển kinh tế mang lại lợi nhuận cao.
 Dúi là loại động vật có phổ thích nghi rộng, thức ăn dể kiếm chi phí thức ăn thấp, ước tính mỗi Dúi chi phí vào khoảng 10.000 đồng/tháng, nếu nuôi thành công, giá bán Dúi thương phẩm ra thị trường hiện nay khoảng 300 -  350 ngàn đồng/kg.
       Tại Nghệ An, có thể nói rằng điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn thức ăn phong phú, đa dạng rất phù hợp với nuôi Dúi. Đây là đối tượng dễ nuôi, quy trình kỹ thuật không quá phức tạp, tỉ lệ nuôi thành công cao nên cần được tuyên truyền, phổ biến nhân rộng nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, nghề nuôi Dúi vừa giúp người nông dân phát triển kinh tế mà không phải phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, thời tiết vừa khắc phục được tình trạng khai thác và tận diệt nguồn thú hoang dã trong tự nhiên, góp phần bảo vệ được sự cân bằng về sinh thái.           
Để nuôi Dúi có hiệu quả và góp phần tăng thu nhập kinh tế, nông dân cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
  • Về Chuồng trại và dụng cụ nuôi: Dúi thích ánh sáng tán xạ, cho nên chuồng nuôi nên làm nửa sáng, nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt, gió lùa và nắng nóng, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Nền và sân chuồng nên tráng bằng bê tông dốc 1 - 2%, dày 8 - 10cm để Dúi không đào hang chui ra ngoài và thoát nước xung quanh rào bằng lưới ô vuông hoặc thép B40, cao 1,0 - 1,5 m, phía trước có cửa ra vào thuận lợi. Mỗi ô chuồng nuôi 1 - 2 con chỉ cần khoảng 1m. Hệ thống cống rãnh thoát nước thiết kế ở phía sau, ngoài chuồng.
Trong tự nhiên, Dúi hay ở hang nên ta cũng có thể làm hang nhân tạo cho Dúi (Bằng tôn uốn cong hoặc bằng ống cống đường kính 30 - 40 cm) và để ở ngoài sân chơi để tiện vệ sinh.
  • Về Thức ăn: Thức ăn của Dúi phong phú và đa dạng, bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, rễ cây, mầm cây ngọt bùi đắng chát thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn bổ sung khoáng, sinh tố, thức ăn động vật gồm: côn trùng, ốc, giun đất...
Về khẩu phần thức ăn trung bình cho 1 con/ngày như sau:
- Dúi 2 - 3 tháng tuổi: 50 - 100 g rau, củ quả; 5 - 10 g thức ăn hỗn hợp và 5 - 10 g lúa, ngô, đậu các loại.
- Dúi 3 - 6 tháng tuổi: 100 - 250 g rau, củ, quả; 10 - 15 g thức ăn tổng hợp; 5 - 15 g thức ăn hạt thóc, đậu và 3 - 10 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.
-  Dúi 6 - 9 tháng tuổi: 250 - 350 g rau, củ, quả; 15 - 30 g thức ăn tổng hợp; 15 - 30 g thức ăn hạt các loại và 10 - 20 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.
Có thể thay dầu dừa, dầu phộng bằng giun đất, côn trùng (kiến, mối, sâu, bọ...), thức ăn tinh hỗn hợp có thể dùng thức ăn viên dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi của các hãng chế biến thức ăn.
       Chúng ta có thể điều chỉnh lượng thức ăn bằng cách quan sát, nếu sau 12 giờ cho ăn thấy Dúi ăn hết thì bổ sung thêm, ngược lại nếu thức ăn còn thừa nhiều thì giảm bớt những lần cho ăn sau. Khi cho ăn đủ thức ăn rau, củ, quả tươi thì Dúi không cần uống nước hoặc uống ít nước. Thức ăn còn thừa sau 12 giờ, bị úa vàng, chua, mốc phải bỏ đi, đảm bảo cho dúi thức ăn tươi, xanh, sạch đề phòng bệnh tiêu chảy, Dúi sẽ khỏe mạnh ít dịch bệnh Dúi thường chịu rét tốt hơn chịu nóng, nếu nóng trên 35 0C, cần có quạt thông gió cho thoáng mát.
  • Về nuôi dưỡng chăm sóc và xuất bán
Dúi giống để nuôi thường được 2 - 3 tháng tuổi, trọng lượng 1,5 - 2,0 kg/con, đã quen ăn các thức ăn do con người cung cấp trong điều kiện nuôi dưỡng nhân tạo.
Trước khi bán thịt 30 - 40 ngày, vỗ béo cho dúi bằng cơm, tấm gạo, bắp xay 60 - 70% trộn với thức ăn đậm đặc hoặc thức ăn tinh hỗn hợp loại dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi 30 - 40%.  Dúi tăng trọng rất nhanh và béo khỏe, có thể đạt 0,5 - 0,7 kg/tháng, bán được giá, cho hiệu quả kinh tế cao.
  • Về phòng và trị bệnh.
Để phòng bệnh cho Dúi, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa, nắng nóng và không cần ánh sáng trực tiếp... Dúi là động vật hoang dã, mới được thuần hóa, sức đề kháng rất mạnh nên ít dịch bệnh. Tuy nhiên, Dúi vẫn bị một số bệnh thông thường như bệnh ký sinh trùng ngoài da, bệnh đường ruột
Bệnh ký sinh trùng ngoài da: Do ve, mò (1 loài ký sinh) cắn gây nên ghẻ lở, ta có thể dùng thuốc kháng sinh bôi hoặc Dúi tự liếm cũng có thể khỏi. Để phòng bệnh, ta nên định kỳ vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại và xung quanh 1 - 2 lần/tháng.
Bệnh đường ruột : Thường do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ thành phần và giá trị dinh dưỡng nên Dúi có thể bị tiêu chảy, trong trường hợp đó, ta có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa... Để phòng bệnh tiêu chảy, không nên sử dụng các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng.
Như vậy có thể nói nuôi Dúi là một hướng đi mới, nên chúng ta cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các nội dung trên, để góp phần nuôi dúi thành công và đem lại lợi ích kinh tế cao./.

                                                         Hồ Hữu Sơn - nguồn TSKN


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây