Xã Giang Sơn Tây là 1 xã miền núi, cách trung tâm huyện Đô Lương 15 km, xã có điều kiện tự nhiên khá khó khăn, phát triển kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, trong đó: trồng trọt chú trọng vào lúa, ngô lạc và cỏ để phục vụ chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi chủ yếu Trâu, Bò, Lợn, Gà theo quy mô nông hộ.
Những năm gần đây được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ đảng chính quyền các cấp, đặc biệt là sự nỗ lực quyết tâm của người dân đã giúp Giang Sơn Tây từng bước thay đổi diện mạo, khởi sắc hơn trong phát triển kinh tế nông hộ, ổn định cuộc sống. Cùng với việc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì phát triển kinh tế nông hộ, trang trại trong chăn nuôi được người dân xã Giang Sơn Tây quan tâm đầu tư ngày càng có hiệu quả.
Với sự năng động, sáng tạo phát triển kinh tế nông hộ, thời gian qua, trên địa bàn xã đã xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến chị Nguyễn Thị Dinh, Chi hội phó phụ nữ xóm 4, một trong những hội viên phụ nữ phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi tổng hợp có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của địa phương.
Bén duyên với chị từ lớp tập huấn khuyến nông dành cho cán bộ chủ chốt thôn/ bản năm 2024 được tổ chức tại xã Giang Sơn Tây. Qua trò chuyện được biết chị là một trong những hội viên hội phụ nữ xóm 4 phát triển kinh tế gia đình từ mô hình chăn nuôi tổng hợp. Sau cuộc trò chuyện tại lớp tập huấn, tôi đã hẹn đến thăm nhà chị vào một chiều hè nắng oi ả. Tiếp đón chúng tôi với vẻ mặt niềm nở, tươi cười, nhìn căn nhà khang trang, gọn gàng, sạch đẹp có đầy đủ tiện nghi, chị Dinh chia sẻ: Vợ chồng chị từ khi xây dựng gia đình chỉ biết phát triển kinh tế từ trồng trọt và chăn nuôi. Nhưng vì không có vốn để khởi nghiệp, kỹ thuật còn non kém nên những năm trước đó làm ruộng và chăn nuôi không đủ để trang trải cho gia đình. Chị Dinh luôn trăn trở làm sao có thể làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Nhận thấy tiềm năng sẵn có của địa phương cùng với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn và đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Khi bắt tay vào làm, chị gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm và thiếu vốn. Nhưng với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đã giúp chị có thêm quyết tâm trong phát triển kinh tế. Trên diện tích vườn 700 m2 chị đã chia ra thành những khu chăn nuôi dành riêng cho lợn, gà và bò. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nên mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị đã thu hái được "trái ngọt", đem lại nguồn thu khá. Chăn nuôi lợn là nguồn thu nhập chính, hiện tại gia đình chị có 4 con lợn sinh sản. Giống lợn được gia đình nuôi là giống lợn lai, đây là một trong những giống lợn sinh sản tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương. Hiện mỗi năm đàn lợn cho đẻ 2 lứa, mỗi lứa xuất chuồng khoảng 40 con lợn thịt. Trung bình sau khoảng 4 tháng nuôi lợn đạt 100- 120kg/con, giá bán bình quân khoảng 60.000đ/kg lợn hơi. Sau khi trừ chi phí lãi mỗi con được khoảng 1,5- 2 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm còn xuất bán gần 500 con gà thịt chủ yếu là gà lai chọi và cỏ mía, trung bình mỗi con có trọng lượng 2,2 - 2,5kg, giá bán bình quân 100.000đ/kg, sau khi trừ chi phí thu về khoảng 25 - 30 triệu đồng. Với 2 con bò sinh sản mỗi năm gia đình chị cũng xuất bán 2 con bê được khoảng 25 triệu đồng. Bên cạnh đó gia đình chị còn được xã giao đất nông nghiệp với tổng diện tích 3.000m2 , trong đó có 2.000m 2 đất lúa và 1.000m 2 đất màu (ngô, vừng, lạc) để phục vụ cho gia đình cũng như trong chăn nuôi. Vì tận dụng lúa, ngô, … nên chi phí đầu vào cho chăn nuôi giảm đi đáng kể. Sau khi trừ chi phí mỗi năm từ mô hình chăn nuôi tổng hợp cho lãi trên 150 triệu đồng. Theo chị Nguyễn Thị Dinh, phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi tổng hợp có yếu tố rủi ro cao vì phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường, vật tư… Muốn thành công không thể áp dụng theo những phương pháp, kinh nghiệm truyền thống mà đòi hỏi phải không ngừng học tập, cập nhật kiến thức khoa học để áp dụng vào quá trình sản xuất của mình. Vì vậy hàng ngày chị luôn quan tâm, tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, các giải pháp khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, nhu cầu tiêu thụ của thị trường… trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, thông qua các lớp tập huấn được tổ chức tại xã nhà cũng như học tập kinh nghiệm từ chính các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã. Ngoài ra để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh, chị thường xuyên thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại sạch sẽ theo định kỳ 1 tháng 2 lần; tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo hướng dẫn cho lợn, gà, bò và cung cấp thức ăn đảm bảo chất lượng cũng như khẩu phần ăn. Đặc biệt, vào những ngày thời tiết thay đổi hoặc nắng nóng kéo dài.. chị còn bổ sung thêm các vitamin tổng hợp tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi như B-complex, riêng lợn, bò sinh sản bổ sung thêm vitamin ADE, khoáng chất để tăng sức sinh sản cho con vật. Nhờ vậy đàn vật nuôi của gia đình phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Dinh còn nhiệt tình tham gia công tác Hội phụ nữ và sẵn sàng giúp đỡ cho những gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời động viên người thân trong gia đình tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Ngoài ra, chị luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình của mình với những ai có nhu cầu tham khảo, áp dụng phát triển kinh tế. Đánh giá về mô hình chăn nuôi tổng hợp của địa phương, chị Trần Thị Lê, Chủ tịch hội Phụ nữ xã Giang Sơn Tây cho biết, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Dinh là một mô hình có hiệu quả, thể hiện sự năng động, sáng tạo của chị em phụ nữ trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương. Mô hình cũng tạo ra hướng đi phát triển bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương cho chị em phụ nữ. Thời gian tới, Hội phụ nữ xã sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn, thăm quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm và khuyến khích chị em trong hội trên địa bàn toàn xã mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình./. Khu chăn nuôi tổng hợp hộ chị Nguyễn Thị Dinh- xóm 4 xã Giang Sơn Tây- Đô Lương Lệ Hằng: Trung tâm Khuyến nông - nguồn TSKN