Nghệ An: Nhiều hộ dân nuôi đối tượng thuỷ sản mặn lợ hiệu quả
Thứ sáu - 01/11/2024 03:44980
Phải đối diện với nhiều khó khăn về điều kiện khí hậu, dịch bệnh trên tôm nuôi giai đoạn đầu vụ 1, đặc biệt là sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng nuôi ở một số vùng. Nhưng với sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các cơ chế chính sách của tỉnh ban hành kịp thời; nhận thức của người dân ngày được nâng cao; cùng với đó là các quy phạm, quy trình sản xuất tiên tiến như: VietGAP, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi lồng, nuôi tôm trong bể nổi và trong nhà có mái che, nuôi cá lồng công nghệ cải tiến, các đối tượng nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế cao…đã được thực hiện có hiệu quả cao trong sản xuất giúp người dân tiếp cận để mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; con giống từ mặn lợ đến nước ngọt đã cung cấp đủ cho người nuôi vào thời điểm chính vụ. Nhiều hộ nuôi tôm đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi nuôi một số đối tượng mặn lợ khác như: Cá vược, cá chim vây vàng, cá nâu, cá mú, cua ... từ đây cũng đã xuất hiện một số mô hình nuôi có hiệu quả.
Đối với những vùng có hạ tầng tốt, đồng bộ thì các hộ nuôi đã tiếp cận ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào nuôi trồng ngày càng quan tâm và có những bước phát triển tốt cụ thể như: Công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn,.. kết hợp với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cả vùng nuôi và từng cơ sở nuôi (xây dựng hệ thống nhà kín, lồng nổi có mái che nhằm ổn định nhiệt độ, hạn chế sự lây lan mầm bệnh và những tác động khác gây ảnh hưởng đến sinh trưởng tôm nuôi,...). Đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn với diện tích 136,75 ha (trong đó có 21 cơ sở nuôi tôm trong lồng nổi với 35,4ha). Mặt khác để thuận tiện trong công tác quản lý giám sát quá trình sản xuất nhiều cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn đã lắp thiết bị Camera, cập nhật dữ liệu trên hệ thống máy tính… Riêng những vùng nuôi tôm không đảm bảo và hộ dân không có điều kiện đầu tư thì đã chuyển qua hình thức nuôi luân canh 1 vụ tôm mật độ thưa và 1 vụ cá (cá chim hoặc cá vược, cá nâu, cá mú, cua ...); nuôi cá trong ao chứa sau đó sử dụng nước cho nuôi tôm hoặc nuôi xen ghép trong ao nuôi tôm, bước đầu cho hiệu quả.
Đầu tiên có thể kể đến mô hình nuôi cá chim vây vàng và cá hồng mỹ của ông Nguyễn Văn Tài xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu. Với tổng diện tích mặt nước của gia đình là 1,5 ha, trong đó ông chia ra 0,7 ha ao chứa nước và 0,8 ha ao nuôi trong đó có 02 ao nuôi cá chim vây vàng (diện tích 2.500 m2/1 ao; 01 ao nuôi cá hồng mỹ diện tích 3.000 m2).
Sau khi được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vấn giúp đỡ và tìm hiểu một số địa phương đã nuôi trước như: Quảng Trị, Huế ... anh đã mạnh dạn thả 15.000 con cá chim trắng vây vàng, cỡ giống 5-8 cm/con và 10.000 con cá hồng mỹ, cỡ giống bình quân 5cm/con. Sử dụng 60% thức ăn công nghiệp và 40% cá tạp các loại. Sau thời gian nuôi gần 7 tháng, qua kiểm tra, theo dõi hàng ngày theo kinh nghiệm của chủ hộ thì tỷ lệ sống ước đạt 70%, cỡ cá thu hoạch bình quân đạt 0,6 kg/con (đối với cá chim) và 0,8 kg/con (đối với cá hồng mỹ), cho sản lượng cá thương phẩm là 6 tấn (cá chim) và 5 tấn (cá hồng mỹ), giá bán tại ao 100 ngàn đồng/kg cá chim và 60 ngàn đồng/kg cá hồng mỹ, gia đình anh đã thu về 900 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí cá giống 2 loại 25.000 con, giá bình quân 7.000 đồng/1 con là 175 triệu đồng, thức ăn khoảng 400 triệu trong đó công nghiệp 300 triệu cá tạp 100 triệu, chế phẩm vi sinh, vôi ... 20 triệu, chi khác 10 triệu. Gia đình anh đã thu lãi ròng gần 300 triệu đồng. Ông chia sẻ thêm nếu nuôi đến cuối năm, khi đó cá chim thương phẩm đạt trên 1kg/con và cá hồng mỹ cũng trên 2 kg/con, giá bán sẽ cao hơn rất nhiều và đương nhiên thu nhập cũng vì thế mà tăng cao không kém gì nuôi tôm trước đây.
Đểminh chứng thêm cho kết quả nuôi của mình, ông Tài đã giới thiệu với chúng tôi một số hộ dân lấy cá giống cùng đợt để thả nuôi, chúng tôi đã tìm đến hộ anh Trần Mạnh Đồng xóm 3, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu. Với tổng diện tích là 2,0 ha mặt nước anh dành riên 1,0 ha để làm ao chứa nước diện tích còn lại được chia làm 4 ao nuôi với diện tích bình quân 2.500 m2/1 ao. Anh thả nuôi 2 ao cua (5.000 m2). Kết quả là trên diện tích 0,5 ha ao nuôi, thả 7.000 con cua giống, cỡ giống thả bình quân 50 con/kg, thức ăn cho cua chủ yếu là cá tạp. Sau 3 tháng nuôi, với tỷ lệ sống đạt 60%, cỡ cua đạt 0,2 - 0,3 kg/con, cho sản lượng cua thương phẩm là 1.000 kg, giá bán tại ao 420 ngàn đồng/kg, gia đình anh đã thu về hơn 400 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí cua giống 7.000 con, giá bình quân 10.000 đồng/con là 70 triệu đồng; cá tạp làm thức ăn cho cua 4.700 kg với giá bình quân 5.000 đồng/kg, hết gần 24 triệu đồng; chi khác 10 triệu đồng. Gia đình anh đã thu lãi ròng từ cuagần 300 triệu đồng. 02 ao còn lại, với diện tích 0,5 ha anh thả 15.000 con cá vược, cỡ giống bình quân 8 cm/con, cho ăn 70% thức ăn công nghiệp và 30% cá tạp. Hiện cá đang sinh trưởng phát triển tốt, qua kiểm tra hàng ngày cỡ cá bình quân đã đạt 0,5 kg/con với ước tính của anh cuối năm 2024 sẽ thu nhập thêm khoảng 300 - 400 triệu từ cá. Cách khu nuôi của anh Đồng khoảng 03 km là hộ ông Hồ Văn Dũng xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu. Sau nhiều năm nuôi tôm thẻ thua lỗ, thông qua các cán bộ Khuyến nông ông đã tìm hiểu quy trình kỹ thuật, ông đã chuyển qua nuôi cá chim trên diện tích 0,5 ha mặt nước (2 ao nuôi), với mật độ thả nuôi 3 con/1m2, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp một phần cá tạp. Sau gần 7 tháng nuôi cá đạt trọng lượng bình quân 0,6kg/con, tỉ lệ sống 70-80%, năng suất 6,5 tấn/0,5 ha (13 tấn/ha).Với giá bán hiện tại khoảng 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ 150 - 170 triệu đồng/0,5 ha (700 - 800 triệu đồng/ha). Ngoài ra, còn phải kể đến mô hình nuôi cá rô phi trong ao tôm của chị Nguyễn Thị Sao phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai. Với diện tích 3.000 m2 ao nuôi, sau nhiều năm nuôi tôm thẻ không hiệu quả do hạ tầng xống cấp không có đầu tư, dịch bệnh và tôm phải thu hoach sớm. Chị đã quyết định chuyển qua nuôi cá Rô phi đơn tính kết hợp trong ao tôm. Trên cơ sở ao nuôi tôm có sẵn Chị đã làm hệ thống đăng quầng khu vực giữa ao (rốn siphong) diện tích khoảng 200 m2/tổng 3.000 m2 ao nuôi (tỷ lệ chiếm 7% diện tích). Sau gần 4 tháng nuôi số tôm thu được gần 3 tấn tôm cỡ bình quân 40 con/kg giá bán 140.000/kg thu về 420 triệu và 650 kg cá cỡ 0,8 kg/con bán giá 50.000/kg thu về 32 triệu. Trừ các khoản chi phí cơ bản như: Tôm giống và cá rô phi đơn tính 25 triệu thức ăn cho tôm 120 triệu, cải tạo chăm sóc, thuốc, chế phẩm sinh học... 20 triệu. Lãi ròng gần 300 triệu/0,3 ha/vụ nuôi. Vẫn còn một số hộ dân nuôi tôm của các Phường Quỳnh Xuân, Mai Hùng Thị xã Hoàng Mai, xã Diễn Vạn, Diễn Thịnh huyện Diễn Châu, Nghi Hợp, Nghi Quang huyện Nghi Lộc, xã Nghi Thái, Hưng Hòa Thành phố Vinh cũng đang tiến hành nuôi các đối tượng thủy sản mặn lợ như cá Mú, cá vược, cá nâu ... và đang trong quá trình quản lý chăm sóc và theo dõi. Có thể thấy những mô hình nuôi một số đối tượng thủy sản mặn lợ ở trên bước đầu đã có kết quả khả quan. Tuy nhiên để phát triển nuôi những đối tượng này một cách bền vững, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý, tập huấn kỹ thuật và xây dựng một số mô hình trình diễn để đúc rút bài học kinh nghiệm từ đó nhân ra diện rộng./.
Thả giống cá chim vây vàng tại hộ anh Hồ Văn Dũng xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu