Bảo vệ diện tích thủy sản, giảm thiệt hại giai đoạn chuyển mùa
Chủ nhật - 08/08/2021 21:107430
Nghệ An là tỉnh ven biển có bờ biển dài hơn 82 km, gồm 06 cửa lạch và có nhiều sông suối, hồ đập chứa nước phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản lớn. Trong đó, Diện tích tiềm năng có thể đưa vào nuôi trồng thủy sản của Nghệ An là 52.092 ha (nuôi ngọt: 46.920 ha; nuôi mặn, lợ: 3.872 ha, có 520 hồ thủy lợi, thủy điện với 9.350 ha…
Bên cạnh đó, còn có các trại sản xuất giống thủy sản ven biển. Trước thời điểm chuyển mùa sang mùa mưa bão để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về cơ sở hạn tầng nuôi, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau. Trước khi mưa bão: Bà con nuôi trồng thủy sản chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên vật liệu; bố trí nguồn nhân lực và chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó; thông tin đầy đủ về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tăng cường công tác quản lý ao, đầm, bảo vệ tài sản. gia cố ao nuôi tránh sạt lở, chuẩn bị lưới để đăng chắn quanh bờ ao trước khi xảy ra ngập lụt Đối với ao nuôi cá nước ngọt ở các vùng úng trũng, hằng năm thường bị ảnh hưởng khi lũ về, người nuôi cần có kế hoạch sản xuất để tiến hành thu hoạch trước, tránh thất thoát sản phẩm khi bão lụt xảy ra. Đối với những ao không bị ảnh hưởng trực tiếp lũ lụt, người nuôi cần củng cố, tu bổ và kiểm tra các bờ ao, bờ cống. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,5 m trở lên. Bố trí đặt cống để chủ động xả nước trong ao, đề phòng nước tràn bờ; chuẩn bị lưới, đăng chắn, dụng cụ gia cố hệ thống bờ bao, cống đề phòng khi có tình huống xấu xảy ra. Trong trường hợp không thể gia cố bờ cao hơn thì có thể dùng lưới ni-lông cùng với các cột gỗ quây chung quanh ao để tránh cá ra ngoài khi nước dâng cao, tràn bờ. Đối với nuôi tôm nước lợ, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, như: Gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm; thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra. Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước. Trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và để mực nước trong ao cao nhất. Khi trời mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát. Đối với nuôi lồng bè: cần tiến hành thu hoạch trước mùa mưa bão nếu đạt kích cỡ thu hoạch. Nếu không thể thu hoạch trước mùa mưa bão thì cần kiểm tra, tu sửa lại lồng, bè, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng bè vào những nơi kín gió, nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè. Sau khi mưa bão, cần tiến hành xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao; kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng, bè nuôi, bảo đảm các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép; di chuyển lồng, bè đến vùng nuôi có chất lượng nước phù hợp (nếu cần thiết); bổ sung vi-ta-min hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời, sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm). Trong trường hợp có thủy sản bị chết thì xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương (tiến hành tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước). Lệ Hằng: Trung tâm khuyến nông