Thứ sáu, 22/11/2024, 21:45

Tăng cường các giải pháp hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị hải sản Nghệ An sau khai thác

Thứ sáu - 30/07/2021 03:39 1.035 0
Trước tình trạng nguồn lợi thủy sản tại các ngư trường biển ngày càng suy giảm, vài năm lại đây, các địa phương, trong đó có Nghệ An song song với động viên, hỗ trợ ngư dân tìm tòi nghiên cứu và đầu tư nhiều trang thiết bị đánh bắt phù hợp thì một trong những vấn đề đặt ra là phải tăng cường khâu bảo quản, chế biến sau đánh bắt để cao nâng giá trị hải sản đánh bắt được.
Tăng cường các giải pháp hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị hải sản Nghệ An sau khai thác
Cái khó đang “bó” cái khôn
          Thời điểm trước mùa mưa bão là thời điểm ngư dân tỉnh miền Bắc tranh thủ điều kiện thời tiết tốt để đánh bắt hải sản. Vì thế, so với các thời điểm trong năm, từ tháng 3 đến tháng 7 là ngư dân đánh được hải sản nhất. Tuy nhiên, năm nay, do điều kiện dịch bệnh Covid nên hải sản đánh bắt ra không xuất khẩu được nên giá rẻ đến 30%, thậm chí bị ế ngay tại bến. Có mặt tại bến cá Quỳnh Lập (Tx Hoàng Mai), chúng tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Xuân Hùng ở xóm Tân Thành, xã Quỳnh Lập vừa bán hàng xong và chuẩn bị cho chuyến biển mới, anh cho biết: từ đầu năm đến nay, cũng như nhiều tàu cá khác, anh đi được mấy chuyến biển nhưng nhìn cung đều lỗ tiền dầu. Cũng may từ đầu tháng 4 lại đây, đi biển đã được hơn nhưng giá cũng giảm mạnh, vừa rồi đi được 3 chuyến thì mỗi chuyến bán được 200 triệu. ngoài chi phí dầu và lương 11 lao động, lãi hơn 40 triệu không thì áp lực lắm.
          Theo ông Hùng, tàu của gia đình có chiều dài 24,8 m chủ yếu đánh xa bờ nên mỗi chuyến biển (từ 5-7 ngày) mất 1 nửa chi phí tiền dầu. Cụ thể, chuyến biển này đánh được 200 triệu thì cho phí dầu mất 99 triệu và lương cho 11 lao động gần 50 triệu (mỗi tháng 9-10 triệu/người). Do chi phí quá lớn và để giảm chi phí bảo quản, ông được Sở Nông nghiệp % PTNT và Trung tâm khuyến nông tỉnh mời tham gia một vài lớp tập huấn của khuyến nông về lắp đặt thùng PU ướp cá trên tàu. Mới đây, Sở Khoa học công nghệ cũng mời tham gia lớp tập huấn chuyển đổi từ đánh bắt cao áp sang đèn led để đỡ tiền dầu. Tuy nhiên, thực tế tàu là do 6 người chung, đóng mất 8 tỷ từ năm 2018, nay muốn lắp đặt, chuyển đổi, mỗi khoản mất thêm khoảng 400 triệu/tàu trong điều kiện 2 năm lại đây đánh bắt không được nên bản thân anh dù muốn nhưng chủ tàu khác không muốn thì đành chịu.
          Tương tự, anh Lê Hội Huấn ở xóm Tâm Tiến là chủ cơ sở thu mua, bảo quản hải sản tại bến Quỳnh Lập. Với năng lực kho đông khoảng 200 tấn, trước đây, hải sản nào gia đình cũng mua cấp đông. Tuy nhiên, hiện nay, do đầu ra không có và khó bán và cấp đông lâu sẽ làm chi phí điện tăng lên. Vì vậy anh chỉ chọn hải sản nào có giá trị hoặc thời điểm hàng về nhiều và rẻ thì mới mua vào để cấp đông; còn các hải sản thông thường và có mối bán thì gia đình sắm thêm các xe đông lạnh, mua trên bến xong là đổ đá lạnh xay sẵn vào khay chở đi các đầu mối. Cách làm này lời ít nhưng giảm chi phí và cũng bán được sản phẩm nhanh hơn.
Anh Huấn cho biết thêm: là người bán hải sản trên bờ nên thường xuyên nhận được góp ý của khách hàng về chất lượng sản phẩm. Gần đây, khi hàng đến được các khách hàng lớn, họ đều khuyến cáo các chủ tàu đánh bắt xong phải bảo quản hải sản đúng cách thì khi bán mới không bị ép, bản thân cũng trao đổi nhưng ngư dân ta chưa làm được. Một mặt hạ tầng kho chứa dưới tàu chưa đồng bộ khiến hải sản dễ bị hư hỏng, biến chất và mặt khác các cơ sở chế biến, cấp đông cũng chịu sức ép vì bình quân đầu tư 1 kho hàng 150 tấn mất 1 tỷ đồng, hàng tháng phải mất từ từ 50-100 triệu tiền điện/tháng và công cho hàng chục lao động nên không khéo thu mua, tính toán thì sẽ lỗ bể mặt như chơi.
Đây là thực tế đã xảy ra ở các kho đông hải sản phường Quỳnh Phương, Quỳnh Lập (Tx Hoàng Mai) và Quỳnh Long, Sơn Hải (Quỳnh Lưu). Vài năm lại đây, do ngành nghề đánh bắt khó khăn nên thay vì đầu tư nâng cấp năng lực kho và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm giảm chi phí và tăng giá trị cho hải sản thì các chủ cơ sở bỏ dần kho đông và chuyển sang mua xe đông lạnh để chở đi các chợ đầu mối nhập hoặc theo đường tiểu ngạch đi Lào, Trung Quốc...  
           Ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học công nghệ cho biết: hiện nay, công nghệ bảo quản và cấp đông hải sản có thay đổi theo hướng hiện đại và nhiều phân khúc công nghệ. Kho đông lạnh dưới tàu cá hay trên bờ đều có thể ứng dụng, lắp đặt bảo quản qua đó mang giá trị cao cho hải sản sau đánh bắt. Cái khó hiện nay của bà con ngư dân tỉnh ta là công nghệ bảo quản mới thường đắt và tàu hay cơ sở thu mua, chế biến của ta đều quy mô nhỏ, giá trị hải sản chưa cao nên đầu tư không biết khi nào thu hồi lại vốn. Hiện nay công nghệ bảo quản giá hàng triệu USD và nhỏ nhất cũng phải 2 tỷ đồng/1 kho/300 tấn nên cái khó bó cái khôn.
Thực tế có những bà con sau khi được tập huấn cũng như Sở mời chuyên gia về tận cảng cá để hướng dẫn, chuyển giao nhưng chỉ 1 số chủ tàu theo Nghị định 67 và sau này là Nghị định 17 mới dùng công nghệ PU hoặc công nghệ đá lạnh kết hợp bơm nước biển vào cấp đông cá, quá ít so với 1.300 tàu xa bờ hiện nay.
Gấp rút có giải pháp nâng cao giá trị hải sản sau khai thác ?
          Trong điều kiện sản lượng đánh bắt hải sản ngày càng giảm nên một trong những câu hỏi đặt ra đối với ngư dân là phải đánh các hải sản có giá trị và sau đánh bắt xong phải được bảo quản đúng cách. Anh Hoàng Huy Phương – chủ một cơ sở đông lạnh tại khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương (Tx Hoàng Mai) cho hay: để nâng cao giá trị hải sản thì việc đảm bảo chất lượng và hình thức hải sản là quan trọng nhất. Tại cơ sở, sau khi mua từ bến về, hàng được tuyển lựa lại và chỉ dùng những đạt chuẩn mới đưa vào kho đông. Khi đưa vào kho cũng phải xếp theo lớp trên giá ngăn nắp, cẩn thận để đảm bảo chất lượng và tươi nguyên.
Là chủ cơ sở mỗi năm mua hàng ngàn tấn hải sản từ khắp nơi nhưng bản thân anh Phương thấy ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị bảo quản hải sản sau đánh bắt trên tàu tốt và bài bản hơn ngư dân Nghệ An nhiều. Hiện nay, hải sản do ngư dân Nghệ An đánh bắt về bỏ khá cẩu thả, thường chồng lên nhau và trong kho dưới thuyền đều không có giá đỡ nên tỷ lệ hải sản bị méo mó, hư hỏng dẫn đến bị ép, giảm giá bán khi mua tại bến và chủ cơ sở thu mua cũng không mặn mà.
Vì vậy sau dăm năm chạy cấp đông bằng công nghệ cũ khá tốn điện, anh Phương, anh Huấn và nhiều chủ kho đông ở Tx Hoàng Mai đã đầu tư công nghệ mới theo chuẩn Mỹ, trong kho lắp đặt các giá đỡ để khay cá. Nhờ vậy, dù mất chi phí khoảng 2 tỷ đồng/1 kho đông 150 tấn nhưng thời thời gian cấp đông (- 50 độ) đã giảm từ 9-10 tiếng xuống còn 4- 5 tiếng và hải sản sau cấp đông đảm bảo tươi ngon gần 98%, nếu gom và thời điểm bán ra phù hợp, giá trị tăng từ 30-50%.
          Đại diện Phòng Quản lý Công nghệ - Sở Khoa học công nghệ Nghệ An cho biết: mặc dù chi phí lắp đặt ban đầu lớn nhưng để nâng cao giá trị hải sản sau khai thác và quan trọng hơn là hướng tới thị trường xuất khẩu, không có cách nào khác là bà con ngư dân phải đầu tư và quan tâm đến khâu bảo quản hải sản sau đánh bắt; ngành nông nghiệp và các huyện, thị cần tăng cường các lớp tập huấn về kỹ thuật sơ chế, bảo quản hải sản cho ngư dân sau đánh bắt...
 Ngoài ra, phải tiếp tục có lộ trình, kế hoạch thay thế hệ bóng đèn chiếu sáng bằng cao áp, công suất lớn bằng đèn Led sẽ hiệu quả và đỡ tốn dầu chạy máy phát điện hơn. Theo tính toán, trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần mỗi chuyển biến giảm được vài chục triệu đồng chi phí mỗi chuyến biển đã là thành công.
          Trao đổi với chúng tôi, các cơ sở thu mua chế biến hải sản tại Tx Hoàng Mai phản ánh: trong khi các cơ sở thu mua bảo quản hải sản tại phường Nghi Tân, Tx Cửa Lò được ngành điện áp giá điện từ 1.600 đến 1.800 đồng/kwh (giá điện dành cho sản xuất) các cơ sở bảo quản hải sản tại Tx Hoàng Mai) phải áp giá điện kinh doanh là 2.600 đồng/kwh, tăng gần 1000 đồng/kwh là chưa thỏa đáng và hợp lý.
          Hiện nay, trong khi một số tỉnh đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi, lắp đặt công nghệ bảo quản mới trên tàu cá hoặc các cơ sở bảo quản trên bờ thì Nghệ An chưa có hoặc do giá thành quá cao nên các chủ tàu và cơ sở thu mua không dám đầu tư. Hiện nay, theo thông lệ, nếu nhà nước có hỗ trợ, tài trợ cũng chỉ theo cơ chế 20-80 hoặc 30-70 nên không phải chủ tàu hoặc chủ cơ sở nào cũng đủ năng lực (gồm cả vốn và kỹ thuật) để nhận dự án.
            Ông Nguyễn Văn Hà - Chi cục trưởng Chi cục chế biến Nông lâm hải sản cho hay: để nông sản và hải sản nói riêng nâng cao giá trị sau thu hoạch hay đánh bắt, cần đa dạng các kênh chế biến, bảo quản. Cùng với nghiên cứu hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản cấp đông theo hướng hiện đại chuyên sâu; cần xây dựng nhãn hiệu cho từng con, sản phẩm mũi nhọn của địa phương (không nên tràn lan) và tìm kiếm thị trường xuất khẩu để hải sản mang lại giá trị cao. Mặt khác, cần mở rộng bản quản, chế biến theo kiểu truyền thống. Dù nhỏ lẻ nhưng “góp gió thành bão” các lò hấp sấy hay sản xuất nước mắm, chế biến dân gian đơn giản như làm mực, cá một nắng đã mang lại thương hiệu riêng cho hải sản Nghệ An. Đương nhiên, khi làm theo hướng này, ngành nông nghiệp cần tăng cường hướng dẫn, quản lý để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
          Theo chúng tôi, để tìm đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cho nông sản trên địa bàn tỉnh, Trung tâm khuyến nông tỉnh cần mạnh dạn phối hợp với Chi cục chế biến nông, lâm hải sản tỉnh tổ chức thêm các lớp bảo quản hải sản trên tàu cá và trên bờ cho bà con ngư dân; quan tâm chấn chỉnh công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu cá và kho đông trên bờ để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc. Đây là 1 trong những điểm yếu khiến thủy sản Việt Nam sau 4 năm Hiệp hội Châu Âu rút thẻ Vàng cảnh cáo nhưng đến nay vẫn chưa xóa thẻ được khiến giá cả và đầu ra hải sản liên tục gặp khó khăn, bị thị trường quốc tế ép giá./.
Nguyễn Hải
Báo Nghệ An - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây