Thứ sáu, 22/11/2024, 03:57

Chủ động phòng chống nắng nóng cho vật nuôi

Thứ tư - 31/05/2023 03:59 689 0
Nghệ An là tỉnh có ngành chăn nuôi khá phát triển thuộc tốp đầu cả nước, tính đến cuối năm 2022 với tổng đàn trâu, bò ước đạt 788.000 con; trong đó, đàn trâu 268.000 con; đàn bò 520.000 con (bò sữa, bê sữa 79.960 con; bò, bê lai khoảng 400.000 con chiếm 76,92% tổng đàn bò); đàn lợn ước đạt 1.100 nghìn con (trên 850 lợn đực ngoại, 40.000 nái ngoại); gia cầm ước đạt 33.046 nghìn con.
Chủ động phòng chống nắng nóng cho vật nuôi
Tuy nhiên Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt, đặc biệt là mùa hè chịu ảnh hưởng lớn từ gió phơn tây nam (gió lào) rất khô và nóng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sức khoẻ đàn gia súc gia cầm nói riêng. Cụ thể là dưới tác động của thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ môi trường cao, dẫn đến nguy cơ làm cho đàn vật nuôi sốc nhiệt, ảnh hưởng đến quá trình điều hoà thân nhiệt, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá thức ăn, .. nhất là đối với các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, mật độ cao sẽ làm cho sức sinh trưởng phát triển, năng suất và chất lượng đàn vật nuôi bị giảm sút, nguy cơ xảy ra nhiều loại dịch bệnh như bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, bệnh tai xanh lợn, cúm gia cầm, tiêu chảy, cảm nóng, cảm nắng,.. Để giảm thiểu tác động do thời tiết bởi nắng, nóng gây nên, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhất là những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao cần tuân thủ chặt chẽ các chủ trương và khuyến cáo về giải pháp kỹ thuật của các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có kế hoạch cụ thể phòng, chống nắng nóng cho gia súc gia cầm một cách có hiệu quả.
Hai là, chuồng trại phải thoáng mát, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, thu gom và xử lý triệt để chất thải. Khu vực xung quanh chuồng nuôi cần có cây xanh tạo bóng mát. Bố trí hệ thống làm mát chuồng nuôi gia súc, gia cầm như: hệ thống thông gió, quạt điện, phun nước làm mát mái chuồng, xung quanh chuồng nuôi nhằm mục tiểu làm giảm nhiệt. Chủ động nguồn điện hoặc máy phát điện phục vụ cho hệ thống làm mát, không để xảy ra trục trặc, lỗi kỹ thuật.
Ba là, giảm mật độ nuôi nhốt, đối với trâu bò đảm bảo diện tích từ 4 - 6m2/con, bê nghé 1 - 2 m2/con; Lợn thịt từ 1,1 - 1,3m2/con, đối với gà con nên úm 50 - 60 con/m2; Đối với gà 0,5 - 1 kg: nhốt 20 - 30 con/m2; Đối với gà 2 - 3 kg: nhốt 7 - 10 con/m2; .. để đảm bảo thông thoáng, giảm nhiệt trong chồng. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao cần tắm rửa cho gia súc 2-3 lần/ngày, nên chăn thả gia súc buổi sáng từ 6 - 9 giờ; buổi chiều chăn thả sau 16 giờ; không chăn thả hoặc để gia súc làm việc khi thời tiết nắng nóng. Nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao nên nhốt gia súc và cho ăn tại chuồng hoặc chăn thả những nơi có cây xanh, bóng mát. Lưu ý khi vận chuyển gia súc, gia cầm cần thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, nếu vận chuyển đường dài thì cần kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, cho gia súc gia cầm nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung thức ăn, nước uống sạch sẽ, đầy đủ, kịp thời.
Bốn là, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi cần chuẩn bị đầy đủ thức ăn thô xanh (trâu bò, dê, ..), thức ăn tinh dự trữ, thức ăn bổ sung, nhất là nguồn nước uống sạch để cung cấp cho gia súc, gia cầm. Phải đảm bảo đàn vật nuôi luôn được cung cấp đầy đủ nước uống, chất dinh dưỡng, khoáng, premix, .. để nâng cao thể trạng, sức đề kháng. Tuy nhiên cần điều chỉnh giờ ăn, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát hoặc vào ban đêm; những ngày nắng nóng, cần giảm 5 – 10% lượng thức ăn so với những ngày bình thường; đối với gà đẻ, rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao, nên cần tránh nuôi gà quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh. 
Năm là, thực hiện tốt công tác vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh định kỳ bằng các loại hoá chất thông dụng như Virkon, Han-Iodine, Benkocid  và rải vôi bột…, tẩy giun sán, ký sinh trùng và tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo đúng quy trình. Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời những gia súc, gia cầm có biểu hiện bị dịch bệnh, bất thường do nắng nóng gây nên để cách ly, điều trị, chăm sóc. Nguyên tắc phòng và trị khi gia súc gia cầm bị cảm nắng, cảm nóng là tìm mọi biện pháp tăng cường thải nhiệt cho cơ thể, phục hồi và duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, tăng cường các biện pháp trợ sức, trợ lực cho vật nuôi nhằm giảm thiệt hại thấp nhất.
Như vậy để hạn chế và giảm thiểu thiệt hại do thời tiết nắng nóng gây ra cho gia súc gia cầm vào mùa hè, người chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giúp đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi./.
      
ll        nn

 đ     gnn
Chủ động phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi

 

                                                                 Cao Tuấn  - Trung tâm Khuyến nông

                                                                       Nguồn: Tập san Khuyến nông
                                                                                               

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây