Thứ bảy, 23/11/2024, 22:31

Kết quả bước đầu mô hình “Tưới nhỏ giọt cho cam thâm canh   đảm bảo an toàn VSTP” tại xã Thanh Nho – Thanh Chương - Nghệ An

Thứ tư - 18/12/2019 02:44 984 0
Nghệ An là vùng sản xuất cây ăn quả có múi truyền thống lớn nhất ở Bắc Trung Bộ và là một trong những tỉnh có diện tích trồng cam lớn nhất cả nước.
Kết quả bước đầu mô hình “Tưới nhỏ giọt cho cam thâm canh   đảm bảo an toàn VSTP” tại xã Thanh Nho – Thanh Chương - Nghệ An
Tuy nhiên, việc sản xuất trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, các giống cây ăn quả có múi hiện nay đạt năng suất khá nhưng chất lượng chưa cao, tình trạng suy thoái vườn cam đang diễn ra, chu kỳ khai thác rút ngắn, một số cây cam mới bắt đầu cho thu hoạch đã phải phá bỏ,... Nguyên nhân là cây có múi đòi hỏi rất khắt khe về điều kiện đất đai, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đồng thời trồng cam theo hướng tự phát, chưa kiểm soát được chất lượng cây giống. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của người dân còn hạn chế, việc lạm dụng phân bón hoá học, thuốc BVTV đặc biệt là thuốc trừ cỏ phổ rộng đã làm ảnh hưởng tới môi trường đất, nước, sức khoẻ con người dẫn đến chất lượng quả thấp, sâu bệnh gây hại nặng nề tại nhiều vườn cam nhất là bệnh Greening, bệnh vàng lá thối rể, bệnh loét, bệnh sẹo, bệnh chảy gôm, bệnh đốm dầu, muội đen,...
Công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây trồng nói chung và cây cam nói riêng đã được nghiên cứu và áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới từ những năm 1960. Tại Việt Nam, công nghệ này đã được áp dụng thành công đối với nhiều loại cây trồng trên nhiều loại địa hình. Với nguyên lý cơ bản của công nghệ tưới nhỏ giọt là đưa nước đến từng gốc cây ở dạng các giọt nước thông qua các vòi tưới nhỏ giọt. Lượng nước qua các vòi tưới được điều chỉnh bằng hệ thống điều khiển lượng nước nên cung cấp cho các gốc cây cùng liều lượng, không phụ thuộc vòi tưới ở gần hay xa nguồn nước. Người điều khiển hệ thống tưới có thể chủ động lượng nước tưới từ vài lít/gốc đến hàng nghìn lít/gốc trong một lần tưới, tùy thuộc yêu cầu cung cấp nước ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Thông qua hệ thống tưới, có thể kết hợp bón phân và thuốc phòng trừ sâu bệnh, giúp việc quản lý chất dinh dưỡng cho cây trồng chủ động và hiệu quả.
Đối với Nghệ An, những năm gần đây công nghệ tưới nhỏ đã được áp dụng nhiều trên các loại cây trồng trong đó có cây cam và cho hiệu quả rất cao. Đặc biệt ở những địa bàn huyện miền núi thường việc tưới nước rất khó khăn nên tưới nhỏ giọt càng phát huy được hiệu quả. Trên cây cam, tưới nhỏ giọt có lợi ích là tưới đúng nơi, đúng thời điểm, kiểm soát chính xác lượng nước tưới và phân bón, giúp tăng năng suất cây cam lên từ 15-30%, giảm lượng nước tưới từ 40-80%, giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Xuất phát từ thực trạng trên để giúp người nông dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc cam, nâng cao năng suất, chất lượng quả, giảm tác động tới môi trường. Năm 2019, được sự quan tâm của Bộ Nông Nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Trung tâm khuyến nông Nghệ An tổ chức triển khai xây dựng mô hình “Tưới nhỏ giọt cho cam thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” thuộc dự án Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình tưới nhỏ giọt sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh Miền Trung. Mô hình được triển khai từ tháng 03 năm 2019 xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An với quy mô 02 ha cam và 02 hộ tham gia. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 75% thiết bị tưới và được tập huấn, hướng dẫn lắp đặt, hướng dẫn vận hành, bảo trì hệ thống đồng thời tham dự các cuộc hội thảo nhân rộng và tổng kết đánh giá mô hình. Mục tiêu của mô hình là giúp người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học mới về hệ thống tưới vận hành, tiết kiệm được lượng nước tưới từ 40-80%, giảm công lao động, phát huy hiệu quả cao nhằm giúp cây cam sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Năng suất cam tăng 15% trở lên, mẫu mã quả đẹp.
Hệ thống được bàn giao và lắp đặt vào tháng 6 trên vườn cam kinh doanh năm thứ 4. Hệ thống sau khi hoàn thành lắp đặt vận hành rất tốt, cứ 2-3 ngày vào những thời điểm không có mưa tiến hành bật hệ thống tự động để tưới, thời gian tưới bình quân 3h/1 lần. Thời điểm lắp đặt xong, gặp thời tiết nắng nóng khô hạn liên tục, nguồn nước tưới của các hộ đại trà cạn kiệt, cây cam thiếu nước nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng phát triển của cây và quả. Tuy nhiên mô hình nhờ được lắp đặt hệ thống tưới nên hoạt động ổn định, cây luôn được cung cấp nước đầy đủ, bón phân đúng thời điểm giúp cây hấp thu phân bón tối đa nên cây cam trong mô hình sinh trưởng phát triển rất tốt, lá xanh đậm, quả đang giai đoạn phát triển nhanh và đều. Cho đến nay hệ thống vận hành 25 lần bao gồm tưới nước và bón phân qua hệ thống, đảm bảo đất vườn luôn đủ ẩm, cây sinh trưởng phát triển tốt. Tổng thời gian thực hiện tưới nhỏ giọt 75h/ha/25lần, với công suất máy 10m3/h lượng nước sử dụng qua hệ thống nhỏ giọt đạt 750m3/ha/25lần. So với các vườn cam đại trà cho thấy người dân chỉ tưới cứu cây vào những lúc khô hạn (bình quân tưới 10 lần/năm), tính từ tháng 4 đến tháng 9 tưới khoảng 5 lần. Việc dùng máy bơm công suất 15m3/h và vòi mềm di chuyển từ gốc này sang gốc khác nên mỗi lần tưới hết 17h/1lần tưới, thời gian tính cho 5 lần tưới là 85h, tổng lượng nước sử dụng cho tưới tràn đạt 1275m3. Vậy nên việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đã tiết kiệm 525 m3/7 tháng chăm sóc cam, tương đương 70%. Đặc biệt, tưới cho cây cam bằng hệ thống tưới nhỏ giọt hạn chế được hiện tượng nấm gây hại so với tưới tràn và tưới phun sương vì lượng nước được điều tiết vừa đủ theo nhu cầu của cây, gốc cam không bị quá khô hoặc quá ẩm.
Chỉ tiêu ĐVT Mô hình Đại trà Ghi chú
Số lượng Số lượng
Lượng nước/gốc/lần lít 20 30  
Công suất máy m3/h 10 15  
Lượng nước/ha/năm m3 750 1275  
Lần tưới/ha/năm lần 25 (3h/lần) 5 (17h/lần)  
Tổng thời gian tưới/ha/năm   75 giờ 170 giờ Tính cho 2 người vận hành
Chênh lệch thời gian   95 giờ  
Chênh lệch lượng nước   525 m3 (70%)  

Do đó, kết quả thực hiện mô hình cho thấy cây cam sinh trưởng khỏe, bộ lá màu đẹp, dày, khả năng cho quả tốt so với các hộ trong vùng (70 - 80 quả/cây). Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, những đợt mưa to liên tục cùng với ảnh hưởng của bão và có những đợt nắng hạn kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng rụng quả, hiện chỉ đạt 70 quả/cây trong khi đại trà chỉ đạt 61 quả/cây. Có khoảng 2% diện tích cây bị loét ghẻ, sâu vẽ bùa và nhện đỏ. Các hộ dân đã thường xuyên theo dõi và phòng trừ kịp thời, phun thuốc có hiệu quả theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Số quả trung bình/cây trong mô hình cao hơn đại trà tưới tràn 14,75%, mặt khác tỷ lệ quả đẹp đạt 95,71%, tỷ lệ quả xồ 1,43% trong khi đó tưới tràn tỷ lệ quả đẹp 90,16%, quả xồ không bán được với tỷ lệ cao chiếm 6,56%. Việc áp dụng tưới nhỏ giọt đã cung cấp nước thường xuyên, đất luôn đủ ẩm, tạo điều kiện cây hút dinh dưỡng, cây và quả sinh trưởng tốt nên tỷ lệ rụng quả thấp, chất lượng quả cũng nâng lên, bên cạnh đó việc tưới tràn chỉ cứu cây khi đất khô đã làm mất cân bằng trong phát triển sinh lý cây nên quả dễ bị rụng và mẫu mã xấu, chất lượng kém. Về hiệu quả kinh tế, mặc dù chi phí trong mô hình tăng cao, đặc biệt là kinh phí lắp đặt hệ thống tưới, tuy nhiên hệ thống sẽ được sử dụng trong nhiều năm, nếu chỉ tính khấu hao trong 5-6 năm, mỗi năm năng suất tăng thêm 17,65%, lợi nhuận tăng 25,78%. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao so với đại trà.
Như vậy, việc áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt cho cam thâm canh đảm bảo an toàn VSTP sẽ tạo nên vùng sản xuất sạch. Mặt khác, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn nước đang ngày càng cạn kiệt thì việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào sản xuất giúp tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm điện, hạn chế rửa trôi bề mặt đất. Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình đang từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người nông dân, là giải pháp phát triển bền vững, an toàn cho cây cam ở Nghệ An. Mô hình thành công sẽ là điểm tham quan học tập cho các hộ dân khác trong vùng, tạo tiền đề cho sản xuất theo hướng bền vững hiệu quả cao trong thời gian tới.




 
Ảnh: Tham quan hội thảo mô hình tưới nhỏ giọt trên cam thâm canh tại xã Thanh Nho, Thanh Chương
                                     Nguyễn Thị Kim Ly – Trung tâm KN Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây