Phòng chống chuột và bệnh đạo ôn gây hại lúa xuân hiện nay

Thứ tư - 03/04/2024 22:21 153 0
Mấy năm gần đây ít có mưa to gây ngập úng lớn ở các vùng đồng bằng, nên chuột càng có cơ hội sinh sản nhiều phá hoại mạnh trên các loại cây trồng, nhiều nhất là cây lúa.
Phòng chống chuột và bệnh đạo ôn gây hại lúa xuân hiện nay
Ngoài ra, hiện nay trên đồng ruộng ở một số địa phương đã xuất hiện bệnh đạo ôn trên cây lúa do ảnh hưởng hoạt động của EL Nino kéo dài, trời âm u, mưa phùn nhiều, sương mù dày đặc, ẩm độ không khí cao… tạo cơ hội cho bệnh đạo ôn xuất hiện trên cây lúa ở nhiều nơi. Vì vậy, cần chủ động có biện pháp tiêu diệt chuột và phòng chống bệnh đạo ôn để bảo vệ mùa màng càng sớm, càng tốt.
Đối với chuột: Theo thống kê sơ bộ hiện nay toàn tỉnh đã có hàng trăm ha lúa đang bị chuột phá hoại mạnh, trong đó có khoảng 600 – 700 ha lúa bị nặng, tập trung chủ yếu ở vùng lúa Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương… Tại xã Long Thành, huyện Yên Thành, một trong những địa phương có gần 100 ha lúa đang bị chuột phá hoại mạnh. Vì vậy, hầu như nhà nào cũng phải mua bẩy để diệt chuột và tối nào cũng vậy trên đồng ruộng có hàng chục, hàng trăm người ra đồng đặt bẫy, đặt mồi nhử diệt chuột. Nhưng xem ra hiệu quả chưa cao, do địa phương này làm, địa phương bên cạnh không làm, hoặc làm không đáng kể thì vẫn không thể tiêu diệt được chuột.
Tại huyện Diễn Châu, theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN&PTNT của huyện cho biết, từ trước tết nguyên đán lại nay, ngoài số kinh phí do các xã, HTX NN và bà con nông dân bỏ ra để mua thuốc và bẩy để diệt chuột, UBND huyện đã bỏ ra 600 triệu đồng để mua gần 7 tấn thuốc diệt chuột hỗ trợ các xã tổ chức diệt chuột. Nhưng đến nay chuột vẫn còn phá hoại mạnh. Vì vậy, việc tổ chức diệt chuột phải thường xuyên, liên tục và phải tiến hành đồng thời ở tất cả các cơ sở sản xuất thì mới có hiệu quả tốt. Những vùng bị chuột phá hoại nhiều hiện nay là những vùng vừa qua ít có mưa to gây ngập úng, nên chuột càng có điều kiện tồn tại, sinh sản và phát triển nhanh. Trung bình một năm, một cặp chuột sinh sản theo cấp số nhân có thể cho ra đời 15.000 con. Chuột là loại động vật có đặc tính phát dục sớm, chỉ sau 2 – 3 tháng tuổi đã mang thai sinh con, thời gian mang thai 21 ngày (3 tuần) là đẻ. Trung bình mỗi năm đẻ 4 – 5 lứa, nếu có đủ thức ăn đẻ lên 6 – 8 lứa, mỗi lứa đẻ 6 – 10 con.
Chuột có một số đặc điểm cần được lưu ý để biết khi phòng trừ, đó là: Chỉ sau 20 ngày sau khi đẻ ra, nó đã biết tự đi kiếm ăn. Chuột là loại động vật khá thông minh, khi có một loại thức ăn mới, nó sẽ để cho một con ăn thử trước, nếu không có gì xẩy ra thì sau đó cả đàn mới ăn. Chuột di chuyển theo hướng cố định và khi di chuyển nó đánh dấu trên đường đi để khi về không bị lạc lối về nơi cư trú.
Vì vậy biện pháp phòng trừ chuột tốt nhất hiện nay là:
Thứ nhất: Đã tổ chức diệt chuột phải tiến hành đồng thời, thường xuyên, liên tục ở tất cả các cơ sở sản xuất trong một vùng rộng lớn hoặc trong một huyện và ít nhất là trong một xã trong cùng một thời gian thì sẽ đạt được kết quả cao. Vì con chuột rất tinh khôn, khả năng di chuyển tốt, ẩn nấp và né tránh kín đáo khó phát hiện.

 
                                                  Chuột đang phá hoại lúa
Thứ hai: Khi tiến hành chiến dịch diệt chuột nên tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp cùng thực hiện một lúc, như: phát quang bụi rậm nơi chuột thường cư trú, nhất là các nơi đất bỏ hoang, cồn bãi tha ma, bờ ao, khu công nghiệp… Ngoài việc phát quang bờ bụi rậm ra, còn phải tiến hành luôn việc tổ chức bắt chuột bằng phương pháp đào bới các hang ổ chuột ở các bờ ao, bờ ruộng, cồn mả… nơi chuột trú ngụ, sinh sản. Đồng thời tiến hành luôn việc diệt chuột bằng các loại bẩy dính, bẩy sập, mồi nhử có trộn thuốc với hạt lúa đã ủ thành mộng, củ khoai lang, củ sắn tươi, ngô hạt, cua, cá… Riêng biện pháp sử dụng mồi nhử có trộn thuốc, cần đặt mồi giả trước (mồi chưa trộn thuốc) cho chuột ăn 1 – 2 lần, sau đó đặt mồi thật (mồi có trộn thuốc) để diệt. Bẩy và bã diệt chuột đặt vào những nơi gần đường đi lại của chuột. Tất cả bẩy hay mồi nhử diệt chuột đều đặt vào thời gian từ 7 – 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hàng ngày phải đi thu gom lại hết. Thời gian tiến hành đặt bẩy, bã diệt chuột tốt nhất từ trước và sau tết nguyên đán, vì thời gian này trời đang còn rét, thức ăn khan hiếm, nên chuột đói ăn dễ tiêu diệt.
Thứ ba: Nếu dùng thuốc để diệt chuột thì chỉ nên dùng các loại thuốc có cơ chế chống đông máu, ít gây hại cho người và gia súc, gia cầm, như các loại thuốc sau đây: Thuốc gim lét của Công ty ADI, Racumin 0,75 TP, Kill mon 2,5 DP, Rát – K 2%D, Cat 0,25 WP… Phương pháp sử dụng làm theo hướng dẫn có ghi cụ thể ở từng bao bì, nhãn mác của thuốc.
Đối với bệnh đạo ôn: Hiện tượng diễn biến thời tiết như thời gian vừa qua và cả hôm nay rất dễ dàng cho bệnh đạo ôn trên cây lúa phát sinh, phát triển mạnh. Bệnh đạo ôn ở cây lúa do nấm Pyricularia Oryzae gây ra, nó phát sinh chủ yếu trong vụ lúa đông xuân hàng năm. Điều kiện để bệnh đạo ôn lúa phát triẻn khi trời âm u, mưa phùn kéo dài, ẩm độ không khí cao, sương mù nhiều, nhiệt độ không khí dao động từ 18 – 260C, đất tốt, ruộng sâu sục giàu mùn, bón nhiều và bón thừa đạm hoá học, gieo cấy giống kém chống chịu bệnh.
Hiện tại trên đồng ruộng tỉnh ta đã xuất hiện loại bệnh này ở một số địa phương, như ở các xã: Diễn Phú, Diễn Lộc, Minh Châu huyện Diễn Châu; Hưng Lợi, Hưng Thịnh, Châu Nhân huyện Hưng Nguyên; Hưng Dũng, Hưng Hoà, thành phố Vinh… Với diện tích toàn tỉnh vào khoảng 200 – 300 ha và khả năng sẽ phát triển mạnh trong thời gian sắp tới, nhất là giai đoạn lúa đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, trổ bông.
Thông thường khi chúng ta phát hiện ra bệnh đạo ôn xuất hiện trên cây lúa thường là chậm, thậm chí để lúa cháy khô lá mới biết. Những trường hợp này thường là do chủ quan, chưa hiểu biết nhiều về triệu chứng bệnh, triển khai phòng trừ chậm khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính rồi. Cũng có trường hợp phát hiện sớm, phòng trừ ngay, nhưng mua phải thuốc kém chất lượng, thuốc dởm, thuốc giả… nên phòng trừ không có hiệu quả.
Để phòng trừ bệnh đạo ôn kịp thời, có hiệu quả trước hết chúng ta phải thường xuyên thăm đồng, lội ruộng để phát hiện bệnh càng sớm, càng tốt, phòng trừ ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu mới hiệu quả.
Khi thăm đồng cần quan sát kỹ trên lá lúa và cả cây lúa có những triệu chứng sau đây: Đầu tiên vết bệnh đạo ôn trên lá chỉ bằng mũi kim, chung quanh có quầng màu vàng, ở giữa vết bệnh có màu xám nhạt, sau đó chuyển thành hình thoi ở giữa có màu xám tro, lúc này bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính. Nếu bệnh nặng, các vết bệnh nối tiếp nhau chuyển thành mảng lớn gây cháy lá, chết lụi cây. Nếu bệnh bị khi lúa trổ thì trên thân, cổ bông, dé lúa, các vết bệnh nhỏ có màu xám, sau đó chuyển thành màu nâu bao quanh thân, cổ bông lúa và dé lúa. Khi bệnh nặng, nấm bệnh sẽ xâm nhập sâu vào mạch dẫn dinh dưỡng nuôi cây sẽ bị cắt đứt, khiến cả bông lúa bị lép 100%.
Khi phát hiện cây lúa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn cần ngừng bón phân đạm hoá học và tiến hành phun thuốc ngay trước khi bệnh chưa chuyển sang giai đoạn mãn tính bằng các loại thuốc đặc hiệu, như: Beam 75 WP, Kabim, Mikita 400 WP, Party 40 WP, Pilia 15 EC… phun theo hướng dẫn có ghi ở bao bì, nhãn mác và nên phun nhắc lại lần 2 sau lần một 3 – 5 ngày. Đối với những ruộng lúa đã bị bệnh đạo ôn lá, cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước và sau khi lúa trổ từ 5 – 7 ngày và phải phun ướt đẫm lá, thân, phun vào buổi chiều mát để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình lúa trổ bông, phơi màu.
                                         Doãn Hạnh Lâm - nguồn TSKN





 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây