Thứ năm, 21/11/2024, 22:43

Nghệ An phát triển chuỗi giá trị cây lạc

Thứ ba - 12/03/2024 09:27 543 0
Một thời, lạc là nông sản xuất khẩu chủ lực của Nghệ An. Nhưng đã có giai đoạn cây lạc bị mai một. Nhận thấy giá trị đặc hữu của lạc, tỉnh Nghệ An đã xây dựng thành công sản phẩm lạc sen đạt chuẩn 4 sao OCOP.
Nghệ An phát triển chuỗi giá trị cây lạc

Lạc - cây trồng chủ lực của địa phương

Huyện Diễn Châu là trọng điểm sản xuất lạc của tỉnh Nghệ An, đến nay vẫn duy trì diện tích khoảng 3.000 ha/năm, toàn huyện có hơn 10.000 hộ trồng lạc, nhà ít trồng 1 sào, nhà nhiều trồng từ 6 đến 8 sào.

Ngay tại huyện cũng có hơn 400 đại lý, tổ hợp thu mua lạc để xuất bán ra thị trường các tỉnh phía Bắc. Lạc, vừng sản xuất đến đâu được tư thương đến tận nhà để mua. Hơn nữa, lạc Diễn Châu có hàm lượng tinh dầu cao, thơm ngon, giàu đạm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Bởi vậy, đã có một thời Diễn Châu được suy tôn là “vua lạc". Huyện vừa có diện tích lạc chuyên canh rộng lớn vừa là mặt hàng độc đáo để xuất khẩu. Năm 1980, hai xã Diễn Thịnh và Diễn Hùng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích trong việc trồng và xuất khẩu được nhiều lạc.

Huyện Diễn Châu là trọng điểm sản xuất lạc của tỉnh đến nay vẫn duy trì diện tích khoảng 3.000 ha/năm

Duy trì và mở rộng diện tích cây trồng công nghiệp này để vừa làm hàng hóa, vừa mở ra hướng làm giàu xây dựng nhiều cánh đồng, mô hình thu nhập cao. Vụ xuân năm 2023, toàn huyện trồng khoảng 2.300 ha lạc bao gồm ba loại giống năng suất cao như L14, L23, Sen Lai thắt Nghệ An. Ngoài vùng lạc chuyên canh ở 10 xã dọc quốc lộ 1A nối từ xã Diễn Trung đến xã Diễn Hùng, huyện còn chỉ đạo 6 xã vùng đồi núi như Diễn Lâm, Diễn Phú, Diễn Đoài, Diễn Lợi, Diễn An mỗi nơi trồng từ 60 đến 80 ha để làm hàng hóa.

Chị Thu xóm 8, xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) trồng 4 sào lạc sen thắt, mỗi vụ sản lượng đạt 4-5 tạ khô, bình quân mỗi năm thu về được 14-15 triệu đồng, trừ chi phí giống, công vài triệu đồng, còn lại tiền lời được khoảng 12 triệu đồng/vụ. Thu nhập đó là khá so với trồng các cây trồng khác, trồng lạc không phải chăm sóc nhiều, chủ yếu phủ ni lông và giữ không bị nấm mốc hại cây.

Lạc không lo ế, lúc nào cũng bán được. Chị Thu còn cho biết, trồng lạc giống bán cho bà con là được giá nhất. Thu hoạch lạc xong chị bán cho các cơ sở chế biến trên địa bàn, vụ xuân thì còn bán lạc tươi phục vụ khách du lịch, hầu như không lo bị ế.

Năng xuất lạc xuân ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đạt 36 tạ/ha

Ông Phan Xuân Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Ở Diễn Châu cây lúa làm no, cây lạc làm giàu. Bởi vậy, ngoài 9.200 ha lúa, năm nào huyện cũng chỉ đạo các xã vùng màu gieo trồng từ 2.600 đến 2.700 ha lạc, trong đó vụ xuân trồng từ 2.200 đến 2.300 ha, còn vụ đông trồng từ 500 đến 700 ha. Lạc xuân dành để làm hàng hóa, còn lạc đông để làm giống cho vụ sau.Với năng suất bình quân 36 tạ/ha thì mỗi năm huyện nhà có 9.000 tấn lạc hàng hóa và hơn 2.000 tấn lạc để làm giống. Nhờ đưa cây lạc xuân vào trồng với diện tích lớn đã tạo đà cho các xã vùng màu thực hiện chuyển đổi mùa vụ với công thức: Lạc xuân + vừng, dưa hấu hè thu + ngô và rau sạch vụ đông, mở ra nhịp điệu lao động sản xuất mỗi năm từ 3 đến 4 vụ. Điều này đã làm nên những cánh đồng cho thu nhập cao, mỗi ha từ 100 đến hơn 160 triệu đồng vừa tạo ra việc làm, vừa tăng thu nhập cho bà con nông dân ở một huyện thuần thuần nông, thuần ngư”.

Sản phẩm OCOP chất lượng cao

Bao năm qua cây lạc là cây quan trọng ở Diễn Châu. Mùa xuân đi qua đây cánh đồng lạc phủ trắng ni lông với muôn triệu mầm lạc vươn đón nắng. Nhà nhà trồng lạc, tới mùa gọi nhau mua bán lạc.

Anh Nguyễn Sỹ Thắng, chủ doanh nghiệp chế biến lạc Nghệ An ở Diễn Châu cho biết: Đặc thù môi trường thổ nhưỡng của Nghệ An tạo cho hạt lạc săn chắc, thơm, bùi, ngon, được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, có lúc cây lạc sen Nghệ An mất dần thương hiệu. Nhiều lô hàng xuất khẩu bị đối tác trả về, diện tích lạc vì thế cũng giảm xuống.

Ước mơ khôi phục thương hiệu lạc Nghệ An và mở rộng diện tích lạc luôn cháy bỏng đối với anh Thắng. Nhận thấy ngoài thị trường xuất khẩu thì thị trường nội địa rất có tiềm năng khi lạc là một nông sản được ưa chuộng, anh Thắng quyết tâm xây dựng thương hiệu lạc nhân Diễn Châu thành sản phẩm OCOP chất lượng cao. Anh Thắng cho biết: Qua những bài học trong quá trình xuất khẩu lạc, người dân Diễn Châu đã ý thức được giá trị cây lạc và việc tạo đầu ra bền vững cho nông sản quê nhà là yêu cầu bức thiết.

Lạc Sen là 1 trong 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao ở Diễn Châu

Với suy nghĩ như vậy, nhận thấy giá trị đặc hữu của lạc sen Nghệ An, anh Thắng đã xây dựng quy trình chế biến lạc nhân đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như tuyển chọn nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn.

Lạc củ sau khi được tuyển chọn được anh Thắng chỉ đạo nhân công bóc bằng tay tại doanh nghiệp, chọn lựa từng hạt và sấy đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Sản phẩm lạc nhân của anh được chào đón, được cấp chứng nhận OCOP 4 sao và nhanh chóng có mặt ở các siêu thị lớn. Không những vậy, hiện nay anh Thắng còn xuất khẩu lạc sang châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản. Mỗi năm, anh thu mua của bà con nông dân khoảng 1.000 tấn lạc nhân.

Anh Thắng cho biết thêm: Cái mà lạc Diễn Châu duy trì được thương hiệu hiện nay là chất lượng gốc của giống lạc sen và bí quyết thu hoạch, chế biến, đảm bảo hạt lạc được thu hoạch ở giai đoạn chín sinh lý, các chất dinh dưỡng đạt cao nhất và khi phơi khô, hạt lạc không bị nứt. Với sự quan tâm của các cấp, anh Sỹ Thắng đang quyết tâm xây dựng thương hiệu lạc Nghệ An ngày một chất lượng và tiến tới đạt OCOP 5 sao.

Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh ông Trần Văn Quang cho biết: Nhờ nỗ lực của anh Thắng cũng như huyện, xã và các cơ quan chức năng, giá trị cây lạc ngày càng được khẳng định. Không chỉ trồng lạc, vào mùa vụ, người dân Diễn Châu đi làm hàng xáo lạc cũng có thể thu nhập được hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, trong giai đoạn 2017 - 2019, một dự án nông nghiệp chuyên về lạc của Hàn Quốc cũng được đầu tư tại 3 xã của Diễn Châu và xã Nghi Long (Nghi Lộc), xã Nam Lộc (Nam Đàn). Hiệu quả của dự án đã tạo ra cho người dân ý thức cách làm sản phẩm hàng hoá, hướng dẫn người dân cách làm thương hiệu và nâng tầm thương hiệu lạc, giúp cho người dân hiểu được giá trị to lớn của nông sản mình làm ra sau khi có xuất xứ, nhãn mác.

Tăng cường phát triển chuỗi liên kết

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án mô hình chế biến các sản phẩm OCOP từ lạc gắn với vùng nguyên liệu có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu). Trong Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, kênh mương, mã vùng, sản phẩm tổng trị giá 15 tỷ đồng, trong đó đầu tư trung tâm giới thiệu sản phẩm lạc ở Diễn Châu 1, 3 tỷ đồng.

Đề án ra đời nhằm hình thành một liên minh sản xuất giữa các tổ chức nông dân và doanh nghiệp thương mại tư nhân, xây dựng mối quan hệ hợp tác và thực hiện kế hoạch kinh doanh chung, giúp các bên nâng cao tính cạnh tranh. Cùng những biện pháp nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng các điều kiện của thị trường xuất khẩu, trong liên minh còn tạo ra sự thống nhất về giá cả.

Doanh nghiệp sẽ tiếp xúc trực tiếp với người nông dân, áp dụng giá sát với giá thị trường; áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cải tiến các quy trình quản lý để giảm chi phí đầu vào, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch và tăng sức cạnh tranh. Từng bước xây dựng quỹ bình ổn để ứng phó với các biến động của thị trường, giới thiệu và hỗ trợ nông dân trong tìm kiếm các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp có uy tín thực sự. 

Lạc nhân của Nghệ An xuất khẩu đi các nướcẢnh: Báo Nghệ An

Thông qua các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch, sẽ chọn các công ty bán sỉ và bán lẻ có uy tín tại các nước sở tại làm kênh phân phối chính. Đồng thời, từng bước nghiên cứu, thâm nhập và mở rộng vào các thị trường chất lượng cao, giá cao như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ và Trung Đông.

Cung cấp hàng chất lượng cao cho các hệ thống siêu thị, liên kết với các tỉnh bạn để cùng khai thác các thị trường có yêu cầu số lượng lớn. Để đạt được các mục tiêu này, Nghệ An cũng đề ra nhiều chiến lược quảng cáo và xúc tiến thương mại cụ thể như: Xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa tại các thị trường tiêu thụ chính, tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài nước...

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa: Cần chuyển dịch cơ cấu cây trồng để có quỹ đất mở rộng diện tích lạc, áp dụng chính sách thâm canh, đầu tư chiều sâu theo hướng sản xuất sạch, đồng thời mở rộng diện tích và tăng năng suất sản lượng.

Thêm nữa, cần khôi phục giống lạc sen, đưa giống mới, năng suất cao vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật  nhằm tăng cường thâm canh  nâng cao năng suất.

Đầu tư cơ sở vật chất cho công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch bằng các công nghệ hiện đại tiên tiến, nhằm giảm độ ẩm và độc tố aplatoxine, nâng cao chất lượng sản phẩm để lấy lại uy tín. Tăng cường liên kết 3 nhà: “nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học”. Đẩy mạnh nắm nguồn hàng, kể cả thu gom ngoại tỉnh… 

Ngọc Lan (Tổng hợp từ Báo Nghệ An)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây