Một số lưu ý đặc biệt trong việc chăm sóc vụ lúa xuân hiện nay
Thứ hai - 01/04/2024 05:244190
Vụ lúa xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy được 90.010 ha/90.500 ha đạt 99,45% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nhưng, đáng quan tâm nhất đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và cây trồng vụ xuân nói riêng là hiện tượng diễn biến của thời tiết đang có xu hướng nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Với sản xuất vụ xuân thì đây là một hiện tượng thời tiết bất lợi, các loại cây trồng ngắn ngày như: lúa, ngô, đậu, lạc… thời gian sinh trưởng rút ngắn lại, khó đạt được năng suất cao, sản lượng lớn.
Vì vậy cần có biện pháp chăm sóc hợp lý để đạt được năng suất cao. Nắng nóng đến sớm và những hệ luỵ: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng – Thuỷ văn Trung ương cho biết, do hoạt động của EL Nino, nên nền nhiệt trong vụ sản xuất vụ xuân 2024 sẽ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1 – 1,50C. EL Nino là thuật ngữ được dùng để chỉ hiện tượng thời tiết nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía đông Thái Bình Dương. Hiện tượng thời tiết này thường kéo dài 8 – 12 tháng hoặc lâu hơn. Như năm nay hiện tượng EL Nino có thể kéo dài đến hết mùa xuân 2024 với xác suất 90%. Thông thường nhiệt độ không khí trung bình hàng tháng ở thành phố Vinh hàng năm như sau: Tháng 1 từ 16 – 200C, trung bình 180C; tháng 2 từ 17 – 210C, trung bình 190C; tháng 3 từ 19 – 240C, trung bình 210C; tháng 4 từ 23 – 280C, trung bình 250C; tháng 5 từ 26 – 320C, trung bình 280C… Nhưng, thực tế hiện nay hoàn toàn khác. Ngay từ đầu vụ xuân, nhiệt độ không khí tháng 1 phổ biến từ 15 – 220C; tháng 2 từ 16 – 250C; tháng 3 dự báo có thể từ 22 – 290C… Trời ít có mưa to, chủ yếu mưa nhỏ và mưa phùn. Với dự báo diễn biến thời tiết như vậy thì rõ ràng vụ xuân năm nay sẽ là một vụ xuân ấm, nóng nhiều hơn so với TBNN và không những cao hơn từ 1 – 1,50C mà còn có khả năng cao hơn nhiều.
Người dân thôn 3 xã Quỳnh Hoa Quỳnh Lưu chăm sóc lúa vụ Xuân
Nắng nóng đến sớm và xuất hiện nhiều sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ đối với sản xuất nông nghiệp như: trời ít mưa; hạn, mặn xuất hiện sớm; các loại sâu bệnh nhiều, nhất là rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân…, thời gian sinh trưởng của các loại cây trồng ngắn ngày, như: Lúa, ngô, lạc… sẽ ngắn lại, ra hoa sớm, trổ sớm, khó đạt được năng suất cao. Riêng cây lúa vụ xuân năm nay rất nhiều địa phương bà con nông dân xuống đồng gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định từ 7 – 10 ngày lại gặp năm thời tiết ấm, nắng nóng đến sớm. Vì vậy khả năng vụ lúa xuân năm nay sẽ trổ sớm trước lịch thời vụ quy định (Lịch lúa trổ từ 20/4 – 5/5) khó tránh khỏi. Nếu lúa trổ trước 20/4 rất dễ gặp không khí lạnh tiết thanh minh làm giảm năng suất lúa nghiêm trọng. Một số biện pháp cần được thực hiện sớm: Thứ nhất: Vụ lúa xuân năm nay rất nhiều địa phương xuống đồng gieo cấy sớm, lại gặp năm nắng nóng đến sớm, nên từ sau khi gieo cấy đến nay lúa phát triển rất nhanh, nhất là vùng lúa Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… Lúa tốt nhanh, đẻ nhánh sớm kín cả mặt ruộng. Thấy lúa tốt nhanh quá, nhiều bà con nông dân lo sợ lúa trổ sớm quá, nên đã giảm lượng phân bón thúc. Việc làm này hoàn toàn sai lầm. Càng giảm đầu tư thâm canh, giảm phân bón thì cây lúa càng già hoá nhanh, càng làm đòng và trổ bông sớm và chắc chắn không có năng suất cao. Trong trường hợp này, chỉ có thể đầu tư đủ, nhiều và bón phân cân đối đạm, lân, kali theo quy trình hướng dẫn để xuân hoá, làm trẻ cây lúa, hạn chế lúa làm đòng sớm, trổ sớm. Nếu chủ động nước tưới tiêu thì nên áp dụng phương pháp tưới nước nông – lộ - phơi. Nếu không thể chủ động nước tưới tiêu thì cố gắng dùng cào hoặc tay sục bùn sâu quanh gốc lúa để kìm hãm tốc độ phát triển, kéo dài thêm thời gian sinh trưởng. Thứ hai: Do trời ấm, nắng nóng đến sớm, nên khả năng vụ lúa xuân năm nay sẽ có nhiều loại sâu bệnh xuất hiện sớm và nhiều, do vòng đời các loại sâu ngắn lại từ 26 – 28 ngày, xuống còn 23 – 24 ngày/vòng đời. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm, phòng trừ ngay. Về sâu, trong vụ lúa xuân này cần lưu ý đến các loại sâu, như: rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân… Khi phát hiện có sâu thì trước hết phải xác định loại sâu gì để sử dụng đúng thuốc và chỉ nên mua thuốc ở các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành, thị để không mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Nếu là sâu cuốn lá nên sử dụng thuốc Amate 150 SC, Virtako 40 WG, Regan 800 WG, Tago 800 WG, phun khi sâu ở tuổi 1 – 3. Nếu là rầy nâu, sử dụng thuốc Dragon 585 EC, Bassa 50 EC, Alika 247 SC, phun ướt đều thân lá lúa và dí mạnh vào gốc lúa. Nếu là sâu đục thân, dùng thuốc Virtako 40 WG, tango 800 WG, Regan 800 WG, Padan 95 SE. Đầu vụ lúa xuân năm nay, vào các buổi sáng sớm, chiều tối thường có sương mà nhiều và thỉnh thoảng có mưa phùn, mưa nhỏ nên cây lúa rất dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn. Nếu ở đâu phát hiện thấy có xuất hiện bệnh đạo ôn thì ngay lập tức khoanh vùng và sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau đây để phun: Beam 75 WP, Kabim, Nikita 400 WP, Party 40 WP, Pilia 35 EC. Nếu có sự xuất hiện bệnh khô vằn thì sử dụng thuốc Tilsuper 300 EC, liều dùng 0,25 – 0,3 lít/ha, pha 4 – 5 ml/bình 8 lít, phun 3 bình/sào (500 m2). Thứ ba: Chủ động phòng chống hạn, mặn ngay từ bây giờ, nhất là vùng tưới nước bơm điện dọc hai bên sông Lam. Mới đầu vụ sản xuất vụ xuân, nhưng nước sông Lam đã xuống thấp đến nỗi các trạm bơm ở hai bên ven bờ sông Lam ở huyện Thanh Chương đã phải ngừng hoạt động. Điều đó, báo hiệu mức độ hạn hoá và xâm nhập mặn năm nay sẽ xẩy ra nghiêm trọng. Vì vậy phải sẵn sàng chủ động mọi biện pháp để phòng chống hạn càng sớm, càng tốt. Trong các biện pháp phòng chống hạn, cần lưu ý những biện pháp sau đây: Thường xuyên rà soát, kiểm kê nguồn nước hiện có trong các hồ đập, ao, đìa, sông, suối, nguồn nước tự chảy từ hệ thống bara Đô Lương, cống Nam Đàn… Từ đó đánh giá nguồn nước có thể đủ và không đủ để phục vụ sản xuất ở mỗi vùng, mỗi cánh đồng, mỗi địa phương… và từ đây đưa ra biện pháp phòng chống hợp lý nhất, hiệu quả nhất, kịp thời nhất. Trong đó, đặc biệt quan tâm biện pháp sử dụng nước hết sức tiết kiệm, áp dụng biện pháp tưới nước nông – lộ - phơi, tích trữ nước vào các hệ thống có khả năng dự trữ được nước, như: ao hồ, đầm đìa, mương máng, các con sông cụt… Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm dầu di động khi cần phải sử dụng để kịp thời bơm nước chống hạn. Cùng với việc chống hạn, còn phải thường xuyên kiểm tra khả năng xâm nhập mặn qua các cống ngăn mặn giữ ngọt ở bara Bến Thuỷ, Nghi Quang, Diễn Thành… để kịp thời có biện pháp ngăn chặn ngay. Riêng các trạm bơm điện lấy nước nguồn gần các cửa sông Lam, sông Cấm, sông Bùng, sông Hoàng Mai…trước khi bơm phải kiểm tra mức độ mặn của nước có cho phép bơm được không. Đây là việc làm thường xuyên trước, trong mỗi lần bơm không thể bỏ qua./.