Thứ ba, 21/01/2025, 23:43

Hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính hướng tới xác nhận tín chỉ cacbon

Thứ sáu - 19/04/2024 04:53 1.352 0
Trong những năm qua, các loại khí gây hiệu ứng nhà kính (khí nhà kính) đã làm gia tăng sự nóng lên của trái đất, gây biến đổi khí hậu từ đó gây ra nhiều tác hại xấu cho môi trường, sinh hoạt và sản xuất của con người.
Hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính hướng tới xác nhận tín chỉ cacbon
 
(Buổi thảo luận về triển khai dự án sản xuất lúa xác nhận Tín chỉ carbon giữa đại diện Công ty Green Carbon và Sở Nông nghiệp & PTNT nghệ An cùng các đơn vị chuyên môn)
Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ bức xạ sóng dài (hồng ngoại) phản xạ từ bề mặt Trái đất sau khi được Mặt trời chiếu sáng, sau đó phân tán nhiệt lại cho Trái đất gây ra hiệu ứng nhà kính. Loại khí này chủ yếu gồm các loại chủ yếu là Cácbôníc (CO2), Mê tan (CH4), Nitơ ô xít (N2O), Ô zôn (O3). Khí nhà kính phải thải ra bởi các hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp của con người, trong đó, sản xuất lúa đã phát thải ra một lượng lớn các loại khí nhà kính mà nhiều nhất là khí Metan.
Theo Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu thì mỗi công ty, nhà máy sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, sẽ phải mua thêm Tín chỉ carbon (Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương) để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác.
Để sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính hướng tới đáp ứng yêu cầu tạo Tín chỉ carbon, xin hướng dẫn bà con một số biện pháp kỹ thuật sau:
1. Biện pháp tưới ngập khô xen kẽ (nông lộ phơi) cho lúa:
Vì khí Mê tan trên ruộng lúa được sinh ra trong quá trình phân giải yếm khí (ngập nước) và phát thải chủ yếu qua lá, do đó chúng ta cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau để hạn chế quá trình phát thải khí Mê tan.
Từ khi cấy đến đẻ nhánh chúng ta giữ lớp nước 3-5 cm trên ruộng để hạn chế cỏ dại, giữ ấm cho lúa, đảm bảo thuận lợi cho việc bón thúc đẻ nhánh; Giai đoạn từ đẻ nhánh đến làm đòng tiến hành tưới khô- ướt xen kẽ. Nước trong ruộng để cạn tự nhiên, khi nào mực nước giảm xuống dưới 15 cm so với dưới mặt đất (sử dụng ống nhựa  PVC cắm xuống ruộng để đo mực nước) thì mới bơm nước tưới ngập lại 3-5 cm; Giai đoạn từ làm đòng đến trước trỗ 1 tuần thì khi bón thúc đòng cho nước vào khoảng 3-5 cm để bón phân. Sau đó tiếp tục tiến hành tưới khô- ướt xen kẽ như trên; Giai đoạn trước trỗ 1 tuần đến sau trỗ 2 tuần tiếp tục duy trì nước trong ruộng 3-5 cm; Giai đoạn sau khi lúa trỗ 2 tuần cho đến thu hoạch thì để nước rút khô cho đến khi thu hoạch.
Để áp dụng được biện pháp này cũng cần có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, chủ động tưới tiêu; mặt ruộng tương đối bằng phẳng; Bên cạnh đó, bà con nông dân cần phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật. Nhất là nên lưu ý không áp dụng cho đất chua phèn hoạt tính, nước tưới nhiễm mặn hoặc đất trũng.
 
(Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An tập huấn Hướng dẫn sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính hướng tới xác nhận Tín chỉ carbon năm 2024 cho bà con nông dân)
2. Biện pháp sử dụng phân bón hợp lý:
Nguyên nhân chính gây phát thải khí Nitơ ô xít là do bón thừa đạm urê. Vì vậy, cần căn cứ vào từng giống lúa, loại đất và mùa vụ mà có lượng phân bón và cách bón hợp lý. Không nên bón quá nhiều phân urê, hoặc có thể sử dụng các dạng đạm chậm tan khác nhằm giảm thất thoát đạm khi bón cho cây trồng, bà con có thể sử dụng phân SA thay cho urê hoặc bón phân tổng hợp NPK khép kín.
3. Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác: 
Do lượng khí nhà kính phát thải trong cây trồng cạn rất thấp nên việc chuyển đổi đất trồng lúa nước kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác sẽ đem lại hiệu quả cao trong giảm phát thải khí nhà kính. Có thể chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa và 1 – 2 vụ màu, hoặc 1 vụ lúa và 1 vụ cá… Tuy nhiên, cần thực hiện đúng chủ trương giữ diện tích trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực nên việc chuyển đổi hoàn toàn đất lúa sang các cây trồng khác chỉ được thực hiện ở những diện tích được chính quyền cho phép.
4. Một số biện pháp kỹ thuật khác:
- Sử dụng giống ngắn ngày để có thời gian sinh trưởng trên ruộng ngắn sẽ hạn chế phát thải khí Mê tan. Hoặc sử dụng giống chịu hạn để hạn chế tưới ngập nước.
  - Tuyệt đối không đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây phát thải khí các bô níc và các tác hại khác. Nếu đồng ruộng có đất ẩm thì bà con có thể dùng nấm Trichoderma để xử lý, nhưng nếu đất ngập nước thì bà con nên dùng chế phẩm sinh học có các chủng vi khuẩn. Đối với rơm rạ thu gom được thì có thể dùng chế phẩm vi sinh Emuniv phân hủy rơm rạ để ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ, sau vụ gặt thu gom rơm, rạ vào một góc ruộng, hòa chế phẩm vi sinh với lượng theo khuyến cáo cùng với nước và phân NPK, tưới lên đống rơm, rạ. Ngoài ra có thể ủ rơm làm thức ăn cho gia súc hoặc sử dụng làm nguyên liệu trồng nấm.
Nghệ An với diện tích trồng lúa là 180.000 ha/năm, ước tính tạo ra 8 tín chỉ/ha, với đơn giá 5USD/tín chỉ, tổng doanh thu ước tính là 172,8 tỷ VND. Hiện nay, đã có Công ty Green Carbon phối hợp với Công ty thuỷ lợi Bắc, Công ty thuỷ lợi Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ triển khai Dự án trên diện tích 6.000 ha lúa và sẽ mở rộng diện tích trong những năm tới. Vì vậy, giảm phát thải khí nhà kính là yêu cầu bắt buộc cũng là cơ hội tăng thu nhập thông qua bán Tín chỉ carbon đối với người sản xuất lúa Nghệ An trong thời gian tới./.
                                                                                                         Nguyễn Hồng Giang - nguồn TSKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây