Một số lưu ý trong sản xuất lúa vụ Hè thu – mùa 2024
Thứ tư - 17/04/2024 05:191.2130
Dự báo trong vụ Hè Thu năm 2024 tình hình sinh vật gây hại chính trên các cây trồng chính sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Trên cây lúa thời kỳ đầu vụ khả năng ốc bươu vàng, chuột, bọ trĩ, ngộ độc hữu cơ,... sẽ gây hại trên diện rộng, cục bộ một số vùng bị gây hại nặng, giữa đến cuối vụ các đối tượng như chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy, sâu đục thân, nhện gié, bệnh bạc lá, lem lép hạt, khô vằn,... có nguy cơ gây hại cao, cục bộ một số diện tích có khả năng bị gây hại nặng gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cán bộ TTDVNN huyện Yên thành kiểm tra mô hình lúa tại xã Tăng Thành , huyện Yên Thành vụ xuân năm 2024 Để sản xuất lúa vụ Hè thu – mùa đạt hiệu quả cao bà con cần lưu ý một số vấn đề sau: Bố trí thời vụ và cơ cấu giống đảm bảo: Với dự báo tình hình hạn hán đầu vụ, cuối vụ xẩy ra mưa bão, dông lốc. Do đó, thực hiện thời vụ gieo cấy lúa Hè Thu với phương châm “Càng sớm càng tốt”và đặt an toàn, hiệu quả lên trên hết, khả năng phân phối nước để chọn thời điểm ra mạ, gieo thẳng và cơ cấu giống để khép kín diện tích và tránh mưa lụt, bão, áp thấp nhiệt đới cuối vụ. Không gieo cấy lúa đối với những vùng không đủ nước tưới suốt cả vụ mà thực hiện chuyển đổi sang trồng các cây trồng cạn khác có nhu cầu ít nước hơn để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với Vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt cao: Nên sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày và gieo mạ để cấy như TBR97; Khang dân đột biến, Việt Lai 20, .. Đối với vùng đất vàn: Đây là vùng Hè Thu thâm canh, cần sử dụng các giống có năng suất cao, thời gian sinh trưởng có thể dài hơn nhưng không quá 110 ngày. Trường hợp lúa Xuân thu hoạch muộn hoặc do điều tiết nước để làm đất gieo cấy gặp khó khăn, muộn thì phải sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày. Cơ cấu giống vùng này đối với Lúa thuần: VNR20; LTH31 (SL9); Bắc Thịnh; TBR225; Thiên ưu 8; Hà Phát 3; Vật tư – NA2; Khang dân 18 (quy hoạch cho vùng sản xuất làm hàng hóa). Lúa lai: Thái xuyên 111; Long Hương 8117; Nghi Hương 305; Quốc tế 1; Nhị ưu 986. Đối với vùngđất vàn cao ở đồng bằng, vùng ruộng lúa bán sơn địa: Bà con cần lưu ý với vùng chủ động nước: Ưu tiên sử dụng các giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt như các giống cơ cấu ở vùng vàn và có thể sử dụng thêm một số giống dài ngày hơn như: Lúa thuần: Nếp 97; BC15; Nếp 87;...Đối với vùng không chủ động nước, có nước muộn hoặc hạn hán nên sử dụng các giống ngắn ngày như vùng thấp lụt và giống có khả năng chịu hạn để khi có nước thì tiến hành gieo cấy cho kịp thời vụ. Vụ Hè thu- Mùa có khoảng thời gian giữa 2 vụ ngắn, chất hữu cơ trên ruộng chưa phân hủy hết, do vậy để đảm bảo an toàn, hiệu quả cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy gốc rạ tránh ngộ độc hữu cơ; cày bừa kỹ, giữ nước đều mặt ruộng từ 3 – 5cm sau gieo cấy hạn chế cỏ mọc. Thực hiện nguyên tắc bón phân cân đối để hạn chế sâu bệnh hại; Tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học hoặc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ bằng các chế phẩm sinh học,... nhằm giảm thiểu phân bón hóa học, đồng thời cải tạo tính chất đất, giúp cây trồng dễ hấp thu, sinh trưởng, phát triển khoẻ và chống chịu với điều kiện bất thuận.
Nông dân Yên Thanh đang chăm sóc lúa vụ Xuân
Phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện các hiện tượng, các đối tượng trên ruộng lúa và chủ động tham khảo ý kiến cán bộ kỹ thuật từ xã, huyện,… từ đó có biện pháp phòng trừ sớm có hiệu quả, cụ thể. Khi ruộng lúa có triệu chứng bị bệnh sử dụng các loại thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.