Thứ ba, 24/12/2024, 08:43

Cần quản lý tốt lợn con sau cai sữa

Thứ tư - 22/09/2021 22:20 1.704 0
Lợn con sau cai sữa là giai đoạn được tách khỏi sự chăm sóc, bảo vệ của lợn mẹ. Đây là giai đoạn lợn con dễ bị tác động bởi các yếu tố Stress gây ra, nhất là khả năng điều hòa thân nhiệt còn kém và bộ máy tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện, khẩu phần dinh dưỡng thay đổi từ dạng sữa mẹ chuyển sang dạng thức ăn khác, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa là khó tránh khỏi.
Cần quản lý tốt lợn con sau cai sữa
Cho nên, đối với lợn sau cai sữa cần chú trọng đến công tác quản lý và dinh dưỡng để đảm bảo điều kiện tối ưu, thích hợp nhất về môi trường sống và nhu cầu thức ăn đáp ứng cho lợn con sinh trưởng phát triển tốt nhất, hạn chế còi cọc, chậm lớn và gây thiệt hại kinh tế không đáng có xẩy ra. Một số vấn đề cơ bản cần quan tâm đó là:
- Về nguồn giống: Hiện nay thực trạng tỉ lệ chăn nuôi lợn nông hộ nhỏ, lẻ vẫn chiếm phần lớn và nguồn giống lợn con nuôi thịt thường được người chăn nuôi mua ở các chợ hoặc thông qua thương lái. Do vậy để tránh mua phải lợn kém chất lượng thì phải chọn những con có kết cấu cơ thể cân đối, nhanh nhẹn, đi lại bình thường, mắt trắng, lông thưa bóng mợt, da mỏng căng không có nếp nhăn. Đặc biệt những con lợn mua đang nhốt trong “rọ” phải thả ra để quan sát, sử dụng rau xanh, củ quả để thử cho ăn, nếu lợn con không ăn, mắt đỏ, da nhợt nhạt, lông xù, dáng chậm chạp, lờ đờ hay nằm một chỗ, .. chứng tỏ có vấn đề về sức khỏe, không nên mua. Nếu mua lợn con giống tại các hộ gia đình nuôi lợn sinh sản thì phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc đàn nái, nên chọn ổ lợn của nái sinh sản có từ 9 con trở lên, đồng đều, khỏe mạnh, quan sát thấy ăn khỏe, khuôn phân dẻo, tránh không mua những con lông xù, ăn kém, phân táo bón, dáng đi lại chậm chạp. Thông thường, nếu chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ thì nên chủ động tự sản xuất con giống là phương thức tốt nhất và loại bỏ được các yếu tố bất lợi về giống gây ra.
- Về chuồng trại: Phải đảm bảo chắc chắn, sạch sẽ, nuôi chuồng lồng, chuồng sàn hay nuôi nền đều phải thông thoáng, mát mẻ về mùa hè, ấm ấp về mùa đông, duy trì nhiệt độ chuồng nuôi từ 22-24oC, nhất là mùa đông cần sử dụng thêm bóng điện, lò sưởi, đệm lót bằng rơm rạ khô để giữ chuồng khô sạch, ấm áp. Diện tích chuồng bình quân 1,5-1,8m2/con, chiều dài máng ăn 0,25-0,30m/con, vòi nước uống tự động 8-10con/vòi, đặt cách nền hoặc sàn 20cm; Lưu ý tránh thiết kế máng ăn, vòi uống quá chật dẫn đến lợn tranh giành, cắn xé nhau, con yếu không cạnh tranh được thức ăn, nước uống sẽ chậm lớn, ốm yếu, còi cọc. Về mật độ nuôi trong chuồng nên thiết kế mỗi ô từ 15-20 con để vừa dễ ghép đàn, tiện công chăm sóc, đảm bảo phương châm nuôi lợn thịt “cùng vào, cùng ra” vừa dễ quản lý, phòng trị dịch bệnh và vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt xuất đàn, tái đàn.
- Về dinh dưỡng và khẩu phần ăn: Đây là giai đoạn lợn con cần chăm sóc đặc biệt, nhất là 2 tuần đầu sau cai sữa, lợn con không được dùng sữa mẹ mà phải sống tự lập bằng nguồn dinh dưỡng từ bên ngoài do người chăn nuôi cung cấp. Vì vậy nhất thiết thức ăn phải đầy đủ thành phần dinh dưỡng cả về số lượng và chất lượng như protein, chất béo, bột đường, xơ, Ca, P, Lyzin, Methionin, muối, trong đó chú ý đến năng lượng tiêu hóa của thức ăn đạt 3000 kcal/1kg TĂ hỗn hợp, protein 18%.
- Về chăm sóc nuôi dưỡng: Bộ máy tiêu hóa giai đoạn lợn sau cai sữa chưa phát triển thực sự hoàn chỉnh, ổn định về khả năng tiết dịch và tiêu hóa, nên cần cho ăn hạn chế khoảng 80% khẩu phần bình thường và bổ sung thêm chất xơ bằng các loại rau lang, rau muống để hạn chế bệnh đường ruột, tiêu chảy. Căn cứ theo định lượng khẩu phần thức ăn giai đoàn này để chia thành 4-5 bữa/ngày, nhưng theo nguyên tắc khẩu phần ăn ngày sau nhiều hơn ngày trước, cho ăn đến đâu hết đến đó, không lãng phí, nếu còn thức ăn thừa phải được thu gom, rửa sạch máng ăn tránh để lợn ăn phải thức ăn ôi thiu, chua, mốc, .. Tốt nhất là lắp hệ thống máng ăn tự động vì lợn con được ăn tự do theo nhu cầu và đỡ tốn công chăm sóc.
- Về công tác vệ sinh phòng bệnh: Cần thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để tăng cường sức đề kháng, tự phòng vệ cho lợn. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, vòi nước sạch sẽ, thu gom và xử lý chất thải hàng ngày; định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và môi trương xung quanh bằng các loại thuốc thông dụng. Tẩy giun sán và tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin theo đúng lịch trình như phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, .. bên cạnh đó có thể sử dụng một số loại thuốc trộn vào thức ăn/nước uống để phòng trị các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp.
Công tác quản lý, chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng cho lợn con sau cai sữa là giai đoạn rất quan trọng quyết định đến thành công trong chăn nuôi, vì vậy cần chú ý và thực hiện đồng bộ các biện pháp để loại bỏ các yếu tố bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến lợn con sau cai sữa mới giúp cho lợn tự nâng cao được sức đề kháng, tăng khả năng tiêu hóa hấp thu, giúp lợn sinh trưởng phát triển nhanh, góp phần đem lại hiệu quả và lợi ích kinh tế cao trong chăn nuôi lợn./.

 
 
Nuôi lợn thịt gắn với đệm lót sinh học
Cao Tuấn

Trung tâm Khuyến nông NA

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh6-2.jpg hh2.jpg hh7-1.jpg hh3-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg mo-hinh-luon-4.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây