Thứ bảy, 23/11/2024, 12:35

Một số giải pháp phòng và hỗ trợ điều trị bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Chủ nhật - 04/07/2021 21:19 830 0
Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò ở Nghệ An đang có nguy cơ lây lan nhanh. Tính đến ngày 08/6/2021 đã có 323 ổ (5.756 hộ/1.249 xóm/323 xã) tại 20 huyện, thành, thị đều xẩy ra dịch và có 230 ổ dịch công bố hết dịch chiếm tỷ lệ 71,2%.
Một số giải pháp phòng và hỗ trợ điều trị bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Nhưng đến nay, tình hình dịch viêm da nổi cục đã và đang giảm, chỉ còn 93 ổ dịch chưa qua 21 ngày thuộc 15 huyện, thành, thị (chiếm tỷ lệ 28,8% tổng số ổ dịch). Có tổng số gia súc mắc bệnh 7.296 con trâu, bò/ 754.220 tổng con của toàn tỉnh; trong đó số gia súc chết là 1.559 con (chủ yếu ở bê non và bò lai).  Bệnh này, có thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày, tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%.  Lây bệnh chủ yếu thông qua côn trùng hút máu như muỗi, ruồi, ve, mòng, ..; hoặc dùng chung máng ăn, uống, vận chuyển cùng trâu bò mang mầm bệnh, tiếp xúc trực tiếp, tinh dịch,...  Bệnh thường xẩy ra nhiều nhất vào những tháng có thời tiết ấm (như mùa xuân, hè), rất phù hợp cho côn trùng phát triển, đây là đối tượng làm lây lan rất nhanh, rất xa và rộng. Triệu chứng, bệnh tích điển hình thường thấy ở trâu, bò mắc bệnh đó là: Sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, cơ thể suy nhược và gầy yếu; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt sau 48 giờ có phản ứng sốt thì ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục, .. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử, sau đó xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo lâu dài. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy miệng và đường tiêu hóa, khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật đi lại khó khăn, không muốn di chuyển. Bò chửa có thể sảy thai, bò đực có thể bị vô sinh. Muốn khống chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, người chăn nuôi gia súc cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, khi mua giống trâu, bò về nuôi: Tuyệt đối không mua giống từ vùng có dịch, nên tìm mua con giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy kiểm dịch chất lượng con giống. Trong quá trình vận chuyển, cần bố trí phương tiện và thời gian vận chuyển phù hợp, phương tiện vận chuyển được khử trùng kỹ trước và sau khi vận chuyển đàn giống. Đồng thời, thực hiện tốt thời gian nuôi cách ly theo qui định để theo dõi tình trạng sức khỏe vật nuôi; ghi chép đầy đủ các thông tin về đàn vật nuôi vào sổ theo dõi như: Ngày/tháng/năm nhập con giống, địa chỉ nơi bán giống, đã tiêm phòng những loại vacxin nào,… một cách đầy đủ khoa học sẽ hạn chế rủi ro dịch bệnh này.
Hai là công tác vệ sinh chuồng nuôi luôn sạch sẽ: Thường xuyên thu dọn sạch phân, nước tiểu và các loại rác thải đem chôn, đốt, rãi vôi bột xung quanh khu vực nuôi cũng như trong khu vực chuồng nuôi. Kết hợp khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để diệt các loài côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng như iodin, hantox,…
Ba là định kỳ phun tiêu độc khử trùng: Có thể dùng các loại hóa chất như phenol, BKA, formaldehyt,… Vùng đang có dịch và lân cận vùng dịch, thực hiện phun 2 lần/tuần, vùng không bị dịch phun 1 lần/tuần, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bốn là phòng đầy đủ các loại vacxin tẩy nội ngoại ký sinh trùng cho đàn vật nuôi theo từng độ tuổi như tiêm vacxin LMLM, THT, ký sinh trùng đường máu, tẩy giun, sán,… Đồng thời, khẩu phần ăn cho gia súc đầy đủ thành phần dinh dưỡng: Trâu, bò ở từng độ tuổi khác nhau có khẩu phần ăn khác nhau. Tuy nhiên, lượng thức ăn thô xanh trong khẩu phần ăn của trâu, bò đạt 10 - 15%, lượng thức ăn tinh trong khẩu phần ăn đạt 1 - 1,5%, bổ sung thêm các khoáng đa lượng, vi lượng, các vitamin,…nhằm tăng sức đề kháng cho con vật, hạn chế rủi ro dịch bệnh.
          Mặt khác, với những gia súc ghi mắc bệnh có thể hỗ trợ điều trị như sau:
+ Hạ sốt cho con vật: Dùng AnalginC, VitaminC
+ Sử dụng kháng sinh kéo dài 3 - 5 ngày (dùng Oxytetracyclin, linco - spect, Sefua,…
+ Dùng thuốc để tiêm tiêu viêm, kháng viêm, giảm đau như Delasone tiêm 3 - 5 ngày, kết hợp thuốc bổ.
+ Xử lý vết loét bằng các loại kháng sinh như Oxytetracyclin, Rivanol
+ Truyền dịch hỗ trợ, nâng sức đề kháng như đường 10%, nước muối 0,9%
+ Hàng ngày dùng dung dịch iodin 3 - 5 % phun toàn thân, 1- 2 lần/ngày, hạn chế xâm nhập của côn trùng
+ Kết hợp khẩu phần ăn đầy đủ thành phần dinh dưỡng, chuồng trại khô ráo, thoáng mát, giữ cơ thể sạch, kiểm soát đi chuyển của con vật. Khoanh vùng, cách ly, tiêm phòng vacxin cho con vật.
          Vậy nên để hạn chế sự lây lan dịch bệnh cũng như không để bệnh lây ra diện rộng, đòi hỏi các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp trên một cách nghiêm ngặt và bài bản. Chúc các hộ chăn nuôi thành công.
Nguyễn Thị Thu - Trung tâm KN Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây