Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp nước ta. Các sản phẩm ngành chăn nuôi nhìn chung đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Mặc dù mấy năm qua tình trạng dịch bệnh như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm….đã gây thiệt hại không nhỏ đến tổng đàn vật nuôi nhưng dưới sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của ngành nông nghiệp nước ta vẫn duy trì được đàn vật nuôi với tổng số đàn lợn hơn 22 triệu con, trâu bò hơn 8,6 triệu con, gia cầm hơn 512 triệu con (theo số liệu thống kê chăn nuôi tháng 1/2021). Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi thì nguồn chất thải sinh ra đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kèm theo là vấn nạ mùi hôi thối trong chăn nuôi. Nguyên nhân gây mùi hôi thối trong chăn nuôi là do trong quá trình chăn nuôi vật nuôi thường xuyên thải ra môi trường một lượng chất thải chủ yếu là phân và nước tiểu. Trung bình lượng phân và nước tiểu thải hàng ngày của một con trâu là 18-25 kg/ngày, bò là 15-20 kg/ngày, lợn là 1,2-4 kg/ngày, gia cầm là 0,02-0,05 kg/ngày. Ngoài ra chất thải khác như lượng thức ăn thừa bị phân hủy, ôi mốc, chất độn chuồng, xác động vật chết; nước sử dụng trong để dội rửa vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, tắm cho con vật, … Quá trình phân hủy phân, chất thải này sẽ tạo ra các hợp chất có mùi như Amoniac (NH 3 ), Hydro sunfua (H 2 S), Mêtan (CH 4 ), Axit hữu cơ dễ bay hơi ….Nếu không có biện pháp xử lý chất thải hoặc xử lý không triệt để thì đây là nguyên nhân chính gây ra mùi hôi thối trong chăn nuôi. Mùi hôi thối trong chăn nuôi sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người trực tiếp chăm sóc vật nuôi, người sống xung quanh trại và cả chính vật nuôi. Các chất gây ra mùi hôi như amoniac, hydro sulfua… đều là những chất độc nếu con người hít phải kể cả nồng độ thấp trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp, gây viêm mũi dị ứng, viêm họng, ho, đau đầu, buồn nôn… Mặt khác mùi hôi thối trang trại gây khó chịu cho những người dân sống xung quanh trại, gây mất đoàn kết tình làng xóm, nguồn nước thải từ chăn nuôi ở gần giếng nước sinh hoạt thường gây mất vệ sinh, giảm chất lượng cuộc sống đáng kể. Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà chuồng trại hôi thối, bẩn còn là môi trường lý tưởng cho các vi sinh có hại phát triển gây bệnh cho vật nuôi. Không khí chuông trại ô nhiễm làm suy giảm miễn dịch đường hô hấp, con vật giảm sức đề kháng…. Tạo cơ hội cho các mầm bệnh có sẵn trong môi trường trỗi dậy và gây bệnh như tiêu chảy, tụ huyết trùng, ký sinh trùng….Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đầu ra của đàn vật nuôi kém, làm giảm nguồn thu kinh tế cho người chăn nuôi. Đồng thời vi phạm quy định về xử lý chất thải, khí thải theo luật chăn nuôi năm 2018, luật bảo vệ môi trường. Để phù hợp với cộng đồng và phát triển chăn nuôi bền vững thì người chăn nuôi cần phải lưu ý một số giải pháp xử lý hạn chế mùi hôi thối trong chăn nuôi đó là: Thứ nhất: thiết kế bố trí chuồng trại hợp lý. Chuồng trại xây dựng ở khu vực được phép chăn nuôi, không xây dựng trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư … Hệ thống chuồng nuôi đúng kỹ thuật, phù hợp với loài vật nuôi, số lượng vật nuôi. Chăn nuôi tập trung, nên đầu tư xây dựng và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như xây chuồng sàn, hệ thống thu gom phân nước thải tự động, cần bố trí khu vực chứa phân, chất thải ở cuối chuồng, cuối hướng gió. Ngoài ra nên thiết kế hệ thống quạt thông gió, lọc khí, trồng cây xanh xung quanh chuồng nuôi để tạo bầu không khí trong lành, thông thoáng cũng góp phần giảm mùi hôi đáng kể. Sử dụng chuồng sàn trong chăn nuôi lợn
Thứ 2: Vệ sinh thu gom phân rác thải sạch sẽ, định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại: Hằng ngày phải quét dọn, thu gom phân, chất thải và tập trung đúng nơi quy định. Nếu nuôi lợn nên tắm, dội rửa chuồng một ngày 2 lần, buối trưa và buổi chiều, không để nước trong rãnh nước thải qua đêm vì phân và nước tiểu đi ra hòa trộn vào rãnh sẽ sinh mùi rất nhanh, là nguyên nhân dẫn sinh ra nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Thức ăn thừa khi phân hủy cũng là tác nhân gây mùi hôi chuồng trại. Bởi vậy sau mỗi lần cho ăn cần thu gom thức ăn thừa. Nên tính toán khẩu phần vừa đủ cho đàn vật nuôi tránh thừa gây lãng phí, giúp hạn chế mùi và giảm chi phí chăn nuôi. Định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh (1-2 lần/tháng) tiêu diệt các mầm bệnh, diệt ruồi muỗi và hạn chế vi khuẩn gây mùi. Thứ 3: xử lý chất thải chăn nuôi. Tùy vào điều kiện chăn nuôi, loài vật nuôi, số lượng vật nuôi để thiết kế phù hợp. Xử lý trực tiếp: Tất cả chất thải thu gom về hố xử lý, rắc vôi bột hoặc sử dụng các chế phẩm sinh hoc xử lý mùi hôi. Chế phẩm sinh học có tác dụng tăng cường quá trình phân huỷ chất thải hữu cơ, ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn lên men gây mùi thối. Có thể rắc, phun xịt các dạng chế phẩm sinh học lên chuồng trại, phân rác thải, rãnh thoát nước hoặc dùng ủ phân hữu cơ. Xử lý bằng công trình khí sinh học (hầm bioga). Lưu ý khi xây hầm biogas cần đủ công suất để chứa đủ lượng chất thải đồng thời áp dụng công nghệ máy phát điện từ khí gas và tận dụng khí gas để đun nấu, giúp giảm bớt khí gas trong hầm, và tăng thể tích chứa của hầm, không cho khí thoát ra ngoài gây mùi. Ngoài ra có một biện pháp giúp giảm đáng kể mùi hôi chuồng trại, giảm mầm bệnh, phù hợp với quy mô nông hộ đồng thời giúp tận dụng được nguồn phân hữu cơ để trồng trọt hoặc bán đó sử dụng đệm lót sinh học. Các sản phẩm chế phẩm từ sinh học đều có nguồn gốc an toàn cho cả người lẫn vật nuôi khi sử dụng trong thời gian dài. Một số chế phẩm sinh học hiệu quả như chế phẩm EM, Balassa, xử lý mùi hôi của Bio spring….. Thứ 4: Cải thiện đường tiêu hóa vật nuôi. Có một thực tế rằng thức ăn vật nuôi đưa vào cơ thể nhưng một số chất không thể tiêu hóa, hấp thu hết và được thải ra ngoài cùng với phân. Các chất này bị phân hủy và gây ra mùi hôi. Bởi vậy thức ăn cho vật nuôi phải đảm bảo đủ, cân đối về dinh dưỡng để đảm bảo tỷ lệ tiêu hóa, hấp thu cao nhất. Ngoài ra cần cải thiện đường tiêu hóa vật nuôi bằng cách bổ sung các loại enzym hoặc chế phẩm vi sinh có lợi cho hệ tiêu hóa để giúp tiêu hóa tốt thức ăn, hấp thụ hết chất dinh dưỡng giúp vật nuôi khỏe mạnh, giảm chi phí thức ăn và hạn chế mùi hôi chuồng trại. Có thể sử dụng một trong số loại men tiêu hóa,chế phẩm vi sinh trộn trong thức ăn, nước uống. Trên đây là một số giải pháp xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, để đạt hiệu quả cần áp dụng đồng thời các giải pháp. Từ 1/1/2020 luật chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực thì chủ chăn nuôi trang trại, nông hộ phải có biện pháp xử lý chất thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh theo quy định. Bởi vậy người chăn nuôi cần quan tâm, lưu ý để thưc hiện tốt và chăn nuôi hiệu quả.