Thứ năm, 23/01/2025, 16:29

Mô hình nuôi ong ngoại lấy mật hiệu quả cao

Chủ nhật - 11/07/2021 22:02 9.142 0
Nuôi ong lấy mật hiện tại đang là một hình thức chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao  cho nguồn thu nhập ổn định bởi 90 - 95% sản phẩm của con ong tạo ra như mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa….  đều có thể sử dụng và chế biến trong khi đó  nuôi ong đầu tư ban đầu không cao,  không đòi hỏi nhiều nhân lực.
Mô hình nuôi ong ngoại lấy mật hiệu quả cao
Tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 71.000 đàn ong và tập trung nuôi ở các huyện miền núi phía Tây. Đây là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật nhờ tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và một số loại cây ăn quả. Chính vì vậy, nghề nuôi ong lấy mật đã góp phần nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế địa phương.
Đến gặp chị Võ Thị Yến-  một hộ nuôi ong lấy mật tại Khối Thí Nghiệm, phường Quang Tiến, Thị xã Thái Hòa trong một buổi sáng đầu hè. Đưa chúng tôi vào thăm vườn  nơi nuôi những đàn ong mật của gia đình, chị kể về con ong một cách say sưa. Chị Võ Thị Yến chia sẻ:  Nghề nuôi ong thì ở  đâu có hoa là mình đặt chân đến đấy. Nghề này vừa dễ mà lại khó; phải am hiểu về đặc tính của con ong,  kiên trì, chịu khó và đầu tư về kỹ thuật.  Một trong những yếu tố quyết đinh để nuôi ong lấy mật cho hiệu quả cao là nguồn ong giống. Hiện tại ở địa phương  có hai loại ong giống chính là ong nội và ong ngoại (ong Ý). Ong nội có nguồn gốc trong nước, ít dịch bệnh và dễ nuôi nhưng sản lượng mật thấp còn giống ong Ý là giống ong ngoại nhập cho sản lượng mật cao phù hợp với nuôi ong số lượng lớn. Mỗi giống ong đều có ưu điểm và nhược điểm nên lúc  mới nuôi  anh chị nuôi cả ong nội và ong ngoại. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, sau một thời gian nuôi nhận thấy con ong ngoại có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với ong nội như: tính tụ đàn cao, thế đàn đông, năng suất mật vượt trội, ít dịch bệnh, thích nghi di chuyển, rất phù hợp để đầu tư phát triển trên quy mô lớn và cho giá trị kinh tế cao hơn. Bởi vậy anh chị chuyển sang nuôi ong ngoại, chỉ nuôi một ít ong nội để duy trì giữ giống và bán giống.
Đặc thù của nghề nuôi ong lấy mật, là phải thường xuyên di chuyển theo các mùa hoa, vùng hoa để đảm bảo nguồn thức ăn cho ong. Hiện tại gia đình chị đang nuôi tại vườn nhà ở thị xã Thái Hòa  duy trì với quy mô 50-60 đàn ong nội và 100 đàn ong ngoại chủ yếu là để bán ong giống  cho các hộ có nhu cầu. Còn thuê địa điểm đặt trang trại tại xã Châu Thái - huyện Quỳ Hợp ( địa điểm đặt trại có thể phải di chuyển thay đổi tùy thuộc vào nguồn mật hoa) với quy mô hơn 300 đàn ong ngoại để lấy mật.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong ngoại lấy mật chị Yến nói: Thức ăn chính của ong là mật hoa. Vì thế nên muốn nuôi ong thì trước hết phải tìm được địa điểm thích hợp có không gian rộng rãi, trong sạch, nhiều nguồn cung cấp mật, phấn hoa;  không bị ảnh hưởng bởi khói, bụi, hóa chất độc hại của các nguồn gây ô nhiễm, trại chăn nuôi …  Khi dựng trại ong phải chú ý hướng gió, nếu chọn sai địa hình thì nguồn mật thu được rất ít, lúc đó lại phải di chuyển đi nơi khác. Thùng ong phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, đảm bảo vệ sinh. Nếu bảo đảm các yếu tố trên mật ong sẽ có chất lượng tốt và thu được nhiều mật. Đặc biệt  con ong rất nhạy cảm với các hóa chất độc hại có trong thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng cho cây…..nên cần lưu ý là không dựng trại ong gần những vùng trồng lúa, rau, hoa màu. Bởi ong sẽ bị ngộ độc hoặc chết vì hút phải mật tại những ruộng phun thuốc bảo vệ thực vật kể cả với liều lượng rất ít.

 
 
Trang trại mật ong hộ chị Yến anh Chung tại xã Châu Thái -Quỳ Hợp.

Nuôi ong nhất là ong ngoại đều phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Nếu năm nào mưa nắng đan xen, cây cối đâm chồi này lộc, gặp được vùng hoa sum suê chỉ cần nửa tháng đến hai mươi ngày, sẽ có được những bánh mật vàng ươm. Thời tiết miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng mùa đông giá rét, mưa gió lại khan hiếm nguồn hoa nếu không có biện pháp chăm sóc chu đáo thì  tổng đàn có thất thoát do bị chết hoặc bốc bay. Bởi vậy người  nuôi ong phải biết phán đoán thời tiết , “nhìn trời, nhìn đất “dự tính thời điểm nào nguồn mật và  phấn hoa ngoài thiên nhiên bắt đầu khan hiếm để chuẩn bị phương án di chuyển đàn ong trước. Thông thường  hàng năm vào tầm giữa tháng 11 dương lịch anh chị phải di chuyển toàn bộ hơn 300  đàn ong ngoại di cư vào miền Nam để ong kiếm mật và duy trì sự sống, tránh rét.  Đến tháng 3 khi tiết trời mùa xuân ấm áp và mùa hoa ở ngoài này phong phú sẽ di chuyển trở về.  Khi di chuyển đưuòng dài cũng phải hết sức cẩn thận, tránh những va chạm mạnh tránh động ong và gây vỡ thùng,  nếu chở bằng ô tô phải đi với tốc độ vừa phải.  Rất may con ong ngoại to khỏe, tính thích nghi cao, sau quá trình di chuyển đường dài phần lớn khi đến địa điêm trại mới là có thể bay kiếm mật ngay. Bởi vậy quá trình kiếm mật không bị gián đoạn, đàn ong duy trì được năng suất. Nếu không di chuyển vào Nam được  thì phải cho ong  ăn bổ sung bằng mật ong cũ hoặc siro đường: cứ 1kg đường trộn với 0.8kg nước, bỏ vào máng để trên xà cầu cho ong tự bò lên ăn. Tuy nhiên cách này khá tốn kém và chỉ nên áp dụng đối với đàn quy mô vừa nhỏ.
Vào trong nhà, chị Yến lấy ra những chai mật ong màu sánh vàng ươm rồi cười nói với chúng tôi: Nhìn chai mật ong thế này thôi nhưng  đằng sau nó là cả một câu chuyện dài. Để tạo ra được mật ong  phải có công sức của ong chúa và hàng trăm con ong thợ trong đàn. Thời gian thu hoạch mật cũng phụ thuộc nguồn thức ăn, mùa xuân từ 10-15 ngày thậm chí nếu nguồn hoa kém cả tháng mới thu hoạch 1 lần, mùa hè từ 10-20 ngày. Mật ong còn chia ra các loại gọi theo tên của  mùa thu hoạch hoặc nguồn gốc mật hoa như mật ong rừng, mật ong nuôi thì có mật ong mùa xuân, mật ong hoa nhãn, hoa tràm (keo), hoa vải…  Mùa nào ong cũng đi lấy mật, cứ hoa nở là ong sẽ đi. Thế nhưng vào mùa xuân (tháng 2, tháng 3) khi muôn hoa đua nở cũng là lúc con ong lấy được nhiều mật của nhiều loài hoa nhất nên mật ong mùa này cũng là ngon nhất bán được giá nhất. Tuy nhiên mấy năm gần đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết mưa nắng thất thường nên sản lượng mật mùa xuân thu được ít hơn. Còn vào tầm khoảng tháng 4, 5 ,6,7,8 lại là mùa thu mật chính với năng suất tầm khoảng 20 tấn/ 300 đàn ong. Thời điểm này ở Nghệ An chủ yếu có hoa nhãn, hoa tràm (keo)… nên thường gọi là mật ong nhãn, mật ong tràm là vì thế.
Sản phẩm mật ong tại trại ong chị Võ Thị Yến
Khi được hỏi về khó khăn gặp phải khi nuôi ong ngoại với quy mô lớn chị Yến cho biết:  Khó khăn thứ nhất đó là nghề nuôi ong phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, nguồn mật hoa phấn hoa từ thiên nhiên. Năm nào mưa thuận gió hòa, cây cối phát triển thì sản lượng mật cao, ong ít bị bệnh. Nếu trời nắng kéo dài hoặc mưa gió
liên tục ong không đi hút mật được thì xác định mất mùa mật thậm chí sợ ong bốc bay,  mất đàn.
Khó khăn thứ hai đó là đầu ra cho các sản phẩm bao gồm cả mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa…Hiện tại gần như các hộ nuôi ong tự lo đầu ra cho mình, giá cả sản phẩm còn bấp bênh lên xuống phụ thuộc vào thị trường nhất là thị trường xuất khẩu. Giá mật ong bán cho công ty xuất khẩu tùy từng năm, từng thời điểm trung bình chỉ khoảng 25.000-30.000 đ/lít,  cá biệt có  năm được giá mỗi lít mật ong  bán cho công ty để xuất khẩu với giá 45.000đ/lít thì năm ấy bội thu, nhưng cũng có năm giá thấp may ra chỉ đủ hòa vốn.
Với quy mô đàn khá lớn và sản lượng mật nhiều vợ chồng  chị Yến lúc đầu cũng khá vất vả  để tìm đầu ra cho  phẩm.  Đa số sản lượng mật thu hoạch được chủ yếu xuất khẩu và bán lẻ . Hàng năm gia đình chị thu được 20 tấn mật mùa hè (mật ong tràm, mật ong nhãn)  và khoảng 1 tấn mật ong mùa xuân. Lượng mật ong mùa hè chủ yếu xuất bán cho công ty trong Bình Dương thu mua để xuất khẩu ra nước ngoài ước chừng 15-18 tấn thu về khoảng  500 triệu /năm, có năm được giá thu về khoảng 800-900 triệu đồng. Tuy nhiên giá thu mua mật ong không ổn định, phụ thuộc thị trường.  Lượng mật mùa  xuân (khoảng 1 tấn/năm) và số mật ong không xuất bán xuất khẩu được (3-5 tấn) sẽ bán lẻ  và nhập cho các cửa hàng, siêu thị, thu nhập thêm khoảng 100-200 triệu đồng.  Công việc bận rộn, nên tại trại ong gia đình chị thuê thêm 1 công nhân phụ trách trại, còn khi thu hoạch  mật phải thuê lao động thời vụ. Sau khi trừ đi tất cả chi phí thu nhập riêng từ nguồn bán mật ong lãi trung bình khoảng 150-200 triệu đồng.
Ngoài ra để thuận lợi cho nuôi ong và tăng thêm thu nhập, chị Yến còn mở cửa hàng bán vật tư ngành ong tại thị xã Thái Hòa. Đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình đồng thời cũng là kênh thông tin trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong giữa các nhà nuôi ong khắp mọi miền. Hai vợ chồng chia nhau điều hành công việc, chồng phụ trách quản lý công việc ở trại ong , vợ phụ trách buôn bán cửa hàng và đàn ong  tại vườn nhà.
Với mong muốn vươn rộng ra thị trường thì phải đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm. Kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi ong cùng với tâm huyết với nghề năm 2016  anh chị đã đầu tư xây dựng thương hiệu mật ong Chung Yến. Sản phẩm mật ong Chung Yến đã tham gia trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng, hội chợ, đưa vào siêu thị, một số của hàng thực phẩm sạch.. mặc dù số lượng còn ít. Tuy nhiên  chi phí duy trì thương hiệu khá nhiều  nên sau thời gian hết hạn anh chị vẫn còn e ngại có nên đầu tư gia hạn thương hiệu nữa hay không. Đây cũng là điều băn khoăn, trăn trở của những người nuôi ong tâm huyết rất mong được nhà nước quan tâm hỗ trợ.
Từ mô hình nuôi ong ngoại  lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao của chị Võ Thị Yến hy vọng nhiều hộ dân nhất là ở các vùng có diện tích vườn đồi, nhiều cây lâm nghiệp, trang trại trồng trọt, cây ăn quả quan tâm học tập để phát triển nghề nuôi ong lấy mật vừa tận dụng được lao động nông nhàn vừa tận dụng được nguồn hoa sẵn có để phát triển kinh tế. Đồng thời người nuôi ong hi vọng,  mong muốn các cấp các ngành có thêm các chính sách hỗ trợ  phát triển ngành nuôi ong  tại tỉnh nhà.
Kim Dung – Trung tâm KN

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây