Không chủ quan với bệnh dại của chó

Chủ nhật - 01/08/2021 21:14 1.113 0
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đáng sợ nhất lịch sử nhân loại gây bệnh chung cho nhiều loài gia súc và người do một loại virus Rhabdovirus hướng thần kinh gây ra, thường gây tác loạn thần kinh bắt nguồn từ não và tủy sống.
Không chủ quan với bệnh dại của chó
Ở nước ta, bệnh đã có từ lâu, gây nhiều thiệt hại cho gia súc và người, nguồn lây truyền bệnh dại chủ yếu thông qua đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc, thường chó nhà chiếm tỉ lệ cao nhất khoảng 90%, mèo 5% và còn lại động vật hoang dã khoảng 5%. Khi bệnh dại biểu hiện đều gây tử vong nhanh chóng, nhất là ở người chết vì bệnh dại, người bệnh sẽ tỉnh táo chờ đợi cái chết trong hoảng loạn, đau đớn, vật vã cho đến phút cuối cùng, những người chứng kiến luôn để lại ám ảnh thương tâm và không tránh khỏi tổn thương về tâm lý. Nhận thức rõ được mức độ nguy hiểm của bệnh dại, tỉnh Nghệ An hàng năm dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đều chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thú y, y tế về công tác quản lý, giám sát, chẩn đoán, xử lý ổ dịch và tổ chức tiêm phòng bệnh dại chó. Tuy nhiên, dù tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tỉ lệ tiêm phòng dại chó vẫn chưa đạt được như kế hoạch mong đợi đề ra. Virus dại thường có 2 chủng là virus dại đường phố (tồn tại trên động vật bị bệnh) và virus dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ). Khi xâm nhập vào cơ thể, virus nhanh chóng vào thần kinh trung ương, virus sinh sản rất nhanh, sau đó virus theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt, bởi vậy ở nước bọt chó có độc lực trước khi có triệu chứng 2-14 ngày và 7 ngày sau khi lành bệnh. Cho nên chó chỉ được xem là an toàn khi nhốt riêng 15 ngày không có triệu chứng và 7 ngày sau khi lành bệnh. Ở người nhiễm bệnh dại thường thông qua vết cắn, hoặc do tay nhân người bị tổn thương tiếp xúc với nước bọt chó bị bệnh bài tiết ra. Biểu hiện bệnh dại ở chó, trước tiên phải quan sát những thay đổi bất thường về hành vi như: Thay đổi thói quen, chán ăn, sủa khàn và gầm gừ, sủa không rõ tiếng, dễ bị kích động, tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép, …. Tuy nhiên bệnh dại chó thường thể hiện dưới hai thể: - Thể dại điên cuồng: Có 3 thời kỳ phân biệt tương đối rõ rệt. Thời kỳ đầu diễn ra 1-2 ngày, chó có biểu hiện thay đổi thói quen, trở nên lo lắng, bứt rứt, cau có, giận dữ hoặc trái lại bỗng quấn quýt, vui vẻ hơn, mắt sáng, tai vểnh lên, hoặc cũng có khi buồn rầu, mắt lơ đễnh, trốn vào góc tối, khu vực kín đáo. Tiếp theo là thời kỳ kích thích, chó chạy lung tung, hoảng loạn, hung dữ, dễ bị kích động, cắn sủa người lạ dữ dội, nơi vết thương thường ngứa khiến chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu. Sốt cao, mắt đỏ ngầu, giãn đồng tử, chó khó nuốt hoặc bỏ ăn, tiếng sủa khàn đặc, trễ hàm, lưỡi thè ra, chảy nhiều nước dãi, đuôi cụp, bụng thóp do không ăn uống, sợ gió, sợ nước, chó bỏ nhà đi và thường không trở về, khi gặp vật lạ thường gặm cắn, ăn bừa bãi, tấn công chó khác và cả người. Cuối cùng là thời kỳ bại liệt chó nằm xuống, trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, không nuốt được thức ăn, nước uống, mắt sâu đờ ra, kiệt sức, chân sau liệt ngày và chết trong khoảng từ 3 - 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên do liệt cơ hô hấp và kiệt sức do không ăn uống được. - Thể dại bại liệt còn gọi là dại câm: Chó buồn bã, thích nằm bóng tối, thu mình một chỗ, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra, nước dãi chảy tự do, không cắn, không sủa, liệt nửa thân hoặc liệt hai chân sau, gầy sút nhanh, lịm dần rồi chết. Đối với bệnh dại khi phát bệnh rất dễ nhận biết, chẩn đoán. Nhưng khi chưa phát bệnh thì phải quan tâm đến những dấu hiệu, thay đổi thói quen vốn có, nếu có biểu hiện không bình thường cần nhốt riêng, cách ly để theo dõi. Tuy nhiên cần chẩn đoán phân biệt, tránh nhầm lẫn với bệnh giả dại (Aujeszki), bệnh sài chó, bệnh ngộ độc Stricnin. Bệnh dại được xếp vào tốp đầu bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tốc độ phát triển cực nhanh, gây tử vong cao và hiện tại chưa có phương pháp điều trị hiệu quả khi các dấu hiệu lâm sàng đã xuất hiện. Biện pháp hữu hiệu nhất là phòng bệnh cho chó để giữ an toàn đến tính mạng cho vật nuôi và con người. Cụ thể: Tiêm phòng bằng vác xin là cách tốt nhất định kỳ hàng năm 1 lần/năm, nên tiêm mũi đầu khi chó được 12 tuần tuổi. Vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng nơi ở, quản lý thật tốt đàn chó nuôi, không thả rông chó ra đường, khu đông dân cư, nơi công cộng, khi thả chó phải rọ mõm, có người dắt và giám sát. Khi phát hiện chó có các biểu hiện bất thường cần nhốt riêng hoặc đưa ngay đến cơ sở thú y thăm khám. Nếu chó chết do mắc bệnh dại hoặc nghi bệnh dại đều phải tiêu hủy chôn hoặc đốt xác theo quy định thú y. Trong trường hợp người bị chó cắn thì phải đưa người đến ngay cơ quan y tế dự phòng để khám và tiêm phòng, đồng thời nhốt chó theo dõi 15 ngày (chó rõ nguồn gốc), còn chó cắn không rõ nguồn gốc thì phải áp dụng điều trị dự phòng cho người như bị chó dại cắn. Phải nói rằng, bệnh dại ở chó rất nguy hiểm, thực tế hàng năm đều có tình trạng chó mắc bệnh dại truyền lây cho con người và gây tử vong thương tâm cho các gia đình, nguyên nhân chính được xác định là do con người chủ quan, lơ là, chưa hiểu hết được sự nguy hiểm của bệnh dại lây truyền từ chó dẫn đến thiệt hại tính mạng. Chính vì thế, cần có sự chung tay vào cuộc tích cực của các cấp các ngành trong việc tuyên truyền, quản lý vật nuôi và xử lý vi phạm (Luật chăn nuôi số 32/2018/QH14, Nghị định 90/2017/NĐ-CP), nhất là các hộ gia đình nuôi chó cần tuân thủ thực hiện tiêm phòng dại cho chó đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật về Thú y, khi nghi ngờ chó có triệu chứng dại phải báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cán bộ chăn nuôi thú y cơ sở, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh thú y, môi trường nhằm tạo ra đàn chó nuôi an toàn không gây nguy hiểm cho cộng đồng./.
Cao Tuấn -Trung tâm Khuyến nông nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây